Thứ Ba, 7/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Dư nợ tín dụng liên quan BĐS là 1.000.000 tỉ đồng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Dư nợ tín dụng liên quan BĐS là 1.000.000 tỉ đồng

Tư Hoàng

Dư nợ tín dụng liên quan BĐS là 1.000.000 tỉ đồng
Nhiều đề xuất được đưa ra để cứu thị trường BĐS. Ảnh TL.

(TBKTSG Online) – Dư nợ tín dụng liên quan đến bất động sản (BĐS)  khoảng hơn 1.000.000 tỉ đồng là thông tin Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng đưa ra tại phiên giải trình với Quốc hội ngày 31-10.

Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, tính đến ngày 31-8-2012 thì dư nợ tín dụng của bất động sản khoảng 203.000 tỉ, trong đó tỷ lệ nợ xấu 6,6% theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước.

Tuy nhiên, nếu tính dư nợ tín dụng liên quan đến bất động sản, gồm cho vay để kinh doanh bất động sản, vay để đầu tư sản xuất và kinh doanh, thế chấp bằng bất động sản thì dư nợ tín dụng này khoảng 57% tổng dư nợ (của nền kinh tế), tức là khoảng hơn 1.000.000 tỉ đồng.

Như vậy, thông tin của ông Dũng đưa ra là tương đồng với đánh giá của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tại cuộc họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cách đây 2 tuần.

Theo ông Dũng, hiện nay cả nước có 2.399 dự án theo thống kê của 44 tỉnh thành và có xấp xỉ khoảng 71.000 héc ta đất cho bất động sản. Riêng Hà Nội có 368 dự án với khoảng 20.000 héc ta cho bất động sản. Những dự án đang triển khai chiếm khoảng 40% tức là 8.000 héc ta với 233 dự án.

Ông cho biết thêm, hàng tồn kho cả nước hiện nay có 16.469 căn hộ chung cư, 4.116 nhà thấp tầng, và 25.870 m2 nhà văn phòng cho thuê.

Ông Dũng nói: “Sản phẩm bất động sản chủ yếu là hàng cao cấp và hàng trung bình, còn sản phẩm bất động sản cho người thu nhập thấp, những đối tượng xã hội thì rất ít”.

Ông nhận xét, vốn cho các dự án bất động sản chủ yếu dựa vào ngân hàng và vốn đóng góp của người dân mua nhà. Vì thế, khi hàng không bán được, thị trường đóng băng, nợ xấu bất động sản tăng cao và gây khó khăn.

Về các giải pháp cho tình thế này, ông cho biết, Chính phủ đang tập trung hoàn thiện những văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý đầu tư xây dựng, phát triển đô thị và kinh doanh bất động sản.

Theo Chỉ thị 2196 của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay Hà Nội đã dừng rất nhiều dự án.

Ông cho biết, khoảng 60% các dự án ở thủ đô chưa giải phóng mặt bằng, vì thế chủ đầu tư phải cơ cấu lại các dự án, cơ cấu lại các sản phẩm để tăng các loại nhà ở xã hội phục vụ cho người thu nhập thấp.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước mở rộng tín dụng cho vay cho nhà đầu tư và người mua nhà để ở, đặc biệt người mua nhà ở xã hội.

Ông cũng đề nghị Quốc hội cho miễn, giảm thuế VAT cho các hộ gia đình cá nhân mua nhà xã hội và mua nhà thương mại để ở lần đầu, cho phép doanh nghiệp đầu tư nhà xã hội được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức cao nhất vì đây là ý kiến đề nghị của đại đa số các doanh nghiệp hiện nay.

Ông kiến nghị Quốc hội cho phép các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản được quyền nộp tiền sử dụng đất theo tiến độ bán, cho thuê nhà ở.

Các địa phương, đặc biệt là hai trung tâm lớn về kinh tế là Hà Nội và TPHCM cũng được đề nghị tập trung giải quyết nhanh các thủ tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, làm thế nào để các thủ tục chuyển đổi cơ cấu, các dự án phải được nhanh nhất, sớm nhất.

Hiện nay tồn kho vật liệu xây dựng đang tăng do tổng đầu tư xã hội giảm. Đối với gạch ốp lát vật liệu xây dựng nung và không nung, đặc biệt là kính xây dựng tồn kho khá nhiều, tương đương với hai tháng sản xuất. Riêng xi măng ước sản xuất 10 tháng đạt 44,1 triệu tấn tiêu thụ, như vậy tồn kho đã giảm. Tồn kho của xi măng chỉ bằng 17 ngày sản xuất, tức là 2,57 triệu tấn. Như vậy, sản xuất xi măng nói tổng thể là tương đối an toàn và sản xuất được 85% công suất khai thác.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới