(KTSG) - Các nước phương Tây vừa tiếp tục gia tăng sức ép lên ngành dầu mỏ của Nga bằng các biện pháp trừng phạt mới như cấm nhập khẩu và áp giá trần đối với dầu thô nhập khẩu bằng đường biển. Các chính sách này được dự báo sẽ tác động lớn tới thị trường năng lượng toàn cầu.
- OPEC+ duy trì hạn chế sản lượng dù dầu Nga bị áp giá trần
- EU nhất trí áp trần giá dầu Nga 60 đô la/thùng
Châu Âu gia tăng sức ép đối với dầu Nga
Hôm 5-12, giai đoạn đầu tiên của lệnh cấm vận mà Liên minh châu Âu (EU) áp đặt đối với dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ của Nga đã chính thức có hiệu lực. Theo đó, các nước châu Âu, ngoại trừ một số quốc gia được miễn trừ vì lý do đặc biệt, sẽ ngừng mua dầu thô vận chuyển bằng đường biển từ Nga. EU cũng dự kiến sẽ cấm nhập khẩu các sản phẩm dầu tinh chế của Nga từ ngày 5-2 năm sau.
Song song với đó, mức giá trần 60 đô la/thùng mà châu Âu, các nước G7 và Úc áp đặt đối với dầu thô nhập khẩu từ Nga cũng bắt đầu có hiệu lực kể từ đầu tuần này.
Hiệu quả từ các biện pháp trừng phạt song hành
Tuy nhiên, ông Simone Tagliapietra, chuyên gia chính sách năng lượng tại tổ chức tư vấn Bruegel có trụ sở ở Brussels, Bỉ cho biết, mức trần 60 đô la/thùng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến tình hình tài chính của Nga, bởi con số này vốn đã khá gần mức giao dịch hiện thời của dầu Nga. Dầu Urals của Nga đang được bán với mức chiết khấu đáng kể so với dầu Brent, và đã giảm xuống dưới 60 đô la/thùng lần đầu tiên sau nhiều tháng trong tuần trước do lo ngại nhu cầu suy giảm tại Trung Quốc.
Cũng theo ông Tagliapietra, nếu mức trần xuống tới 50 đô la/thùng, nguồn thu từ năng lượng của Nga sẽ bị hạn chế, và khiến nước này gặp khó trong việc cân bằng ngân sách chính phủ, vốn đòi hỏi giá dầu ở trong khoảng 60-70 đô la/thùng. Bên cạnh đó, mức giá này vẫn cao hơn chi phí sản xuất của Nga là khoảng từ 30-40 đô la/thùng, và đảm bảo duy trì động lực để Nga tiếp tục bán dầu.
Những biện pháp né trừng phạt
Theo các chuyên gia, Nga có thể thực hiện nhiều biện pháp để né các lệnh trừng phạt, như thành lập các nhà cung cấp bảo hiểm của riêng mình để thay thế cho các nhà cung cấp tại các nước phương Tây. Nước này cũng có thể sử dụng các tàu chở dầu thuộc “hạm đội bóng tối” với quyền sở hữu không rõ ràng, như cách mà các quốc gia bị cấm vận khác là Venezuela và Iran từng làm. Dầu có thể được chuyển từ tàu này sang tàu khác, và trộn với dầu có chất lượng tương tự để che giấu nguồn gốc.
Công ty môi giới vận tải biển Braemar, có trụ sở tại London, ước tính Nga, nước vốn phụ thuộc rất nhiều vào các tàu chở dầu nước ngoài để vận chuyển dầu thô, đã bổ sung hơn 100 tàu trong năm nay thông qua các giao dịch mua trực tiếp hoặc gián tiếp.
Bên cạnh đó, việc mức phí thuê tàu chở dầu tăng lên mức cao chưa từng thấy kể từ năm 2008 cũng khuyến khích nhiều công ty tham gia vào hoạt động vận chuyển dầu Nga. Reuters cho biết, trong những tháng gần đây, nhiều tàu chở dầu cũ đã được các chủ sở hữu tại Hy Lạp và Na Uy bán với mức giá cao cho những người mua tại Trung Đông và châu Á muốn tham gia vào hoạt động mang lại nhiều lợi nhuận này.
Tuy nhiên, bất chấp các nỗ lực này, các nhà phân tích cho biết Nga vẫn sẽ đối mặt với việc thiếu tàu chở dầu và có thể gặp khó khăn trong những tháng đầu năm 2023 để duy trì mức xuất khẩu dầu hiện nay. Rystad ước tính Nga sẽ thiếu 60-70 tàu chở dầu và dự kiến xuất khẩu dầu bằng đường biển của Nga sẽ giảm khoảng 200.000 thùng/ngày.
Chuyên gia Maria Shagina chỉ ra rằng, ngay cả khi các biện pháp né trừng phạt được áp dụng, mức giá trần vẫn sẽ khiến việc bán dầu của Nga trở nên tốn kém, mất thời gian và cồng kềnh hơn. Thay vì các chuyến đi tới châu Âu chỉ kéo dài vài ngày, các tàu chở dầu từ Nga giờ đây sẽ phải tham gia các chuyến đi kéo dài hàng tuần từ biển Baltic và Biển Đen đến châu Á. Khoảng cách lớn hơn đồng nghĩa với việc các tàu chở dầu phải có sức chứa tăng gấp 4 lần để đảm bảo hiệu quả kinh tế.
Chuyên gia nghiên cứu dầu mỏ Nga Craig Kennedy cũng nhận định: “Nga có thể tìm kiếm nhiều cách tinh vi để né đòn trừng phạt của phương Tây nhưng lượng dầu mà Nga cần vận chuyển là quá lớn. Ngay cả khi phương Tây không áp giá trần giá dầu, Nga cũng sẽ phải chật vật vận hành đội tàu chở dầu ở quy mô cần thiết để duy trì xuất khẩu”.
Châu Á - điểm đến chính của dầu thô Nga
Theo Nikkei Asia, sau khi các biện pháp trừng phạt của phương Tây có hiệu lực, các khách hàng mua dầu hàng đầu tại châu Á như Ấn Độ và Trung Quốc giờ đây đang nắm giữ triển vọng của ngành dầu mỏ Nga.
Trung Quốc vẫn là khách hàng mua dầu vận chuyển bằng đường biển hàng đầu của Nga, nhập khẩu khoảng 1 triệu thùng/ngày, trong khi Ấn Độ đã tăng mạnh nhập khẩu dầu thô giá rẻ của Nga trong năm 2022, với lượng nhập khẩu tăng gấp 20 lần và có thời điểm trở thành thị trường dầu mỏ lớn thứ hai của Nga. Các quan chức Ấn Độ cũng từng tuyên bố sẽ tiếp tục mua dầu thô giá rẻ của Nga và tăng cường xuất khẩu dầu thành phẩm sang phương Tây.
Tuy nhiên, theo DW, việc điều hướng một lượng lớn dầu từ thị trường châu Âu tới châu Á sẽ là một thách thức lớn trong bối cảnh Nga phải đối mặt với hàng loạt vấn đề, từ năng lực xuất khẩu tại các cảng biển khá hạn chế, sự thiếu hụt tàu chở dầu và chi phí vận chuyển dầu thô tăng vọt. Bên cạnh đó, Nga cũng thiếu các giải pháp thay thế cho đường ống Druzhba, bởi tuyến đường ống Đông Siberia - Thái Bình Dương (ESPO) vận chuyển dầu tới Trung Quốc hiện đã đạt giới hạn về công suất.
Bên cạnh đó, Ấn Độ và Trung Quốc có thể gặp khó khăn trong việc hấp thụ quá nhiều dầu của Nga, bất chấp mức chiết khấu sâu, bởi lẽ các nước này đều đã có hợp đồng cung cấp dài hạn với các nhà sản xuất dầu ở Trung Đông. Ngoài ra, mức giá trần mà phương Tây áp đặt cũng sẽ là một lợi thế đàm phán để các nước này buộc Nga giảm giá bán dầu sâu hơn nữa, chấp nhận những thiệt hại về lợi nhuận.
Thị trường năng lượng ngày càng thắt chặt
Giới quan sát cảnh báo việc thực thi lệnh các lệnh trừng phạt có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu, đặc biệt là trong trường hợp Nga trả đũa bằng cách cắt giảm sản lượng. Việc một lượng dầu thô đáng kể của Nga “bốc hơi” khỏi thị trường sẽ khiến giá dầu tăng vọt, trong bối cảnh nhiều nền kinh tế vẫn đang đau đầu kiểm soát lạm phát. Theo các nhà phân tích tại Commerzbank, các lệnh trừng phạt mới có thể đẩy giá dầu Brent tăng trở lại mức 95 đô la/thùng trong những tuần tới.
Reuters trích dẫn các nguồn tin thân cận cho biết, sau khi các biện pháp trừng phạt của phương Tây được áp dụng, sản lượng dầu của Nga có thể suy giảm từ 500.000 đến 1 triệu thùng dầu/ngày vào đầu năm 2023. Kirill Melnikov, chuyên gia phân tích tại Trung tâm Phát triển năng lượng, dự báo sản lượng dầu của Nga trong tháng 1-2023 sẽ giảm 1-1,5 triệu thùng/ngày so với mức của tháng 11, trong khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự kiến sản lượng dầu thô của Nga sẽ giảm 2 triệu thùng/ngày vào cuối quí 1-2023.
Đối với nền kinh tế châu Âu, nơi từng phụ thuộc rất nhiều vào dầu Nga, tác động lớn nhất từ các biện pháp trừng phạt có thể không đến ngay trong thời gian ngắn, mà là vào ngày 5-2-2023, khi lệnh cấm bổ sung của EU đối với các sản phẩm tinh chế từ dầu như nhiên liệu diesel có hiệu lực. Châu Âu vẫn có một số lượng đáng kể phương tiện chạy bằng dầu diesel, đặc biệt là các xe tải vận chuyển hàng hóa và máy móc nông nghiệp. Những chi phí đắt đỏ hơn này được dự báo sẽ nhanh chóng lan tỏa khắp nền kinh tế.
“Châu Âu nhập khẩu tới 60% nhiên liệu diesel từ Nga, và sẽ không dễ để tìm kiếm các nguồn thay thế. Điều này khiến châu Âu có nguy cơ đối mặt với tình trạng thiếu diesel vào ngay giữa mùa đông”, chuyên gia Claudio Galimberti, cựu Phó chủ tịch Công ty Nghiên cứu năng lượng Rystad cảnh báo.
Nguồn: DW, ABC News, Reuters, Nikkei Asia, Financial Times
Như vậy giá dầu thị trường chỉ ở mức loanh quanh hoặc cao hơn 60 dolla 1 chút ,chuyện trên 100$ chỉ còn là huyền thoại
Quyền lực đang thuộc về ai. Người mua, hay người bán. Đó mới là quan trọng nhất. Ai cũng cần có dầu để xài, trừ người nắm trong tay trữ lượng khai thác lớn. Mua bán theo giá nào, cung cầu thị trường quyết định, điều này cũng lại phụ thuộc vào người nắm trữ lượng khai thác. Xét theo lý lẽ này, OPEC và Nga đang nắm phần lớn ưu thế.