Thứ Hai, 13/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

“Đường đi, lối về” cho du lịch ĐBSCL

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

“Đường đi, lối về” cho du lịch ĐBSCL

Du lịch sinh thái ở Đồng Tháp. (Ảnh TL).

(TBKTSG) – Tiềm năng và sức hấp dẫn của du lịch ĐBSCL là không thể phủ nhận. Nhưng để có thể hút du khách gần xa về với đồng bằng, cần phải có “đường đi, lối về” thuận lợi. Các địa phương cũng cần chung lưng góp sức. Chứ cứ đèn nhà ai nấy rạng như hiện nay thì đâu đủ ánh sáng để đưa dẫn khách về…

“Đường đi”

Lâu nay, ĐBSCL vẫn được xem như vùng trũng của ngành du lịch cả nước dù tiềm năng và tài nguyên đa dạng, đặc biệt thiên nhiên ưu đãi giúp ĐBSCL có thể đón khách quanh năm.

Ngay như mùa nước nổi (một hiện tượng tự nhiên luôn bao hàm ý nghĩa thiên tai mà ở miền Bắc và miền Trung gọi là lũ lụt) cũng trở thành lợi thế với các sản vật ẩm thực phong phú độc đáo mà không vùng nào trong cả nước sánh bằng. Thế mà ngành du lịch vẫn cứ loay hoay tổ chức nhiều hội thảo tìm cách phát triển du lịch ĐBSCL; lối ra tìm hoài vẫn chưa thấy rõ.

Cũng như nhiều ngành kinh tế khác, sự phát triển của ngành du lịch phụ thuộc rất nhiều vào mạng lưới giao thông. Chính kết cấu hạ tầng giao thông yếu kém đã kìm hãm sự phát triển kinh tế ĐBSCL nói chung, ngành du lịch ĐBSCL nói riêng.

Du khách từ TPHCM muốn đến với những dòng sông êm ả, những vườn cây trĩu quả, những câu hò điệu hát Nam bộ đặc sản ở Cần Thơ, vẫn phải mất hơn bốn tiếng đồng hồ ngồi xe và trên 30 phút chờ qua phà sông Hậu.

Cả khu vực đa dạng văn hóa, cảnh quan và sản vật thiên nhiên như ĐBSCL lại chỉ có duy nhất một quốc lộ theo trục dọc mà mãi gần đây mới bắt đầu mở rộng. Hoàn toàn chưa phát triển những tuyến đường ngang, các quốc lộ nối liền các tỉnh thành trong vùng. Điều này ngăn cản các sự liên kết vùng để phát triển các tuyến tham quan liên hoàn tạo thêm sức hấp dẫn cho các tour tham quan tại ĐBSCL.

Du khách đến Cần Thơ buộc phải chọn giữa hai tuyến Sóc Trăng – Bạc Liêu – Cà Mau hoặc An Giang – Châu Đốc – Hà Tiên mà tuyến nào cũng mất thời gian đi nhiều hơn là được tham quan thưởng thức (“du” nhiều nhưng “lịch” chẳng bao nhiêu). Khách sau khi thăm nhà công tử Bạc Liêu, muốn qua thăm Hòn Phụ Tử phải vượt 300 ki lô mét từ Bạc Liêu quày lại Sóc Trăng, Cần Thơ để tới Kiên Giang thay vì nếu có đường ngang từ Bạc Liêu qua Rạch Giá chỉ có 100 ki lô mét. Hoặc nếu quốc lộ 60 thông suốt từ chùa Dơi (Sóc Trăng) qua Ao Bà Om (Trà Vinh) chỉ khoảng 60 ki lô mét thay vì như hiện nay, phải đi gần 160 ki lô mét từ Sóc Trăng qua Cần Thơ, Vĩnh Long, Trà Vinh…

Không chỉ thiếu đường giao thông, ngay cả các quốc lộ cũng chưa được mở rộng so với quy mô vốn có từ thời Pháp thuộc, không có nhiều xe cộ lưu thông như bây giờ. Các con đường dẫn đến Trà Vinh (quốc lộ 53), An Giang (quốc lộ 91), Kiên Giang (quốc lộ 80) đều nhỏ hẹp vừa đủ hai xe tránh nhau đã hết mặt đường trong khi lưu lượng xe và cả dân số đều đã tăng hơn ngày xưa rất nhiều lần.

Trong số gần 1,5 triệu khách quốc tế đến TPHCM trong sáu tháng đầu năm 2008, chỉ có trên 110.000 người đến Cần Thơ (so với 422.000 đến Huế, 315.000 đến Hội An). Điều này cho thấy sức hút của du lịch ĐBSCL chưa đủ lớn để vượt qua trở lực về thời gian và điều kiện di chuyển, mà thời gian đối với du khách thường không nhiều, ảnh hưởng đến việc lựa chọn điểm tham quan của khách.

Cho nên, nếu như giao thông ĐBSCL không sớm được cải thiện theo cả trục dọc (quốc lộ 1A) lẫn trục ngang nối liền 13 tỉnh, thành của cả vùng ĐBSCL, thì những tiềm năng và cơ hội phát triển du lịch vùng này khó lòng trở thành hiện thực bởi “du lịch về ĐBSCL mất sức quá”, như lời than của nhiều du khách.

“Lối về”

Bên cạnh trở ngại về giao thông thì môi trường như một “lối về” quan trọng trong việc tiếp thị hình ảnh đẹp của vùng đất trù phú, thanh bình ĐBSCL.

Trong một lần đi Phú Quốc, chúng tôi thấy, trong khi các đoàn khách nước ngoài từ trong rừng cắm trại trở ra ai cũng mang theo một bọc ni lông đựng rác và đặt nó ven đường khu du lịch để xe rác lâm trường thu dọn thì đa số khách du lịch trong nước lại… vô tư bỏ lại những bao bì thức ăn, nước uống tại chỗ cắm trại ở ven suối.

Tại các điểm tham quan cũng vậy. Như ở chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) – điểm nhấn duy nhất cho các đoàn tham quan nước ngoài về Cần Thơ hiện nay, cũng đang trong tình trạng bị xả rác bừa bãi như vậy.

Trên 5 cây số đường sông từ bến Ninh Kiều đến Cái Răng, trong khi du khách được hướng dẫn viên kể về giai thoại Chúa Nguyễn trên đường bôn tẩu ghé ngang vùng này, nghe câu hò điệu hát bên sông nước bèn cám cảnh đặt tên cho thành phố là Cần Thơ… thì ở hai bên bờ sông, mọi “món sinh hoạt” của người dân đều… trút xuống dòng sông. Khi đến chợ nổi, du khách chưa kịp vui với hình ảnh trên bến dưới thuyền buôn bán tấp nập hàng nông sản thì đã vội nhíu mày “đau khổ” trước cảnh người dân thản nhiên đổ mọi thứ rác thải xuống sông; có lúc chợ nổi Cái Răng trở thành chợ… rác nổi Cái Răng.

Rồi còn tình trạng những chiếc ca nô cao tốc phóng vun vút xuyên qua chợ nổi. Du khách ba lô thường tham quan chợ nổi bằng những chiếc tắc ráng trên mười hàng ghế, mỗi hàng 2 người chênh vênh – liệu có an toàn không khi tàu cao tốc lao vút qua với tốc độ không dưới 50 ki lô mét/giờ? Đa số du khách đến ĐBSCL thuộc dạng khách đi tìm sự thanh bình và nhẹ nhàng sông nước, chắc không thích “cảm giác mạnh” như thế.

Trong các điểm vườn du lịch, tình trạng vệ sinh thường không được tốt và vấn đề này hình như cũng chưa được chú trọng. Tình trạng các nhà vệ sinh rất mất vệ sinh tương đối phổ biến tại các điểm du lịch. Cách đây ba năm, đã có đoàn khách nước ngoài (khách đi mô tô xuyên Việt giá cao) đã đặt phòng tại khu du lịch homestay của Cần Thơ nhưng nửa chừng phải bỏ về TPHCM chỉ vì những cái nhà vệ sinh kiểu đó và du khách loại này không còn thấy về đồng bằng nữa.

Ngoài ra, nhiều nhà vườn du lịch sinh thái chưa được hướng dẫn về nhu cầu và thị hiếu của du khách. Đa số kinh doanh tự phát và mạnh ai nấy làm là chính nên không đủ tài chính và kiến thức để phát huy hết những cái đẹp, cái hấp dẫn của mình. Sự lôi cuốn du khách của ĐBSCL nằm ở bản sắc văn hóa sông nước miệt vườn Nam bộ chứ không phải từ các bản sao chép vụng về đang khá phổ biến ở các khu du lịch trong vùng. 

LÊ THANH QUÝ – Giám đốc khách sạn Sài Gòn – Cần Thơ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới