Thứ bảy, 28/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Duy trì room tín dụng: nên hay không?

Phan Minh Ngọc

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Trong số ra ngày 30-6-2022, Kinh tế Sài Gòn có đăng bài Vì sao Việt Nam vẫn cần room tín dụng? Bài viết dường như cổ xúy việc duy trì room tín dụng, và kết luận rằng nhờ room tín dụng nên đã đạt được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô (lạm phát được quản lý tốt, tỷ giá biến động trong biên độ hẹp), giúp gia tăng dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Người viết nhận thấy một số lập luận trong bài viết chưa chặt chẽ nên kết luận như trên là chưa thỏa đáng. Theo người viết, ngược lại, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần nhanh chóng bỏ room tín dụng, tức là bỏ việc đặt hạn mức tăng trưởng tín dụng hàng năm.

Vai trò của hệ thống ngân hàng Việt Nam “rất khác” nhưng là khác thế nào?

Bài viết cho rằng hệ thống ngân hàng Việt Nam đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bơm vốn cho nền kinh tế. Chắc vì thế bài viết mới đưa ra nhận định rằng vai trò của hệ thống ngân hàng Việt Nam “rất khác”.

Các dữ liệu và lập luận đưa ra trong bài viết nêu ra ba ý minh họa cho cái sự “rất khác” này: (i) tăng trưởng tín dụng của Việt Nam đứng hàng đầu ở châu Á; (ii) nhu cầu vốn dài hạn của nền kinh tế đang phụ thuộc (nhiều) vào nguồn vốn ngắn hạn của ngân hàng; và (iii) hiệu quả của tín dụng trong việc tạo ra tăng trưởng kinh tế đã được cải thiện nhờ áp dụng room tín dụng.

Đáng tiếc là cả ba ý trên đều không nêu bật được sự “rất khác” của vai trò của hệ thống ngân hàng Việt Nam trong nền kinh tế. Để chứng minh được sự rất khác này, bài viết lẽ ra cần có thêm những so sánh tương ứng với quốc tế và khu vực.

Dường như NHNN đang sử dụng hạn mức này với các mục đích khác, chẳng hạn sử dụng nó như “cây gậy hay củ cà rốt” để “khuyến khích” tổ chức tín dụng tuân thủ tốt định hướng chính sách tiền tệ của NHNN.

Tuy ý (i) trên có sự so sánh với khu vực, nhưng từ sự so sánh đó thì không thể dẫn đến kết luận gì về sự khác biệt trong vai trò của hệ thống ngân hàng với nền kinh tế. Tăng trưởng tín dụng cao chỉ là kết quả của chủ ý “bơm” mạnh tiền (nới lỏng (quá mức) chính sách tiền tệ) của NHNN trong tham vọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (ý này sẽ được nói thêm ở phần dưới). Bài viết lẽ ra cần chứng minh rằng, ví dụ, ở nhiều nước khác, với cùng mức bơm tiền (tăng cung tiền từ ngân hàng trung ương) nhưng tín dụng đã không tăng mạnh như ở Việt Nam, để từ đó mới làm toát lên cái sự “rất khác” ở Việt Nam.

Ở ý (ii), tương tự, bài viết cũng cần có những so sánh với các nước khác để cho thấy (hầu như) chỉ có mỗi Việt Nam là xảy ra tình trạng nguồn vốn ngắn hạn ngân hàng phải gánh vác nhu cầu vốn dài hạn của nền kinh tế. Nếu không làm được như vậy thì buộc phải kết luận rằng tình trạng này là rất... bình thường!

Ý (iii) là rất khiên cưỡng khi cho rằng nhờ có room tín dụng mà hiệu quả sử dụng vốn đã được cải thiện. Lý do đơn giản của sự cải thiện này là tăng trưởng tín dụng đã giảm mạnh. Nhưng tăng trưởng tín dụng giảm hay tăng đều là chủ ý, đều bắt nguồn từ việc chính sách tiền tệ của NHNN được thắt chặt hay nới lỏng thêm.

Room tín dụng nếu có vai trò ở đây thì chỉ là một sự biểu hiện ra thành câu chữ, văn bản của đường hướng chính sách tiền tệ của NHNN trong mỗi thời kỳ. Chẳng hạn, room tín dụng năm nay nếu được đặt ở mức là 15% so với mức 25% của năm trước thì cần phải hiểu rằng NHNN muốn vặn bớt lại vòi bơm tiền trong năm nay so với năm trước, và chỉ thế thôi.

Trên hết, cần lưu ý rằng tiền để cho vay (tín dụng) trong hệ thống ngân hàng không phải là do các ngân hàng thương mại tự in/bơm ra, mà đều bắt nguồn từ cái van tổng là NHNN. Nên nếu NHNN giảm cung tiền thì không có cách gì mà tăng trưởng tín dụng (của cả hệ thống) lại có thể “bứt phá” được.

NHNN cũng quản lý cung tiền thông qua... lãi suất!

Tiếp theo các lập luận chưa hợp lý nói trên, bài viết đề cập đến một vấn đề còn chưa hợp lý hơn nữa. Một mặt, trong khi chỉ ra rằng Fed (Cục Dự trữ liên bang Mỹ) quản lý cung tiền thông qua lãi suất, bài viết lại cho rằng việc quản lý cung tiền ở Việt Nam chủ yếu thông qua kênh ngân hàng thương mại.

Nhầm lẫn trên có lẽ bắt nguồn từ nhận thức sai lầm, như nói ở phần trên, rằng tín dụng của ngân hàng thương mại là độc lập với cung tiền của NHNN nên nếu muốn siết/quản lý cung tiền thì chỉ cần siết/quản lý tăng trưởng tín dụng của ngân hàng thương mại là xong.

Một khi đã nói đến cung tiền - money supply - thì phải hiểu rằng đây là cung tiền của/từ NHNN chứ không phải là của/từ một ngân hàng thương mại hay cả hệ thống ngân hàng thương mại. Do đó, quản lý cung tiền luôn là việc của NHNN và được thực hiện tại NHNN, thông qua các mức lãi suất điều hành của NHNN như lãi suất chiết khấu, tái cấp vốn, lãi suất cho vay qua đêm, lãi suất trên thị trường mở. Tóm lại là về bản chất cũng không có sự khác biệt gì so với Mỹ.

Cần sớm bỏ room tín dụng

Từ những bất hợp lý được chỉ ra ở trên, có thể nói bài viết đã không nêu ra được một căn cứ chắc chắn nào hậu thuẫn cho việc ủng hộ duy trì room tín dụng cho cả hệ thống ngân hàng nói chung và từng ngân hàng thương mại nói riêng. Tuy nhiên, người viết cũng không muốn kết luận một cách dễ dãi từ đây, tuy khá... logic, rằng cần phải làm ngược lại, tức bỏ room tín dụng.

Thực tế, người viết đã có một số bài viết trên Kinh tế Sài Gòn về cùng đề tài, mà gần đây nhất là bài “Hạn mức tăng trưởng tín dụng: những lý do... chưa xác đáng!”(1). Một số lập luận trong bài này, cũng đã được nêu trên, là: (i) NHNN hoàn toàn đúng đắn khi cẩn trọng với rủi ro đến từ việc tín dụng tăng trưởng quá cao. Nhưng để quản lý tăng trưởng tín dụng thì NHNN chỉ cần quản lý cung tiền. Muốn hạn chế tăng trưởng tín dụng thì chỉ cần hạn chế tăng cung tiền/hạn chế nới lỏng chính sách tiền tệ, chứ không phải là quay ra ban hành và áp đặt hạn mức tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng và cả hệ thống ngân hàng; và (ii) Dù người viết và các tổ chức nước ngoài như IMF và Moody’s đã chỉ ra những bất cập của hạn mức tăng trưởng tín dụng nhưng NHNN vẫn “kiên định” duy trì hạn mức này. Sự kiên định này cho thấy dường như NHNN đang sử dụng hạn mức này với các mục đích khác, chẳng hạn sử dụng nó như “cây gậy hay củ cà rốt” để “khuyến khích” tổ chức tín dụng tuân thủ tốt định hướng chính sách tiền tệ của NHNN. Nếu đúng vậy thì dễ hiểu tại sao NHNN lại luôn bảo vệ công cụ hạn mức này nhưng tiếc là lại bằng những lý do chưa xác đáng,

Nói cách khác, room tín dụng cần sớm được loại bỏ nhưng, về phía NHNN, họ sẽ không bỏ nó chừng nào chưa tìm ra được công cụ “cây gậy hay củ cà rốt” khác để thay thế.

--------

(1) https://thesaigontimes.vn/han-muc-tang-truong-tin-dung-nhung-ly-do-chua-xac-dang/

2 BÌNH LUẬN

  1. Thực ra đề tài này đã lặp đi lặp lại 2 thập niên rồi và đâu vẫn vào đấy, tất cả các chuyên gia, kinh tế trưởng… hàng đầu trong và ngoài nước đã đóng góp tư vấn cả 20 năm rồi và cũng chẳng đi đến đâu. Riết đề tài trở thành cũ rích chẳng muốn đọc.

  2. Bài viết nói lên tiếng lòng của nhiều người cần vốn từ ngân hàng nhưng lại bị cản trở từ room tín dụng. Thứ nhất, ngân hàng phát triển được hầu như đều từ cho vay bất động sản, nhưng lại kiềm chế tăng trưởng của BĐS. Thứ hai, khi áp dụng room tín dụng, bị giới hạn nguồn vốn cho vay, ngân hàng sẽ tìm cách tăng lợi nhuận từ tỷ trọng cho vay BĐS, giảm tỷ trọng cho vay các loại hình khác; như vậy suy cho cùng người bị ảnh hưởng lại là người cần tiếp cận nguồn vốn tín dụng nhất. Trong 2 năm qua, tình hình dịch bệnh ảnh hưởng đến miếng cơm manh áo của người dân rất nhiều, thiết nghĩ trong thời điểm khôi phục kinh tế chúng ta nên chấp nhận 1 ngưỡng rủi ro cao hơn, phù hợp hơn về lạm phát, để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người dân

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới