Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Đồng Tháp mời PAN Group cùng phát triển lúa hữu cơ ở vùng bảo tồn sếu đầu đỏ

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – UBND tỉnh Đồng Tháp đã mời Công ty cổ phần Tập đoàn PAN (PAN Group) phối hợp với địa phương tham gia mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa hữu cơ trong vùng bảo tồn sếu đầu đỏ.

Đồng Tháp mời PAN Group liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa hữu cơ ở vùng bảo tồn sếu đầu đỏ. Ảnh minh hoạ: Trung Chánh

Trao đổi với KTSG Online, ông Lê Quốc Điền, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, việc mời PAN Group tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa hữu cơ cũng nhằm thực hiện theo yêu cầu Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thêm vào đó, việc mời một công ty hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm ở Việt Nam như PAN Group tham gia mô hình liên kết cũng nhằm giúp giảm chi phí, nâng cao thu nhập người trồng lúa. Trong đó, có mô hình sản xuất lúa hữu cơ ở vùng bảo tồn sếu đầu đỏ ở Vườn quốc gia Tràm Chim, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp.

Để thu hút doanh nghiệp tham gia, ông Điền cho biết, ngay trong vụ hè thu này, địa phương đã chủ động đầu tư mô hình sản xuất lúa hữu cơ với diện tích 100 héc ta. Định hướng đến năm 2025, địa phương sẽ có trên 20.000 héc ta diện tích sản xuất lúa hữu cơ, chiếm khoảng 1% diện tích đất nông nghiệp của tỉnh.

Trước đó, tại buổi làm việc của Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Đồng Tháp với UBND huyện Tam Nông và Vườn quốc gia Tràm Chim về việc thực hiện mô hình sản xuất lúa hữu cơ ở vùng dự kiến thả nuôi sếu tự nhiên, lãnh đạo huyện Tam Nông đã đưa ra hai phương án xây dựng mô hình.

Theo đó, phương án đầu tiên sẽ vận động và hướng dẫn nông dân sản xuất lúa hữu cơ bằng cách giảm dần lượng phân hoá học qua 4 vụ liên tiếp. Trong đó, vụ đầu tiên giảm 30%; vụ thứ 2 giảm 50%; vụ thứ 3 và 4 lần lượt giảm 70 và 100%.

Phương án thứ hai là kêu gọi doanh nghiệp đủ năng lực để thuê đất của nông dân với quy mô khoảng 200 héc ta. Trong đó, giá thuê đất 2 vụ là 35 triệu đồng/héc ta/năm và đất 3 vụ là 40 triệu đồng/héc ta/năm.

Trong văn bản gửi đến PAN Group, UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, địa phương có diện tích canh tác lúa khoảng 195.279 héc ta, chiếm 70,6% diện tích đất nông nghiệp của tỉnh. Những năm qua, địa phương đã thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Rrong đó, lúa là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực, có vị trí quan trọng đối với phát triển nông nghiệp, nông thôn ở địa phương này.

Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến như “1 phải- 5 giảm”, “3 giảm- 3 tăng”, ứng dụng cơ giới hóa toàn diện, nông nghiệp thông minh và các mô hình xen canh, hợp canh như: lúa- cá, lúa- sen... đã được triển khai. Điều này giúp nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản xuất, tăng thêm thu nhập cho người nông dân từ 5,3 - 7,7 triệu đồng/héc ta.

Tuy nhiên, theo UBND tỉnh Đồng Tháp, hiện vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là thu nhập của nông dân trồng lúa chưa ổn định và vẫn còn thấp so với các loại nông sản khác. Trong đó, những bất ổn liên quan nguyên liệu đầu vào, chi phí tăng, thị trường không ổn định, giá bán thấp..., tiếp tục đe dọa đến thu nhập của nông dân trồng lúa, khiến cuộc sống của họ thiếu bền vững.

Vì vậy, UBND tỉnh Đồng Tháp quyết định mời PAN Group tham gia xây dựng đề án nâng cao thu nhập cho người trồng lúa và tham gia mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa hữu cơ trong vùng bảo tồn sếu đầu đỏ như đã nêu ở trên.

Tuy nhiên, trao đổi với KTSG Online, ông Điền của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, cho biết hiện vẫn chưa nhận được phản hồi chính thức từ PAN Group.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới