(KTSG Online) - Đồng rúp đã hồi phục hoàn toàn từ những đợt trượt dài do các lệnh trừng phạt của phương Tây, từ khủng hoảng lãi suất chính sách đến 20% và các biện pháp kiểm soát tài chính và ngoại tệ chặt chẽ của điện Kremlin. Với kịch bản lạc quan là cuộc chiến kết thúc sớm thì các lệnh cấm vận của phương Tây vẫn sẽ không sớm gỡ bỏ, nhà đầu tư quốc tế cũng không nhanh chóng quay lại. Nước Nga có khả năng mất ít nhất “vốn liếng” của 15 năm tăng trưởng.
Đồng rúp Nga giao dịch quanh ngưỡng 79-80 rúp ăn 1 đô la cuối tuần này. Đây là tỷ giá của phiên giao dịch cuối trước khi Nga phát động cuộc chiến hôm 24-2. Bên cạnh đó, Ngân hàng Trung ương Nga (RCB) cắt giảm 300 điểm cơ bản lãi chính sách xuống còn 17% trong một cuộc họp đột xuất ngày 8-4. RCB nói rằng giá tiêu dùng tăng nhanh, hoạt động kinh tế chậm lại và rủi ro đối với sự ổn định tài chính là nguyên nhân dẫn đến quyết định mới.
Đồng rup cũng ổn định ngay cả sau khi Quốc hội Mỹ bỏ phiếu cấm nhập khẩu dầu, khí đốt và than đá từ Nga nhằm cụ thể hóa hơn nữa sắc lệnh mà Tổng thống Joe Biden ký vào tháng trước. Hơn nữa, EU đã cấm nhập khẩu than từ Nga trong động thái đầu tiên nhắm vào nguồn thu quan trọng từ xuất khẩu năng lượng của Moscow. EU đồng thời chuẩn bị lệnh cấm vận đối với dầu, khí đốt và nhiên liệu hạt nhân của Nga, nhưng hiện thời điểm vẫn chưa rõ ràng.
Tại sao rúp tăng giá?
Đồng rúp bật tăng trở lại là do các biện pháp hỗ trợ của chính phủ Nga, cũng như việc EU và các nước khác như Ấn Độ và Trung Quốc vẫn tiếp tục mua năng lượng từ Nga – chuyên gia trưởng về chiến lược ngoại tệ Jane Foley của ngân hàng Rabobank London giải thích với đài CBS. Thậm chí ngay với các lệnh cấm vận trải rộng hiện nay, Nga vẫn tiếp tục xuất khẩu dầu, khí đốt và than. Bloomberg Economics ước tính rằng xuất khẩu năng lượng của Nga vẫn có thể tăng 1/3 trong năm nay, đạt giá trị 321 tỉ đô la.
Chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin cũng đưa ra các biện pháp kiểm soát vốn toàn diện. Một vũ khí quan trọng trong điều hành tài chính của chính phủ là kiểm soát vốn, tức các quy tắc hạn chế lượng tiền được phép chuyển vào và ra khỏi đất nước.
Chính phủ đã áp đặt các giới hạn nghiêm ngặt về số ngoại tệ người dân có thể mang ra khỏi Nga, hạn chế việc bán đồng rúp. Ví dụ, người Nga đã bị cấm rút hơn 10.000 đô la Mỹ, hoặc chuyển tiền mặt sang tài khoản nước ngoài. Ngoài ra, các nhà đầu tư nước ngoài không được phép bán các tài sản tài chính trong nước.
Nga cũng đã ra lệnh cho các nhà xuất khẩu phải chuyển 80% số ngoại tệ kiếm được ở nước ngoài thành rúp. Đây là một hỗ trợ chính cho tiền tệ, trong bối cảnh Nga vẫn đang kiếm được nhiều tiền từ xuất khẩu dầu và khí đốt.
RCB cũng can thiệp hữu hiệu khi tăng gấp đôi lãi suất lên 20% khi đồng rúp bắt đầu mất giá vào cuối tháng 2 và giảm xuống còn 17% hôm 8-4. Điều này sẽ khuyến khích người Nga giữ đồng rúp trong tài khoản ngân hàng của họ.
Các lệnh trừng phạt vẫn hiệu quả?
Có lẽ, sự phục hồi của đồng rúp có phần khiến Tổng thống Mỹ Joe Biden lúng túng bởi ông từng gọi đồng tiền của Nga là “đống đổ nát” (rubble trong tiếng Anh) sau khi rúp lao dốc đầu tháng 3 chạm ngưỡng 140-150 rúp/đô la. Nhưng những hạn chế khắc khổ của chính phủ đối với dòng tiền không phải là một tín hiệu kinh tế đáng tin cậy trong con mắt của các nhà kinh tế phương Tây – Business Insider nhận định.
“Đây không còn là thị trường tự do nữa”, chuyên gia phân tích tiền tệ Lee Hardman thuộc ngân hàng MUFG của Nhật Bản nhận xét.
"Tôi có thể bảo đảm với bạn rằng, với việc kiểm soát vốn như vậy, tôi có thể cố định tiền tệ ở bất kỳ tỷ giá nào mà tôi muốn", nhà kinh tế học Daniela Gabor viết trên Twitter cá nhân.
Các dự báo đều cho rằng năm 2022 sẽ là một năm thảm khốc đối với kinh tế Nga, vì các lệnh trừng phạt khiến nhập khẩu và đầu tư lao dốc.
Viện Tài chính Quốc tế (IIF) tin rằng GDP của Nga sẽ giảm 15% năm nay, xóa sổ 15 năm tăng trưởng. Hãng tư vấn Capital Economics dự kiến GDP sẽ giảm 12% và tỷ lệ thất nghiệp gần như tăng gấp đôi từ 4,1% lên 8%. Goldman Sachs cho rằng các lệnh trừng phạt và "tự xử phạt" của các công ty phương Tây sẽ khiến nhập khẩu giảm 20% trong năm nay và xuất khẩu giảm 10%.
"Những điều kiện kinh tế như vậy sẽ biện minh cho một loại tiền tệ yếu hơn, nhưng rõ ràng là chính phủ đã đưa ra các biện pháp kiểm soát vốn để ngăn điều đó xảy ra”, nhà phân tích Hardman nói.
Trong khi đó, nhà kinh tế Elina Ribakova của IIF nói rằng nước Nga chưa từng trải qua cuộc suy thoái kinh tế quy mô lớn như lần này kể từ thập niên 1990. “Đây là cú sốc chưa từng có với nền kinh tế Nga”.
Chính phủ Nga đã ngăn chận việc mua bán bất cứ loại tài sản nào mà người nước ngoài đang sở hữu tại Nga. Điều này ngăn các công ty dừng hoạt động hoặc rời khỏi Nga “hy sinh” nhà cửa, đất đai, hãng xưởng và các tài sản khác.
Nga cũng tuyên bố các nước “không thân thiện” mua năng lượng của Nga phải trả bằng đồng rúp. Nhưng sắc lệnh này sẽ không có hiệu quả - theo phân tích của chi nhánh Quỹ Dự trữ Liên bang (Fed) tại St. Louis.
Cuối cùng, vấn đề quan trọng hơn lại là sự phụ thuộc của châu Âu vào nguồn năng lượng Nga. Trong khi EU đã đồng ý cấm nhập khẩu than từ Nga, khối này vẫn chưa dừng nhập khẩu với dầu và khí đốt từ Nga. Lệnh cấm vận dầu và khí đốt nếu thực hiện sẽ gây thiệt hại lớn hơn cho Moscow. Ngược lại, lệnh cấm lại có thể kích hoạt một đợt suy thoái ở châu Âu.
Cùng lúc, việc châu Âu tiếp tục nhập năng lượng từ Nga đã mang lại cho nước này rất nhiều rúp. “Điều này có nghĩa là người Nga có thể làm giảm sức mạnh của các đòn trừng phạt nhắm vào nền kinh tế của họ”, bà Foley nhận định.