Thứ Hai, 13/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giá đường sụp đổ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giá đường sụp đổ

Hồ Hùng

Thị trường đường liệu có đang bị các nhà thương mại trên thế giới lũng đoạn để kiếm lợi nhuận cao? Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Từ cuối năm rồi cho đến hai tháng đầu năm nay, giá đường nội địa và trên thế giới tăng vọt ở mức cao. Khi giá đường lên mốc đỉnh điểm, khoảng 753,2 đô la Mỹ/tấn, nhiều người dự đoán giá sẽ tiếp tục tăng. Nhưng thực tế, từ khoảng một tháng qua giá đường liên tục hạ và đến cuối tháng này, giá đường giao trong tháng 12-2010 chỉ còn 472-474 đô la Mỹ/tấn. Giá đường thế giới giảm, các nhà máy sản xuất trong nước cũng than van vì lỗ.

Không như dự đoán

Từ cuối năm 2009, giá đường trong nước và thế giới lừng lửng đi lên một cách bất ngờ. Khi đó, nhiều thông tin được đưa ra, rằng nguồn cầu trên thế giới sẽ vượt cung khoảng 6 triệu tấn trong năm nay, do một số nước sản xuất đường chủ lực như Ấn Độ… sẽ giảm sản lượng. Thông tin đưa ra khá logic, bởi đúng là với nhu cầu bức bách về năng lượng như hiện nay, nhiều nước đã giảm sản xuất đường để lấy mía làm nguyên liệu sản xuất ethanol. Thậm chí, nhiều người còn đưa ra dự đoán nguồn cung đường sẽ thiếu hụt trong vài ba năm nữa.

Nhiều nhà nhập khẩu trên thế giới và cả một số doanh nghiệp ở Việt Nam đã nắm bắt các thông tin trên rất nhanh, và tăng lượng mua vào để dự trữ. Điều này càng khiến cầu tăng nhanh, đẩy đường vào cơn “sốt” giá. Có doanh nghiệp, thậm chí mua ngay đường của các nhà máy sản xuất và nhờ gửi lại tại kho, chờ giá lên tiếp để tung ra bán.

Có thời điểm, giá đường bán lẻ trong nước lên đến mức 25.000 đồng/ki lô gam. Và để hạ cơn sốt, Chính phủ buộc phải cho phép nhập khẩu 200.000 tấn đường với thuế ưu đãi, nhằm hạn chế cơn sốt giá đường tăng gấp đôi trong vòng ba tháng qua.

Nhưng ngay sau khi khoảng hơn 100.000 tấn đường bình ổn giá vừa nhập về với giá quy ra hơn 15.000 đồng/ki lô gam (chưa tính lợi nhuận và chi phí tiêu thụ), giá đường thế giới bắt đầu xuống dốc và kéo giá trong nước xuống theo. Nhận thấy dấu hiện bất ổn, một số nhà đầu cơ đã tung đường ra bán cắt lỗ, có người bán cùng lúc hàng ngàn tấn, khiến cơn “sốt” giá đã đi theo hướng ngược lại.

Hiện tại, theo ông Nguyễn Thành Long, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco), giá đường bán sỉ hiện chỉ còn 14.500-14.800 đồng/ki lô gam.

Cùng lúc này, thông tin lại tung ra theo hướng ngược lại hồi cuối năm trước, rằng sản lượng đường thế giới sẽ không thấp như dự đoán. Dự báo sản lượng đường Brazil niên vụ 2010-2011 sẽ đạt 40,5 triệu tấn quy thô, tăng so với 36,2 triệu tấn niên vụ 2009-2010. Còn tại Ấn Độ, một trong những nước sản xuất và tiêu thụ đường hàng đầu thế giới, sản lượng cũng sẽ tăng lên 25-26 triệu tấn, so với 17-18 triệu tấn niên vụ 2009-2010. Và điều hiển nhiên, các chuyên gia đều cho rằng giá đường sẽ còn giảm tiếp, sau khi đã giảm hơn 40% so với đỉnh điểm của cơn “sốt” như hiện nay.

Diễn biến thất thường và những thông tin dự báo trái ngược tung ra đã khiến một số người đặt vấn đề, liệu có hay không sự lũng đoạn thị trường nhằm kiếm lợi nhuận của các nhà thương mại lớn trên thế giới? Sự thật ra sao chưa ai biết, chỉ biết đã nhiều nhà đầu cơ vào thời điểm “sốt” giá hiện bị “mắc cạn”, kể cả một số doanh nghiệp nhập đường bình ổn giá với khi giá nhập còn ở mức cao, nay cũng rối bời vì càng bán ra, càng lỗ.

Nhà sản xuất cũng than!

Ông Long khẳng định, không riêng một số nhà đầu cơ mà chính nhiều nhà máy đường ở ĐBSCL cũng lao đao khi giá đường giảm, bởi cứ sản xuất càng nhiều đường càng lỗ nặng. Theo ông, nguyên nhân là với giá mua mía nguyên liệu như vừa qua, chỉ riêng giá thành mía trong một ki lô gam đường đã lên đến 14.000 đồng, chưa kể chi phí chế biến, bao bì, quản lý và tiêu thụ…

Tuy nhiên, để giữ chữ tín là tiêu thụ hết mía cho nông dân theo hợp đồng bao tiêu, cũng như giữ công suất để bảo đảm việc làm cho công nhân, các nhà máy đường phải bấm bụng tiếp tục tranh mua mía nguyên liệu.

“Niên vụ mía này đến khoảng giữa tháng 4 mới kết thúc. Hiện giá mía nguyên liệu chỉ còn từ 1.200-1.300 đồng/ki lô gam. Nhưng với đà suy giảm của giá đường, có thể giá mua phải hạ tiếp”, ông Long nói. Nhưng giá đường thì có thể hạ từng ngày, còn nhà máy thì chỉ có thể hạ giá mua mía sau khi thông báo khoảng một tuần. Do đó, nguy cơ lỗ nặng cứ hiển hiện, bởi nếu giá đường giảm tiếp, nguyên liệu mía đang chất đống tại nhà máy chẳng thể giảm theo kịp bởi đã lỡ mua của nông dân.

Nhưng điều mà theo ông Long, khiến các nhà máy đường lo nhất là khâu tiêu thụ hiện rất khó khăn. Khi giá bắt đầu hạ, thống kê từ ngày 20-2 đến 15-3, các nhà máy đường trên cả nước chỉ tiêu thụ được 73.500 tấn, thấp hơn cùng kỳ 40.000 tấn. Các nhà bán sỉ đã chựng lại không dám mua nhiều đường vì sợ giá biến động tiếp, họ chỉ dám mua khi có ngay đầu ra với số lượng, giá cả đã thống nhất. Trong khi các nhà bán lẻ lỡ mua đường trước đây với giá cao, nay cũng ngừng nhập đường mới mà có khuynh hướng ráng cầm cự giữ giá để tiêu thụ hết hàng tồn, giảm lỗ.

“Các nhà máy đường ở ĐBSCL còn tồn kho khoảng 70.000-80.000 tấn. Riêng Casuco, trước mỗi tháng chỉ tồn kho 1.000-2.000 tấn, nay cũng “ôm” gần 10.000 tấn, tương đương gần 150 tỉ đồng. Kẹt vốn, trong khi ngân hàng đang “siết”, mà tiền mua mía lại không thể thiếu nông dân. Quá khó!”, ông Long than thở.

Một vài nhà máy còn bị nợ khó đòi từ phía khách hàng, bởi khách mua hàng trả chậm lúc giá cao, nay giá hạ thì khách hàng “lặn” mất tăm. Đã có trường hợp, nông dân bán mía sau 15 ngày vẫn chưa được nhà máy trả tiền…

Do đó, theo đề xuất của ông Long, Chính phủ cần có chủ trương cho các nhà máy đường vay vốn ưu đãi để mua mía cho nông dân, vừa cứu ngành đường trong thời điểm này, vừa cứu vùng nguyên liệu mía hơn 50.000 héc ta ở ĐBSCL trong vụ tới. Bởi vừa qua, khi mía nguyên liệu trên đà sụt giảm liên tục, nhiều nông dân đang rất phân vân, rằng có nên trồng mía tiếp vào niên vụ tới hay không.

“Lúc giá cao, Chính phủ có chủ trương cho nhập đường, giảm thuế nhập khẩu để bình ổn. Còn nay giá thấp, nhà sản xuất thua lỗ, nông dân lo lắng, Chính phủ cũng nên xem xét giải pháp để cứu ngành đường và nông dân”, ông Long nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới