Thứ Ba, 7/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giá xăng tăng lần thứ 4, tạo áp lực lên chỉ số giá tiêu dùng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giá xăng tăng lần thứ 4, tạo áp lực lên chỉ số giá tiêu dùng

Minh Tâm

(KTSG Online) – Từ 15 giờ hôm nay, 12-3, giá các mặt hàng xăng dầu sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm từ 360 đến 800 đồng/lít tùy mặt hàng. Đây là lần tăng giá thứ 4 tính từ đầu năm và đang tạo ra những áp lực lên chỉ số giá tiêu dùng và hoạt động kiểm soát lạm phát.

Giá xăng tăng lần thứ 4, tạo áp lực lên chỉ số giá tiêu dùng
Giá xăng tăng lần thứ 4 kể từ đầu năm. Ảnh: MT.

Theo thông báo điều chỉnh giá vừa được các doanh nghiệp công bố thì từ 15 giờ ngày 12-3, giá bán lẻ mặt hàng xăng A95 – III lên mức 18.880 đồng/lít (tăng); xăng A92 – E5 lên mức 17.720 đồng/lít (tăng 690 đồng/lít) và dầu diesel lên mức 14.400 đồng/lít (tăng 360 đồng/lít).

Việc tăng giá được thực hiện theo công văn điều hành của liên bộ Công Thương – Tài chính phát đi trước đó.

Tuy nhiên, các mức tăng này chỉ bù đắp được một phần chênh lệch giữa giá bán lẻ và giá cơ sở (hình thành bởi giá nhập khẩu thành phẩm, thuế, phí…) của chu kỳ tính giá từ 25-2 đến 11-3. Do vậy, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối cũng đồng thời được chi sử dụng quỹ bình ổn theo sự cho phép của cơ quan điều hành. Trong đó, xăng A95 là 1.100 đồng/lít, xăng A92-E5 là 2.000 đồng/lít; dầu diesel và dầu hỏa là 600 đồng/lít.

Như vậy, đây là lần tăng giá thứ 4 liên tiếp của các mặt hàng xăng dầu trong nước. Tổng mức tăng của 4 lần đối với mặt hàng A95 là 1.950 đồng/lít; xăng A92-E5 là 1.780 đồng/lít và dầu diesel là 1.760 đồng/lít. Giá bán lẻ các mặt hàng do đó lên mức cao nhất trong vòng một năm qua.

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước tăng là chuyện tất yếu khi giá xăng dầu thế giới liên tục lập đỉnh trong thời gian vừa qua dưới tác động của nhiều yếu tố địa chính trị, nguồn cung, nhu cầu.

Câu hỏi đặt ra là, với xu hướng này của giá xăng dầu thì lạm phát của Việt Nam sẽ ra sao khi mục tiêu mà Chính phủ đề ra chỉ là dưới 4%, nhất là trong tháng 2 vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 1,52% so với tháng trước – mức tăng cao nhất của chỉ số giá tháng 2 trong tám năm gần đây và tăng 1,58% so với tháng 12-2020? Lạm phát cơ bản tháng 2-2021 theo đó tăng 0,48% so với tháng trước và tăng 0,79% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân hai tháng đầu năm nay tăng 0,64% so với bình quân cùng kỳ năm 2020.

Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, trong tháng 2, chỉ số ở nhóm giao thông tăng 1,55% so với tháng 1 do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào thời điểm 26-1 và 25-2 làm chỉ số giá xăng, dầu tăng 3,28%. Qua đó, đã làm CPI chung tăng 0,12 điểm phần trăm.

Trước đó, vào tháng 1, chỉ số giá của nhóm giao thông đã tăng cao nhất trong rổ hàng hóa tính CPI với 2,29% do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào thời điểm 11-1 và thời điểm 26-1 làm chỉ số giá xăng, dầu tăng 6,07%, qua đó làm CPI chung tăng 0,22 điểm phần trăm.

Tình hình tăng của giá xăng dầu này, theo Ngân hàng HSBC Việt Nam, sẽ tạo nên một số áp lực lên lạm phát. Chi phí vận tải và giá thực phẩm sẽ là những yếu tố cần được theo dõi chặt chẽ, vì cả cả hai đều có tỷ trọng lớn trong rổ tính CPI chung, với tỷ trọng lần lượt là 34% và 10%.

Tuy nhiên, giá lương thực thực phẩm đang điều chỉnh giảm nhẹ do giá thịt heo đã bình ổn, có nhiều khả năng sẽ bù đắp những tác động do giá dầu tăng cao gây ra và sẽ giúp kiểm soát lạm phát của Việt Nam.

Do vậy, Ngân hàng HSBC kỳ vọng lạm phát của Việt Nam trong năm 2021 sẽ nằm ở mức trung bình 3%, dưới mức trần 4% theo mục tiêu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề ra và điều này tạo điều kiện cho NHNN duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng của mình.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới