(KTSG Online) – Khi thị trường bước vào mùa sản xuất cuối năm, nỗi lo thanh khoản trở nên nghiêm trọng trong bối cảnh dòng tiền "chảy ngược" ra khỏi hệ thống dẫn vốn.
- Doanh nghiệp Hàn Quốc gặp khó vì khủng hoảng thanh khoản trái phiếu
- Kế hoạch giải cứu mới sẽ vực dậy thị trường bất động sản Trung Quốc?
- Tổ chức trung gian trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp và những vấn đề pháp lý
Thị trường kẹt thanh khoản, ai cũng lo phòng thủ
“Các nhà đầu tư cần phân biệt giữa các trái phiếu doanh nghiệp hoạt động ở nhiều ngành nghề khác nhau và trái phiếu phát hành có mục tiêu chỉ phục vụ cho dự án bất động sản riêng lẻ”, bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch HĐQT Công ty chứng khoán VNDirect, chia sẻ bên lề với KTSG Online tại buổi toạ đàm “Kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp và cơ hội cho thị trường đầu tư” gần đây, khi được hỏi về trạng thái "dòng tiền chảy ngược" của trái phiếu doanh nghiệp.
Theo bà Hương, trong thời gian qua có không ít nhà đầu tư đặt vấn đề bán lại trái phiếu doanh nghiệp cho VNDirect, dù đây là loại trái phiếu huy động vốn trung và dài hạn, thoả thuận ban đầu là nắm giữ đến khi đáo hạn.
Không chỉ có VNDirect, nhiều đơn vị phân phối và các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp hiện đang đối mặt với dòng tiền đầu tư trái phiếu “chảy ngược”. Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy trong 10 tháng đầu năm, khối lượng mua lại trái phiếu trước hạn là 152.500 tỉ đồng, tăng 49,6% so với cùng kỳ.
Không khó để nhận ra các nhà đầu tư, cả cá nhân lẫn tổ chức, đang ở trong trạng thái tâm lý phòng thủ và muốn rút tiền về, nhưng ở góc nhìn còn lại, bản thân các doanh nghiệp phát hành cũng bị "mắc kẹt" vì trái phiếu là hình thức vay trung và dài hạn, khó lòng thu xếp vốn được ngay.
Sau khi Nghị định 65 của Chính phủ có hiệu lực, thị trường trái phiếu gần như bị đóng băng về lượng phát hành. Trong tháng 10 chỉ có 1 thương vụ phát hành trái phiếu doanh nghiệp thành công với giá trị chỉ 210 tỉ đồng.
Nhưng không chỉ sụt giảm lượng phát hành, niềm tin vào thị trường trái phiếu lại bị lung lay mạnh hơn sau vụ việc trái phiếu An Đông, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, dù trước đó đã có tín hiệu đầu tiên từ vụ việc trái phiếu Tân Hoàng Minh hồi tháng 4.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, yếu tố ảnh hưởng còn là các tin đồn liên quan đến một số tập đoàn, khó khăn của thị trường bất động sản. Ngoài ra, lãi suất tiền gửi ngân hàng tăng cao khiến nhà đầu tư cá nhân có xu hướng bán lại trái phiếu doanh nghiệp để chuyển sang gửi tiết kiệm.
Bên cạnh áp lực rút tiền trước hạn, các nhà phát hành còn đối mặt với số trái phiếu đến kỳ trả gốc. Thực tế hiện nay đã xuất hiện trường hợp doanh nghiệp phải thương lượng trả sau với các trái chủ, dưới các hình thức khác nhau.
Tình trạng “phòng thủ” không chỉ có ở thị trường trái phiếu, trong khi kênh dẫn vốn khác như ngân hàng hiện đang ở trong tình trạng đã “cạn room” tín dụng để cho vay mới. Trên thị trường tiền tệ, đã có dấu hiệu hạn chế cho vay ở sân chơi riêng của các nhà băng, lãi suất huy động cũng liên tục tăng cao nhằm hút vốn để bảo vệ thanh khoản.
Theo khối nghiên cứu của VNDirect, áp lực lãi suất tăng cao và tất cả các thành viên tham gia thị trường hiện đều ở trạng thái “phòng thủ thanh khoản” và giữ tiền mặt lớn. Dòng tiền cục bộ bị tắc nghẽn do nhu cầu tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn, doanh nghiệp giữ tiền mặt, người dân thì tìm kiếm ngân hàng có lãi suất tiền gửi cao.
Đánh giá tương tự, nhóm phân tích của Công ty chứng khoán Maybank IB cho rằng nguyên nhân sâu xa hiện nay là thiếu hụt thanh khoản, bao gồm cả thị trường chứng khoán và lĩnh vực chính chịu ảnh hưởng là bất động sản.
Cổ phiếu là kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp trung và dài hạn, nhưng cuộc đua bán giải chấp từ các công ty chứng khoán gần đây khiến thị trường giảm sâu trong bối cảnh không có người mua, dẫn đến hiện tượng bán chéo cổ phiếu do nhiều mã bị buộc phải bán nhưng mất thanh khoản (như NVL, PDR hay DIG,…).
Xét về mặt vĩ mô, sự khó khăn hiện nay một phần còn đến từ bên ngoài khi lãi suất đồng đô la liên tục tăng, buộc lãi suất tiền đồng phải chạy theo để giữ “phòng tuyến tỷ giá”. Tuy nhiên, việc mạnh tay thắt chặt trong một thời gian ngắn cộng thêm các sự kiện riêng lẻ và đặc thù khiến thị trường tài chính đối diện với cú sốc nghẽn mạch dòng tiền.
“Đây là bài kiểm tra rủi ro thanh khoản của hệ thống”, bà Hương nhìn nhận. Trục trặc xuất hiện là điều bình thường khi thị trường phát triển đi lên, nhưng điểm khó khăn hiện nay nằm ở chỗ cơ quan quản lý chưa có công cụ thiết lập một kênh tái cấp vốn cho các thành viên tham gia trên thị trường để tháo gỡ thanh khoản, đại diện VNDirect bình luận thêm.
Cần nhanh gỡ khó trong ngắn hạn
Nhìn về tổng thể, các trục trặc hiện nay cho thấy các kênh dẫn vốn trung và dài hạn đều đang bị tắc lại, mà để giải quyết triệt để thì có lẽ thời gian xử lý phải tính bằng năm. Còn vấn đề thanh khoản thì cần phải can thiệp sớm nếu không sẽ ảnh hưởng chung đến hệ thống, nhưng thị trường hiện vẫn đang chờ giải pháp tiếp theo từ phía nhà điều hành.
Trong thời gian gần đây, giới quản lý liên tục có những cuộc họp với doanh nghiệp, chẳng hạn như gần đây là cuộc họp giữa Bộ Xây dựng với các doanh nghiệp bất động sản, nhưng điều đáng tiếc là chưa có kết quả gì cụ thể.
Thông tin tích cực hơn là việc Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xem xét lại Nghị định 65 và có thể sửa đổi “nếu cần thiết”. Giới đầu tư vẫn đang kỳ vọng hướng sửa đổi sẽ là giảm, hoặc giãn các hạn chế nhằm giúp doanh nghiệp có thể phát hành trái phiếu trở lại, tuy nhiên đây vẫn là một dấu hỏi lớn.
TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho biết một điểm tích cực là chính phủ đã nhận diện được câu chuyện này. Ông đặt kỳ vọng các cơ quan quản lý sẽ sớm có giải pháp trong thời gian tới, vì nếu không thị trường sẽ còn khó khăn hơn, đặc biệt là khi tác động của chính sách tiền tệ có độ trễ.
Nhóm nghiên cứu của chuyên gia này cho rằng cần phải tập trung giải quyết câu chuyện trước mắt, đó là “giải cứu” thanh khoản cho thị trường bằng một loạt các giải pháp trong ngắn hạn, chủ yếu là việc “bơm” thêm dòng tiền để tạo lại thanh khoản cho thị trường.
Trong số này, một giải pháp đề xuất đáng kể đến là thành lập quỹ trái phiếu để mua lại các trái phiếu của các doanh nghiệp “tốt”, điều tương tự mà Trung Quốc và Hàn Quốc, hai quốc gia cùng đang gặp trục trặc ở thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đang có kế hoạch thực hiện.
Dù vậy, đề xuất “giải cứu” thị trường bất động sản, tài sản thế chấp quan trọng tại các ngân hàng, vẫn đang nhận nhiều ý kiến ngược chiều. Có người ủng hộ, nhưng cũng có người không thích việc “bơm tiền” để hỗ trợ cho nhóm doanh nghiệp bất động sản vì nhiều hệ luỵ vĩ mô.
Tuy nhiên, ngay cả khi thực hiện các giải pháp hỗ trợ thị trường thì cũng phải mất đến 1-2 năm mới có thể giải quyết dứt điểm các vấn đề về trái phiếu doanh nghiệp, ông Nghĩa nhìn nhận.
Tương tự, bà Hương cho rằng việc sửa đổi có thể sẽ mất nhiều năm. Vì vậy, các nhà đầu tư cần phải chấp nhận môi trường lãi suất cao trong một khoảng thời gian nhất định.
Dù vậy, theo bà Hương, điểm tích cực là vấn đề hiện nay của thị trường là rủi ro thanh khoản liên quan đến dòng tiền, không phải là rủi ro liên quan đến giá trị doanh nghiệp, hay các hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo đó, tiềm năng trưởng của thị trường Việt Nam là còn rất lớn. “Điều quan trọng là phải xử lý rủi ro thanh khoản của hệ thống trong ngắn hạn”, bà Hương nhấn mạnh.
Hệ thống tuần hoàn máu, vận chuyển máu về tim, từ tim tỏa ra toàn bộ cơ thể. Trong máu, hồng cầu chứa dinh dưỡng chiếm 95%, bạch cầu và tiểu cầu chiếm 5% làm nhiệm vụ che chắn phòng thủ cho hệ miễn dịch. Dòng tiền trong nền kinh tế cũng có chức năng tương tự như máu huyết trong cơ thể. Phần lớn dòng tiền phải đảm bảo liên tục lưu thông, thông qua các định chế tài chính ngân hàng, từ đó tập trung và phân phối đến lĩnh vực sản xuất kinh doanh thì nền kinh tế mới tồn tại và phát triển. Rất tiếc, dòng tiền hiện đang khan hiếm đến mức bất bình thường. Đứt gãy dòng tiền nguy hiểm tương đương như tình trạng đột quỵ gây tắc tử.