Thứ Hai, 13/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Dự án đầu tư công cho hạ tầng giao thông chậm vì thời hạn giải ngân quá dài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Dự án đầu tư công cho hạ tầng giao thông chậm vì thời hạn giải ngân quá dài

Lan Nhi

(TBKTSG Online) – Trong bối cảnh Chính phủ cần tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thì “nút thắt” lớn nhất được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chỉ ra là: thời hạn bố trí vốn năm năm nhưng phải mất 2-3 năm mới giải ngân được nên khó tăng tốc đầu tư. Chưa kể là tình trạng bộ này vừa làm cơ quan quản lý, vừa làm chủ đầu tư của hàng loạt dự án hạ tầng trọng điểm trong bối cảnh đầu tư tư nhân khó khăn.

Dự án đầu tư công cho hạ tầng giao thông chậm vì thời hạn giải ngân quá dài
Tình trạng bố trí vốn 5 năm nhưng 2-3 năm sau mới giải ngân khiến nhiều dự án đầu tư công bị chậm tiến độ. Ảnh: Dự án cao tốc Ninh Bình – Thanh Hóa có hợp phần 2 dài 41 km lấy từ vốn Nhà nước

Hôm 3-8, Chủ tịch nước đã ký quyết định về việc sửa đổi để gia hạn Hiệp định vay của Dự án “Xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành”. Theo đó, sẽ cho phép kéo dài thời gian giải ngân khoản vay của Hiệp định vay vốn này từ Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) cho dự án nêu trên đến hết năm 2023.

Hiệp định vay vốn này được ký từ 10 năm trước giữa Ngân hàng Nhà nước với ADB có tổng trị giá 636 triệu đô la Mỹ, dự kiến hết hạn cuối tháng 12-2020. Tổng giá trị toàn dự án là hơn 1,6 tỉ đô la Mỹ.

Tuy nhiên, bảy năm sau khi ký hiệp định vay vốn, dự án cao tốc có chiều dài 57,7 km qua địa phận Long An – TPHCM và Đồng Nai mới khởi công xây dựng và không thể hoàn thành vào cuối năm 2020 do phần lớn khối lượng gói thầu vay vốn dự án từ ADB chưa thể hoàn tất. Tuyến cao tốc này đóng vai  trò rất quan trọng trong việc kết nối vùng Tây Nam Bộ với Đông Nam Bộ, rút ngắn thời gian lưu thông và hành trình vận chuyển hàng hóa giữa hai khu vực này.

Tốc độ giải ngân của các dự án hạ tầng giao thông luôn bị chậm hoặc rất chậm, khiến hiệu quả đầu tư dự án, chi phí và nợ công ngày càng gia tăng. Trong bối cảnh Chính phủ cần thúc đẩy đầu tư công để tăng trưởng kinh tế, không để xảy ra tình trạng tăng trưởng âm như hiện nay thì bài toán giải ngân vốn đầu tư công làm sao cho hiệu quả càng trở nên bức thiết.

Vốn được bố trí theo giai đoạn trung hạn 5 năm, trong khi đó thời gian chuẩn bị đầu tư phê duyệt dự án quá dài, thường kéo dài 2-3 năm. Do đó thời gian còn lại để giải ngân là rất ít – Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể.

Mới đây, hôm 30-7, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có buổi làm việc với Bộ GTVT để thúc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án trọng điểm như đường cao tốc Bắc – Nam, Trung Lương – Mỹ Thuận, Bến Lức – Long Thành, đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, các dự án nâng cấp đường sắt Bắc – Nam, các dự án nâng cấp hàng không.

Một trong những nguyên nhân gây chậm trễ tiến độ là việc Bộ GTVT vừa là chủ đầu tư vừa là cơ quan quản lý của hầu hết các dự án hạ tầng giao thông lớn nhất cả nước hiện nay.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, kế hoạch vốn đầu tư công 2020 của Bộ GTVT năm nay khoảng gần 40.000 tỉ đồng. Đến nay, bộ đã cơ bản giao chi tiết về các dự án theo kế hoạch được Chính phủ phê duyệt. Tỉ lệ giải ngân đến hết tháng 6-2020 là 33,7% kế hoạch năm, mức cao hơn tỷ lệ giải ngân bình quân chung cả nước.

Đối với ngành GTVT, vấn đề lớn nhất là tiến độ thi công các dự án phụ thuộc rất lớn vào tiến độ giải ngân và điều kiện thời tiết. Theo lời Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, vì việc giải ngân theo kiểu đó nên tại dự án Cam Lộ – La Sơn, Bộ GTVT đang yêu cầu Ban quản lý dự án thi công liên tục cả ngày lẫn đêm để vốn và tiến độ gần nhau hơn.

Cũng theo lãnh đạo Bộ GTVT, khó khăn hiện nay  là việc Bộ GTVT vừa là cơ quan quản lý vừa làm chủ đầu tư các công trình, dự án trọng điểm quốc gia. Trong khi vướng mắc tại các dự án là sự chồng chéo giữa các quy định hiện hành làm chậm tiến độ.

Mùa khô thuận lợi thi công thì lại đang xử lý giấy tờ, thủ tục và ngược lại đến mùa mưa có vốn lại không thể thi công trên công trường.

Bộ GTVT đề nghị Chính phủ và các bộ ngành liên quan đẩy nhanh hoàn thiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, cơ cấu tổng mức dầu tư đối với một số dự án ODA, cho phép bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 đối với một số dự án cấp bách có khả năng giải ngân ngay khi được bố trí vốn nhưng đã hết hạn mức kế hoạch trung hạn hoặc chưa có kế hoạch trung hạn. Đồng thời phải sớm hướng dẫn thủ tục thanh toán cho các dự án BT, điều chỉnh vốn ngân sách giữa nguồn trái phiếu Chính phủ và nguồn vốn ngân sách khác, cơ cấu các khoản vay của một số dự án ODA để đảm bảo điều kiện giải ngân kết hoạch.

Trong kế hoạch trung hạn 2021-2025, Bộ GTVT đã xây dựng kế hoạch trình Chính phủ nguồn ngân sách khoảng 40.000 tỉ đồng. Trong đó ưu tiên xây dựng hệ thống đường bộ cao tốc với các tuyến trọng yếu từ Cần Thơ tới mũi Cà Mau, cao tốc Hà Nội – Hữu Nghị, cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu, Sơn La.

Hiện Bộ GTVT đang làm chủ đầu tư đồng thời là cơ quan quản lý 11 dự án thành phần: Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông; 10 dự án đường bộ và bốn dự án đường sắt, sử dụng 15.000 tỉ đồng vốn dự phòng từ Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh và đường lăn tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Ngoài ra, 12 dự án ODA lớn của ngành giao thông cũng đang được đẩy mạnh giải ngân vốn theo kế hoạch được giao.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới