Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giải mã chỉ dẫn địa lý: Gió đã đổi chiều

Lê Vũ Vân Anh (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Khi Hiệp định Thương mại liên minh châu Âu – Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực từ tháng 8-2020, chỉ dẫn địa lý đã dành được một vị trí rất quan trọng trong EVFTA. Thực tế là hầu như ngày nay nước nào cũng bảo hộ chỉ dẫn địa lý thông qua nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên EU và Mỹ mới là những người hưởng lợi chính, mỗi bên kiếm được lợi nhuận đáng kể từ việc bán hàng hóa được bảo vệ bởi chỉ dẫn địa lý. Việt Nam hưởng lợi chưa nhiều từ chỉ dẫn địa lý.


Hình minh họa: Nhãn chỉ dẫn địa lý.
Nguồn: Trang web của liên minh châu Âu về chỉ dẫn địa lý. https://agriculture.ec.europa.eu

So với bộ ba sở hữu trí tuệ truyền thống, gồm sáng chế, nhãn hiệu và quyền tác giả, Chỉ dẫn địa lý ít được quan tâm. Điều này thể hiện rất rõ trong Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) – hiệp định quan trọng hàng đầu về sở hữu trí tuệ (SHTT), khi TRIPS chỉ dành ba điều khoản ít ỏi cho chỉ dẫn địa lý. Chịu ảnh hưởng của xu thế quốc tế này, chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam trong một thời gian dài cũng không thu hút nhiều chú ý so với các hình thức SHTT còn lại.

Tăng giá trị sản phẩm nhờ nhãn chỉ dẫn địa lý

Tuy nhiên, gió đã đổi chiều khi Hiệp định thương mại liên minh châu Âu – Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực từ tháng 8-2020. Chỉ dẫn địa lý đường hoàng chiếm một ghế “VIP” trong EVFTA khi hiệp định này có một phụ lục liệt kê các chỉ dẫn địa lý được bảo vệ: 39 chỉ dẫn địa lý Việt Nam được bảo hộ tại châu Âu và 169 chỉ dẫn địa lý châu Âu được bảo hộ ở chiều ngược lại. Ngay cả tên của nhóm làm việc (working group) của EVFTA cũng phản ánh mối quan tâm đặc biệt đối với chỉ dẫn địa lý: “Quyền sở hữu trí tuệ của nhóm làm việc, bao gồm cả chỉ dẫn địa lý”. Lý do có sự đối xử ưu ái này nằm ở quan điểm cứng rắn và lâu đời đối với bảo hộ chỉ dẫn địa lý của Liên minh châu Âu (EU) nhằm ngăn chặn một số loại rượu vang và rượu mạnh trở thành tên chung.

Các nhãn chỉ dẫn địa lý đóng vai trò tương đương một chứng chỉ đảm bảo tính xác thực và độc đáo của sản phẩm. Chẳng hạn, nước mắm Phú Quốc vị mặn nhưng không chát, làm từ loại cá cơm đặc biệt sống ở vùng nước bao quanh đảo Phú Quốc cùng phương pháp làm mắm truyền thống. Rượu vang Vinho Verde của Bồ Đào Nha được biết đến với hàm lượng khoáng chất và độ chua cao, góp phần tạo nên hương vị tươi ngon. Phô mai Parmigiano-Reggiano của Ý nổi tiếng với hương vị béo ngậy, mùi đất và kết cấu vụn, trong khi giấm balsamic Modena cũng của quốc gia này được đánh giá cao nhờ vị ngọt đậm và độ sệt của siro.

Về mặt thương mại, một sản phẩm có nhãn chỉ dẫn địa lý có thể thuyết phục người tiêu dùng móc hầu bao nhiều hơn so với sản phẩm tương đương không có nhãn chỉ dẫn địa lý. Về mặt pháp lý, chỉ dẫn địa lý trao quyền cho chủ sở hữu ngăn bên thứ ba lạm dụng hoặc bắt chước sản phẩm nếu không tuân theo quy trình nhất định. Điều này giảm chi phí tìm kiếm của người tiêu dùng khi hình ảnh sản phẩm có thể không khác biệt rõ ràng. Chẳng hạn như các nhà sản xuất nước mắm Phú Quốc có thể loại trừ việc sử dụng thuật ngữ “Phú Quốc” cho loại nước mắm không được làm ở Phú Quốc hoặc không sản xuất theo các tiêu chuẩn quy định trong quy tắc thực hành cho chỉ dẫn địa lý.

Mặc dù chỉ dẫn địa lý không chỉ giới hạn trong các sản phẩm nông nghiệp, nhưng đây là lĩnh vực mà chỉ dẫn địa lý được cấp nhiều nhất. Chỉ dẫn địa lý mang lại nguồn thu nhập chính cho 138.000 trang trại Pháp và 300.000 công dân Ý(1). Lĩnh vực GI sử dụng 21% tổng số nông dân Pháp(2). Tại EU, chỉ dẫn địa lý không chỉ đơn giản là nhãn hiệu; chúng là “chương trình chất lượng” không chỉ đảm bảo chỉ dẫn xuất xứ mà còn đáp ứng các mục tiêu xã hội khác, bao gồm thúc đẩy phát triển nông thôn. Theo một nghiên cứu của EU, một sản phẩm được bảo vệ GI có giá trị gấp 2,23 lần so với sản phẩm tương đương(3).

Việt Nam hưởng lợi chưa nhiều từ chỉ dẫn địa lý

Hầu như ngày nay nước nào cũng bảo hộ chỉ dẫn địa lý thông qua nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên EU và Mỹ là những người hưởng lợi chính, mỗi bên kiếm được lợi nhuận đáng kể từ việc bán hàng hóa được bảo vệ bởi chỉ dẫn địa lý. Trong khi đó, Việt Nam hưởng lợi chưa nhiều từ chỉ dẫn địa lý mặc dù chúng ta có nền ẩm thực nổi tiếng và nhận được nhiều ưu đãi từ thiên nhiên, vốn là một yếu tố then chốt để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp thông qua chỉ dẫn địa lý.

Bên cạnh giá trị thương mại, Chỉ dẫn địa lý cũng gặp nhiều chỉ trích vì chế định này trở thành một công cụ marketing hoàn hảo để nâng giá sản phẩm. Theo quy định của EU, một Chỉ dẫn địa lý có thể bảo vệ dưới nhiều hình thức. PDO (protected designation of origin) và PGI (protected geographical indication) dành cho thực phẩm và rượu. Riêng các loại rượu mạnh có nồng độ cồn hơn 40% thì được bảo hộ thông qua một loại Chỉ dẫn địa lý đặc biệt (Geographical indication of spirit drinks).

Tuy nhiên, có vài sự khác biệt đáng kể giữa PDO và PGI mà không phải người tiêu dùng nào cũng biết đến.

Sự khác biệt giữa PDO và PGI

Liên kết giữa khu vực xuất xứ và đặc tính của sản phẩm của PDO mạnh hơn PGI.

Để được bảo vệ dưới dạng PDO, chất lượng hoặc đặc tính của sản về cơ bản hoặc hoàn toàn là kết quả của một môi trường địa lý, với các yếu tố tự nhiên và con người vốn có của khu vực mà sản phẩm mang tên. Ví dụ cho các sản phẩm PDO ở châu Âu là phô mai Roquefort và Camembert de Normandie của Pháp, Gorgonzola của Ý, Feta của Hy Lạp, ô liu Kalamata của Hy Lạp, dầu ô liu Chianti Classico của Ý, và thịt heo muối Prosciutto de Parma của Ý.

Trong khi đó với PGI, sản phẩm cần phải có chất lượng, danh tiếng hoặc đặc điểm cụ thể bắt nguồn nguồn gốc địa lý và quá trình sản xuất. Thịt bò Scotland, thịt cừu xứ Wales là những ví dụ của sản phẩm PGI.

Đối với PDO, tất cả công đoạn chế biến sản phẩm phải được thực hiện hoàn toàn trong khu vực địa lý. Trong khi đó, PGI chỉ yêu cầu sản phẩm có ít nhất một trong các công đoạn sản xuất, chế biến hoặc chuẩn bị diễn ra trong khu vực nói trên.

Sự khác biệt đáng kể nữa bắt nguồn từ sự khác biệt có liên quan đến nguyên liệu thô. PGI cho phép các nguyên liệu thô được lấy từ bên ngoài khu vực xác định trong khi PDO thường không cho phép. Điều này có nghĩa là bánh quy Cantuccini vùng Toscani (Ý) có thể có nguyên liệu từ bất kỳ một vùng nào ngoài Toscani và thậm chí một nước nào đó ngoài nước Ý.

Quy định linh động của PGI được các nhà sản xuất hoan nghênh vì nhiều lý do chẳng hạn như nguồn nguyên liệu không còn dồi dào, nhu cầu ngày càng tăng dẫn đến quy mô đầu vào cần được mở rộng. Tuy nhiên, mối liên kết lỏng lẻo giữa sản phẩm và khu vực địa lý làm loãng giá trị của chứng nhận bảo đảm xuất xứ cho người tiêu dùng, chức năng mà chỉ dẫn địa lý được trao ban đầu.

Càng ngày, hàng hóa châu Âu sẽ đổ bộ vào các kệ hàng của siêu thị Việt Nam. Người tiêu dùng trong nước không cần phải đi xa sang Ý, Pháp, Tây Ban Nha… để được thưởng thức các thực phẩm và đồ uống bản địa. Chỉ dẫn địa lý xem ra có nhiều sự lắt léo mà người tiêu dùng nội địa cần hiểu để dễ dàng hơn khi lựa chọn sản phẩm đúng như kỳ vọng của mình.

(*) Giảng viên môn luật SHTT, khoa Luật Đại học Oxford, Vương quốc Anh.

(1) European Commission, “Why do Geographical Indications matter to us?” (MEMO/03/160 Brussels, 30th July 2003) available at https://ec.europa.eu/commission/presscorner/detail/en/MEMO_03_160.

(2) Berger, Christian, “Geographical Indications – A Business Opportunity and a Rural Development Tool” Presentation made at a conference on Protecting Local Uniqueness and Identity: Tools to protect product distinctiveness in the global economy. Dewey Ballantine LLP/ oriGIn Conference on 19th September 2007, Washington, D.C.

(3) European Commission, “Why do Geographical Indications matter to us?” https://ec.europa.eu/commission/presscorner/detail/en/MEMO_03_160.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới