Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Dự án lọc dầu Dung Quất: Đầu đã chẳng xuôi!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Dự án lọc dầu Dung Quất: Đầu đã chẳng xuôi!

Tấn Đức

(TBKTSG) – Dự án xây dựng nhà máy lọc dầu số một của Việt Nam (Dung Quất) ngay từ lúc khởi đầu đã gặp nhiều trở ngại. Cho đến nay, hơn một năm kể từ ngày lễ mừng sản phẩm đầu tiên đã trôi qua, nhà thầu Technip vẫn chưa thể bàn giao nhà máy cho chủ đầu tư.

Trục trặc từ khi còn thai nghén

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất được xem như một dự án thế kỷ của Việt Nam, không chỉ vì quy mô đầu tư trên 3 tỉ đô la Mỹ, mà còn ở quãng thời gian kể từ lúc thai nghén cho đến ngày hoàn thành kéo dài tới gần hai thập kỷ.

Dự án này được Total của Pháp đề xuất từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước với vốn đầu tư ước tính 1,5 tỉ đô la Mỹ và tập đoàn này đã đạt được được một số thỏa thuận ban đầu với phía Việt Nam. Trải qua nhiều năm theo đuổi, đến đầu 1995 Total quyết định hủy bỏ kế hoạch đầu tư này sau khi cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt quyết định chọn Dung Quất (Quảng Ngãi) làm địa điểm xây dựng nhà máy lọc dầu số một, thay vì Long Sơn (Bà Rịa – Vũng Tàu) như Total mong muốn.

Liên tiếp hai năm sau đó, nhiều tập đoàn đến từ Hàn Quốc, Malaysia cũng tiếp cận với dự án và nhanh chóng rút lui do dịa điểm đặt nhà máy ở Dung Quất không khả thi về kinh tế. Vì vậy, đến tháng 7-1997, sau khi chủ trương đầu tư được Quốc hội thông qua, Chính phủ quyết định tự thực hiện dự án và giao cho PetroVietnam làm chủ đầu tư.

Ngày 8-1-1998, lễ khởi công xây dựng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã được tổ chức trọng thể tại xã Bình Trị, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Nhưng chưa đầy một tháng sau đó, Việt Nam và Liên bang Nga lại ký hiệp định liên chính phủ về xây dựng và vận hành nhà máy lọc dầu tại Dung Quất. Đây là cơ sở để liên doanh nhà máy lọc dầu Việt – Nga (Vietross), giữa PetroVietnam và Zarubezhneft ra đời với vốn đầu tư 1,297 tỉ đô la Mỹ.

Vào thời điểm đó, một số chuyên gia của PetroVietnam đã tỏ ra hoài nghi về tính khả thi của dự án do Vietross tiến hành, do tổng mức đầu tư của dự án chỉ chưa đầy 1,3 tỉ đô la Mỹ, trong khi kinh phí mà Chính phủ dự trù khi quyết định giao cho PetroVietnam đầu tư tới 1,5 tỉ đô la Mỹ.

Dù vậy, dự án vẫn được tiến hành và các đối tác của liên doanh thậm chí đã hoàn tất xong giai đoạn đấu thầu để chọn tổng thầu cung cấp thiết bị và thi công cho hầu hết gói thầu của dự án, bao gồm cả gói xây dựng nhà máy chính.

Nhưng do nhiều bất đồng, chủ yếu liên quan đến việc chọn lựa công nghệ và nguồn cung cấp thiết bị, giữa hai đối tác có quyền quyết định ngang nhau, nên đến đầu năm 2003 Vietross tan vỡ và Zarubezhneft rút đi. PetroVietnam trở lại làm chủ đầu tư duy nhất của dự án và tiếp tục đàm phán để ký hợp đồng trọn gói cung cấp thiết bị và thi công gói thầu chính với Technip.

Bắt đầu quá trình sửa lỗi

Đến tháng 2-2004, hợp đồng phát triển thiết kế tổng thể giữa PetroVietnam và Technip được PetroVietnam chấp thuận và sau hơn một năm chờ đợi phê duyệt chính thức từ Chính phủ, đến cuối tháng 11-2005 lễ khởi công các gói thầu quan trọng nhất của dự án mới được tiến hành.

Đến thời điểm này, kinh phí đầu tư của dự án không còn là 1,297 tỉ đô la Mỹ nữa, mà đã vọt lên tới 2,501 tỉ đô la Mỹ. Bên cạnh yếu tố đồng đô la Mỹ bị mất giá so với đồng euro và giá cả thiết bị nhà máy lọc dầu trên thị trường thế giới tăng mạnh, là những nguyên nhân chính làm đội dự toán đầu tư, thì tầm nhìn hạn hẹp về nhu cầu thị trường và sự áp đặt chủ quan để làm cho dự án được khả thi, cũng góp phần không ít vào sự thay đổi này.

Trước đây, theo thiết kế, đến 80% xăng của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất là xăng Mogas 82. Đây là cấp sản phẩm mà ngày nay đã không còn xuất hiện trên thị trường Việt Nam. Do vậy, trong quá trình đàm phán với Technip, Việt Nam đã phải bổ sung vào thiết kế hai phân xưởng kỹ thuật nhằm loại bỏ hoàn toàn xăng Mogas 82 trong danh mục sản phẩm để thay bằng loại xăng Mogas 92 và 95.

Quyết định này cũng đồng nghĩa với việc tăng chí phi khoảng 200 triệu đô la Mỹ. Ngoài ra, chủ đầu tư còn phải tăng dự toán cho hàng loạt hạng mục đầu tư khác, như đê chắn sóng, cảng xuất, nhập nguyên liệu và thành phẩm, thuê tư vấn giám sát…

Một chuyên gia của PetroVietnam cho biết ngay từ đầu, bản thiết kế nguyên thủy của một tập đoàn Mỹ xây dựng đã có hai phân xưởng kỹ thuật, nhưng để cho dự án được khả thi về kinh tế, người ta đã cắt xén phần thiết kế và khi dự án được chuyển giao cho liên doanh Vietross, hai phân xưởng này đã không còn. Đó là nguyên nhân dự toán kinh phí đầu tư chỉ còn gần 1,3 tỉ đô la Mỹ, giảm 200 triệu đô la so với dự trù trước đó.

Không chỉ đội chi phí, kế hoạch về tiến độ thực hiện dự án cũng liên tục bị phá vỡ. Điều này không chỉ gây lãng phí vốn đầu tư, do công trình chậm đưa vào khai thác, mà còn làm cho Việt Nam mất đi cơ hội khiến dự án trở nên hiệu quả (nhờ biến động về giá cả vật tư, thiết bị của thị trường nên giá trị nhà máy trở nên rẻ).

Từ năm 2002-2005, đồng euro tăng mạnh so với đô la Mỹ, kéo theo giá thiết bị nhà máy lọc dầu (quy về đô la Mỹ) leo thang với mức tăng của nhiều loại thiết bị lên đến 160-300%. Lúc ấy, một cán bộ của PetroVietnam đã than thở, nếu dự án không bị chậm trễ và mọi thủ tục thẩm định, phê duyệt được thực hiện nhanh chóng hơn, chúng ta đã có một nhà máy lọc dầu công suất 6,5 triệu tấn/năm với chỉ 1,5 tỉ đô la Mỹ. Với chi phí này, chắc chắn lọc dầu Dung Quất đã có hiệu quả.

Tuy nhiên, 2,501 tỉ đô la Mỹ vẫn chưa phải là mức chi phí cuối cùng. Đến tháng 8 năm ngoái, Chính phủ phải quyết định tăng thêm gần 553 triệu đô la Mỹ nữa vào tổng dự toán của dự án lọc dầu Dung Quất. Theo giải thích của lãnh đạo tập đoàn Dầu khí Việt Nam, việc bổ sung này nhằm “phù hợp với tình hình biến động giá cả và tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành 100% công suất của dự án”.

Như vậy, tổng mức đầu tư của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đến nay là 3,054 tỉ đô la Mỹ, trong đó phần xây lắp và thiết bị gần 2,7 tỉ đô la Mỹ, chi phí tài chính 90 triệu đô la Mỹ, vốn lưu động 200 triệu đô la Mỹ và còn lại là chi phí dự phòng và hỗ trợ cho các hộ dân phải di dời khỏi phạm vi dự án.

Sản phẩm được ra lò: lại sửa lỗi kỹ thuật

Ngày 22-2-2009, sau gần 15 năm kể từ khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất mới cho ra đời lô sản phẩm đầu tiên. Những tưởng mọi khó khăn của dự án đã qua đi, nhưng sự cố mới lại nảy sinh và đến nay, hơn một năm kể từ ngày cho ra đời sản phẩm, nhà thầu Technip vẫn chưa thể bàn giao nhà máy cho chủ đầu tư.

Sự cố bắt đầu từ 14-8-2009, khi một van ở phân xưởng cracking xúc tác bị hư, nên nhà máy phải ngừng hoạt động một tháng rưỡi để sửa chữa. Sau khi vận hành trở lại, nhà máy lại tiếp tục phải dừng để giải quyết hơn 170 lỗi kỹ thuật phát sinh trong quá trình vận hành thử.

Ngày 25-2-2010, thời hạn cuối cùng để bàn giao nhà máy, theo yêu cầu của Chính phủ, tiếp tục trôi qua và đến cuối tháng 3-2010 vẫn còn khoảng 100 lỗi kỹ thuật. Theo báo cáo của Hội đồng Nghiệm thu nhà nước, các lỗi kỹ thuật xảy ra ở phân xưởng lưu huỳnh, phân xưởng trung hòa kiềm, xưởng cracking xúc tác, thiết bị ngưng chân không, máy nén khí tại phân xưởng sản xuất ni tơ, ống gia nhiệt tại bể chứa dầu thô…

Việc khắc phục các lỗi này có thể phải kéo dài tới tháng 10 năm nay. Tuy việc khắc phục thuộc trách nhiệm của nhà thầu, nhưng nó cũng gây thiệt hại cho chủ đầu tư vì không thể vận hành nhà máy hết công suất.

Dù sao, lỗi kỹ thuật cũng chỉ là khó khăn tạm thời. Vấn đề đáng lo hơn hiện nay chính là ở hiệu quả của dự án sẽ ra sao khi kinh phí đầu tư hiện đã vượt quá xa so với dự toán ban đầu. Hiện nay, sản phẩm của nhà máy Dung Quất đang được hưởng nhiều ưu đãi, trong đó đáng kể nhất là miễn giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu và thành phẩm. Nhờ đó, giá thành sản phẩm của nhà máy tạm thời cạnh tranh được với xăng, dầu nhập khẩu.

Nhưng điều gì sẽ xảy ra, nếu giá dầu thô trên thị trường thế giới tăng mạnh và Chính phủ phải giảm thuế nhập xăng, dầu để bình ổn giá thị trường. Tới khi ấy, liệu sản phẩm của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất có còn đủ sức cạnh tranh với hàng nhập nữa không?

Những cột mốc quan trọng của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất

– Ngày 8-1-1998, khởi công xây dựng. Chủ đầu tư là liên doanh Vietross, giữa PetroVietnam và Zarubezhneft. Vốn đầu tư 1,297 tỉ đô la Mỹ.

– Đầu năm 2003 Vietross tan vỡ. PetroVietnam làm chủ đầu tư duy nhất. – Tháng 2-2004, hợp đồng phát triển thiết kế tổng thể giữa PetroVietnam và Technip được chấp thuận.

– Cuối tháng 11-2005, khởi công các gói thầu quan trọng nhất của dự án. Kinh phí đầu tư lên tới 2,501 tỉ đô la Mỹ.

– Ngày 22-2-2009, lô sản phẩm đầu tiên ra lò.

– Ngày 14-8-2009, nhà máy ngừng hoạt động để sửa một van ở phân xưởng cracking xúc tác bị hư (mất một tháng rưỡi). Sau đó, nhà máy lại tiếp tục phải dừng để giải quyết hơn 170 lỗi kỹ thuật phát sinh trong quá trình vận hành thử.

– Đến cuối tháng 3-2010 vẫn còn khoảng 100 lỗi kỹ thuật trong khi ngày 25-2-2010 là thời hạn cuối cùng để bàn giao nhà máy, theo yêu cầu của Chính phủ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới