Thứ Hai, 13/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đủ kiểu lãng phí điện

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đủ kiểu lãng phí điện

Nguồn nhiệt năng bị thất thoát ngay trên dây chuyền sản xuất là một trong những nguyên nhân làm tăng mức tiêu hao năng lượng. Trong ảnh là dây chuyền sản xuất thép của một nhà máy ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Khi kiểm toán năng lượng ở một doanh nghiệp sản xuất bia, các chuyên viên của Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng TPHCM (ECC) nhận thấy mức tiêu thụ điện năng giữa các tháng của đơn vị này không đồng đều. Với cùng một sản lượng bia sản xuất ra, lượng điện tiêu thụ giữa các tháng lại chênh lệch rất lớn, có khi đến 5,5 lần.

Theo chuyên viên của ECC, nguyên nhân chính là do kế hoạch sản xuất và tiêu thụ của công ty không đồng bộ. Những tháng sử dụng nhiều điện là do sản phẩm làm ra tiêu thụ chậm, phải nằm lại lâu trong hệ thống trữ lạnh.

Tình trạng này không phải cá biệt, mà xảy ra khá phổ biến trong các nhà máy sản xuất bia cũng như ngành chế biến thực phẩm. Đặc biệt là những ngành mà sản phẩm làm ra cần phải bảo quản lạnh như chế biến thủy sản và thực phẩm tươi sống khác. Các chuyên gia về tiết kiệm năng lượng cho biết, đây cũng là một trong những lĩnh vực mà năng lượng đang bị lãng phí nhiều nhất.

Với trường hợp kể trên, dù đây chỉ là một cơ sở sản xuất nhỏ, nhưng theo tính toán của ECC, nếu áp dụng các biện pháp tiết kiệm theo tư vấn của các chuyên viên, mỗi năm doanh nghiệp này có thể giảm đến 361 triệu đồng chi phí tiền điện. Nếu tính cho cả ngành công nghiệp bia và chế biến thực phẩm, chắc chắn số tiền có thể tiết kiệm được hàng năm sẽ rất lớn.

Bên cạnh việc quản lý sản xuất kém, tình trạng nhiều doanh nghiệp không chú ý đến nguồn nhiệt năng bị thất thoát ngay trên dây chuyền sản xuất cũng làm cho mức tiêu thụ năng lượng tăng quá mức cần thiết. Trong đó, phổ biến nhất là các hệ thống lạnh cũng như lò hơi không được bảo vệ đúng cách, dẫn đến rò rỉ hoặc hơi lạnh, hơi nóng bị thất thoát ra bên ngoài, hoặc doanh nghiệp không có giải pháp để tận dụng lại nhiệt lượng của các lò hơi sau khi sử dụng.

Ngoài ra, sử dụng năng lượng kém hiệu quả còn liên quan đến chế độ quản lý và vận hành máy móc thiết bị không khoa học cũng như việc bảo dưỡng, vệ sinh định kỳ máy móc thiết bị đã không được thực hiện thường xuyên theo hướng dẫn của nhà chế tạo.

Lãng phí năng lượng lớn và phổ biến nhất ở Việt Nam hiện nay là các động cơ điện, loại thiết bị hầu như có mặt ở tất cả các ngành công nghiệp. Thông thường, công suất của động cơ điện lắp đặt trong các dây chuyền bao giờ cũng phải đáp ứng được nhu cầu vận hành của thiết bị ở mức cao nhất theo thiết kế của nhà chế tạo.

Nhưng trong thực tế sản xuất, không phải lúc nào các máy móc cũng vận hành đạt công suất thiết kế, nên động cơ hoạt động trong tình trạng thừa công suất là chuyện xảy ra thường xuyên. Hệ thống thông gió để làm mát cho các xưởng sản xuất là một ví dụ. Yêu cầu làm mát rất khác biệt giữa các buổi trong ngày và giữa các mùa trong năm.

Để tránh lãng phí, công suất động cơ vận hành hệ thống thông gió phải được điều chỉnh cho phù hợp và giải pháp công nghệ cho vấn đề này là lắp thêm bộ biến tần cho động cơ. Theo nghiên cứu của các công ty tư vấn về tiết kiệm năng lượng, tất cả doanh nghiệp có sử dụng động cơ điện đều có thể dùng cách này để giảm chi phí tiền điện, với mức tiết kiệm thông thường 15-30%, nhưng cá biệt có thể đến 70% như trường hợp Công ty Việt Sáng Tạo làm cho một khách hàng ở Hà Nội cách nay vài năm.

Sử dụng năng lượng quá mức cần thiết đang trở thành vấn nạn lớn của nền kinh tế. Điều đáng nói ở đây là nhiều doanh nghiệp không phải không nhận biết tình trạng sử dụng năng lượng lãng phí, nhưng họ vẫn chấp nhận nó như một giải pháp để giảm chi phí đầu tư.

Chuyên viên một công ty tư vấn nước ngoài, có văn phòng ở TPHCM, cho biết nói về khả năng giảm chi phí năng lượng, doanh nghiệp nào cũng quan tâm, nhưng khi đề cập đến số tiền phải bỏ ra để đầu tư thì phần lớn lại từ chối với lý do không có tiền, mặc dù các chuyên viên đã chỉ cho họ thấy thời gian thu hồi vốn rất ngắn, thường chỉ khoảng hai năm.

Tất nhiên, các doanh nghiệp có cách tính riêng về chi phí sản xuất, kinh doanh của mình. Có thể, phần tiết giảm chi tiêu cho điện, dầu… không chênh lệch nhiều so với tiết kiệm bằng cách mua thiết bị rẻ tiền, tiêu hao năng lượng. Cách làm này giúp doanh nghiệp đỡ bị áp lực về tài chính, nhưng lại nguy hại cho nền kinh tế, biến Việt Nam thành nước lệ thuộc nhiều vào nguồn năng lượng nhập khẩu.

ĐỨC HOÀNG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới