Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giá cà phê tăng một cách thần kỳ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giá cà phê tăng một cách thần kỳ

Nguyễn Quang Bình

(TBKTSG Online) – Trong khi giá nhiều sàn hàng hóa giảm, tuần qua giá cà phê kỳ hạn và nội địa tăng. Có cách gì lý giải vì sao?

Thu hoạch cà phê trễ?

Mùa thu hoạch cà phê tại Tây Nguyên đã bắt đầu. Nhịp độ thu hái cho đến nay chỉ chừng 15-20%, như vậy tính theo dương lịch, mùa thu hoạch niên vụ mới 2014/15 đến trễ chừng nửa tháng. Tuy nhiên, theo nhiều người kinh nghiệm, xét về âm lịch, năm nay nhuận hai tháng Chín, tết sẽ đến trễ và rơi vào nửa cuối tháng 2-2015. Bình thường, mùa cà phê thường rộ trong khoảng thời gian từ hai đến hai tháng rưỡi trước tết, nếu tính theo lịch âm và theo cách tính riêng của nông dân, vụ mùa này chưa chắc đã chậm so với nông lịch.

Giá cà phê tăng một cách thần kỳ
Biểu đồ: Diễn biến giá kỳ hạn robusta Ice châu Âu (tác giả cập nhật)

Giá cà phê tăng một cách nhiệm mầu

Nhìn tổng thể trên thị trường tài chính, thời gian qua là một tuần hết sức may mắn cho thị trường cà phê. Giá thị trường tài chính Mỹ tăng mạnh, chỉ số Dow Jones của Mỹ đã tăng lên mức kỷ lục, và vượt kỷ lục lần thứ 25 tính từ đầu năm đến nay. Thị trường tài chính như một bình thông nhau, vốn luân chuyển qua lại từ thị trường cổ phiếu sang hàng hóa hay ngược lại, thường nếu tăng bên này thời giảm bên kia. Quả vậy, giá dầu thô khuya hôm qua phiên cuối tuần giao dịch dưới mức 74-75 đô la/thùng so với đầu tháng 10-2014 là 94 đô la/thùng, giá vàng chỉ còn chừng 1.185 đô la/ounce, mất 90 đô la/ounce so với cách nay một tháng… Thế mà sàn cà phê cả tuần qua thoát nạn một cách nhiệm mầu.

Cuối tuần trước, giá kỳ hạn arabica New York ở mức 186,75 xu/cân Anh (cts/lb) đã tăng lên 196,35 cts/lb đóng cửa phiên hôm qua, tăng gần 10 cts/lb hay 211 đô la/tấn . Cùng thời gian ấy, giá kỳ hạn robusta Ice châu Âu nâng từ mức 2.019 đô la/tấn lên mức 2.074 đô la/tấn, tăng 55 đô la/tấn (xin xem biểu đồ trên).

Nhờ vậy, giá cà phê nguyên liệu tại các tỉnh Tây Nguyên tăng dần từ 39 triệu đồng/tấn cuối tuần trước lên 40,7 triệu đồng/tấn sáng nay thứ Bảy 15-11.

Giá xuất khẩu cà phê loại 2,5% đen bể tính trên mức chênh lệch giữa giá kỳ hạn và giá giao qua lan can tàu (FOB) hiện ở mức trừ 50-60 đô la/tấn, cao hơn tuần trước 10-20 đô la/tấn.

Lý giải điều lạ kỳ trên thị trường cà phê

Có lẽ rất dễ hiểu vì sao giá kỳ hạn arabica tăng. Mưa thiếu tại nước xuất khẩu arabica số 1 thế giới sau đợt hạn hán đầu năm 2014 nên sản lượng arabica năm 2015 của Brazil chưa ai dám chắc chắn là bao nhiêu. Tuy nhiên, họ vững tin bảo rằng lượng robusta của Brazil chừng 15-16 triệu bao. Nếu như con số sản lượng robusta của Brazil khá dễ đoán thì dao động con số ước lượng arabica nước này từ 24 đến 34 triệu bao, tức tùy cách nhìn mà nói tổng sản lượng cà phê nước này trong khu vực từ 40-50 triệu bao.

Riêng với robusta, nhiều người bảo rằng Việt Nam, nước sản xuất và xuất khẩu robusta số 1 thế giới được mùa. Bà Andrea Thompson, nhà phân tích thị trường của hãng môi giới CoffeeNetwork chẳng hạn, cứ đinh ninh rằng sản lượng niên vụ 2014/15 của Việt Nam phải đạt 29-30 triệu bao!

Không cần bàn cãi được mùa hay không, mọi người đều công nhận rằng cách mua bán cà phê của nước ta từ ba bốn mùa vụ vừa qua đã khác. Trước đây, đến chừng thời điểm này, tuy cà phê còn trên cây mà đôi khi các nhà xuất khẩu đã đem đi bán khống hết một nửa lượng của mùa vụ. Đó là lý do vì sao nông dân hái xanh hái non đưa đến chất lượng kém và không đồng đều, đó là chưa nói sản lượng vì thế cũng giảm “hậu thu hoạch” do trái chưa đủ chín, vì các nhà kinh doanh giục giao hàng sớm. Mặt khác, bán khống theo cách trừ lùi, nên một lượng hàng cực lớn chưa chốt giá bị đưa lên sàn kỳ hạn “chực chốt”. Bao nhiêu bí mật số lượng lồ lộ đã bị đầu cơ và người mua lợi dụng, ép giá…gây nên những đợt bán ra cực mạnh làm cà phê được mùa hay mất mùa cũng đều mất giá.

Từ mấy năm nay, khi nông dân khá hơn và khi các nhà xuất khẩu không còn vay tiền dễ của ngân hàng để bán khống nữa, nông dân đã khuyên nhau điều tiết lượng bán ra nhằm giữ giá, không tạo sức ép bán ra, bảo vệ mình.

Đó có thể là một phần của lý do tại sao giá kỳ hạn vững dù có tin được mùa robusta tại nước ta.  

Tồn kho phía tiêu thụ tiếp tục tăng

Biểu đồ: Tồn kho cà phê châu Âu tăng (nguồn: NewEdge)

Báo cáo định kỳ mới nhất của Hiệp hội Cà phê Châu Âu (European Coffee Federation – ECF) cho biết tính đến hết tháng 9-2014, tồn kho cà phê tại các cảng châu Âu đạt mức 12.094.652 bao (60 kg x bao), tăng 14,69% tức 1.548.824 bao so với cùng kỳ năm 2013 (xin xem biểu đồ trên). Số liệu này chưa tính đến lượng cà phê đang được trung chuyển hay nằm tại các hãng rang xay. Uớc mỗi tuần châu Âu tiêu thụ chừng 1 triệu bao, nên lượng cà phê đã xuất khỏi cảng nhưng vẫn trên đường đi đến các nhà máy tính thêm chừng 3 triệu bao. Với tổng cộng chừng 15 triệu bao, châu Âu có thể sử dụng trong vòng 15 tuần nếu như không nhập khẩu thêm bất kỳ một lượng nào trong kỳ.

Hiệp hội Cà phê Nhật Bản báo rằng đến hết tháng 9-2014, tồn kho cà phê tại các cảng Nhật đạt 186.324 tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước 4,07% bấy giờ chỉ 179.044 tấn.

Báo cáo thường kỳ của sàn robusta Ice châu Âu cho biết tồn kho thuần robusta được sàn cấp chứng nhận chất lượng đấu giá (tenderable) tính đến ngày 10-11 lên mức 122.910 tấn, tăng 2.490 tấn so với hai tuần trước. Trong khi đó, tồn kho arabica đạt chuẩn của sàn New York đang ở mức 142.000 tấn.

Châu Âu và Nhật Bản là các vùng tiêu thụ cà phê truyền thống của thế giới. Báo cáo tồn kho của vùng này có ảnh hưởng nhất định đến thị trường.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới