(KTSG Online) - Cho đến năm 2030, Việt Nam vẫn tiếp tục sử dụng tiêu đề và biểu tượng “Vietnam - Timeless Charm” để quảng bá du lịch ra thị trường quốc tế. Nhằm nâng cao năng lực tiếp thị, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch dự tính sẽ tranh thủ nguồn lực của khu vực tư nhân để thành lập các văn phòng xúc tiến du lịch ở nước ngoài hoặc thành lập đại diện xúc tiến du lịch thông qua cơ chế hợp đồng.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng khuyến khích Hiệp hội du lịch Việt Nam và các doanh nghiệp du lịch nòng cốt thành lập văn phòng xúc tiến du lịch tại một số thị trường trọng điểm.
- Du lịch Đà Nẵng đi tìm ‘mùa xuân’ thứ hai
- Thu hút khách quốc tế: chuẩn bị trong 2023, khôi phục vào 2024
Những nội dung trên có trong quyết định phê duyệt Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030, vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành. Với chiến lược tiếp thị mới, cơ quan quản lý kỳ vọng sẽ đón 18 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2025, bằng lượng khách của năm 2019, thời điểm chưa có dịch Covid-19 và 35 triệu lượt khách vào năm 2030.
Tạo thương hiệu du lịch quốc gia, tập trung sản phẩm chính
Trong chiến lược trên, về định vị thương hiệu du lịch quốc gia, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, sẽ tiếp tục làm nổi bật giá trị cốt lõi của thương hiệu du lịch Việt Nam gắn với tiềm năng, lợi thế quốc gia, bản sắc văn hóa, ẩm thực, di sản, cảnh quan thiên nhiên... kết nối với yếu tố cảm xúc và tinh thần của khách du lịch.
Thương hiệu du lịch Việt Nam được hình thành trên cơ sở thương hiệu du lịch vùng, thương hiệu điểm đến địa phương và thương hiệu sản phẩm. Cơ quan quản lý sẽ tiếp tục sử dụng tiêu đề và biểu tượng “Vietnam - Timeless Charm” để tiếp thị với thị quốc tế và “Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận” với thị trường nội địa. Tuy nhiên, trong mỗi giai đoạn, ngành du lịch sẽ phát triển các tiêu đề, biểu tượng nhánh phù hợp với các thị trường mục tiêu của giai đoạn đó.
Trong những năm tới, có 5 nhóm sản phẩm chính sẽ được tập trung tiếp thị. Đó là,
du lịch biển, đảo; du lịch văn hóa; du lịch sinh thái; du lịch đô thị và nhóm sản phẩm du lịch mới như du lịch kết hợp chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe; du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch thể thao; các sản phẩm phục vụ khách MICE (khách du lịch kết hợp tham gia các sự kiện hội họp, hội nghị...), du lịch du thuyền...
Nhắm đến nhiều phân khúc khách hàng
Về thị trường, trong giai đoạn 2022-2025, ngành du lịch tập trung vào việc phục hồi các thị trường truyền thống và kết hợp thu hút du khách từ những thị trường mới nổi như Ấn Độ và khu vực Trung Đông.
Giai đoạn từ năm 2026-2030 là thời điểm duy trì và mở rộng quy mô các thị trường truyền thống như Đông Bắc Á, châu Âu, ASEAN, Bắc Mỹ... chú trọng đến việc tăng thị phần khách có khả năng chi tiêu cao và đa dạng hóa các thị trường.
Một điểm mới trong Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030 là ngành du lịch đề cập đến chính sách phân đoạn thị trường. Mỗi phân khúc sẽ có chủ đề, thông điệp và sản phẩm riêng.
Trong đó, với thị trường Đông Nam Á, phân khúc ưu tiên là du khách từ các thành phố lớn, khách MICE, khách tham quan, nghỉ dưỡng và khách đi theo nhóm hoặc gia đình. Nhóm ưu tiên của thị trường Đông Bắc Á là khách MICE, khách tham quan, nghỉ dưỡng, du lịch golf, khách gia đình, khách nghỉ hưu, nữ độc thân...
Với thị trường tây Âu, Bắc Mỹ, Bắc Âu, Nga và Úc, nhóm ưu tiên sẽ là khách gia đình, những người đi du lịch nhiều, có khả năng chi tiêu, khách trung niên...
Kết hợp nguồn vốn công - tư để tiếp thị du lịch
Trong chiến lược mới, Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch chú trọng đến việc hợp tác công - tư để thực hiện các hoạt động tiếp thị. Cơ quan này tính đến việc phát huy vai trò của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch nhằm tăng cường huy động và tối ưu hóa các nguồn lực xã hội, doanh nghiệp, địa phương... để quảng bá du lịch.
Trong đó, bộ sẽ thúc đẩy các quan hệ đối tác, tranh thủ nguồn lực sẵn có của doanh nghiệp, hãng hàng không và các đối tác lớn trong hoạt động tiếp thị du lịch; nâng cao hiệu quả liên kết giữa các địa phương và liên vùng trong phát triển sản phẩm, quảng bá và xúc tiến du lịch.
Việc hợp tác với các bộ, ngành liên quan cũng được cơ quan quản lý du lịch đặt ra, cho rằng cần tăng cường để phát triển hệ thống phân phối sản phẩm, dịch vụ du lịch Việt Nam và chia sẻ thông tin, dữ liệu về thị trường.
Một điểm mới nữa là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lên kế hoạch cho việc tổ chức nghiên cứu thị trường; đề cập đến việc xây dựng, cập nhật và chia sẻ cơ sở dữ liệu về các thị trường nguồn, mạng lưới đối tác trong và ngoài nước... cho người làm du lịch.
Về việc thành lập các văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài, cơ quan này dự tính, trước mắt, cần xem xét tranh thủ nguồn lực của khu vực tư nhân hoặc thành lập đại diện xúc tiến du lịch thông qua cơ chế hợp đồng, có sự hỗ trợ của đại sứ quán, thương vụ ở nước sở tại.
Bộ khuyến khích Hiệp hội du lịch Việt Nam và các doanh nghiệp du lịch nòng cốt thành lập văn phòng xúc tiến du lịch tại một số thị trường trọng điểm.
Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch, trong tháng 2-2023, có gần 933.000 lượt khách quốc tế đến Việt Nam, nâng tổng số khách đến trong 2 tháng đầu năm nay lên hơn 1,8 triệu lượt. Trong năm nay, ngành du lịch kỳ vọng sẽ thu hút khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế.