Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Gió và giá

Quỳnh Thư

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Với những ai chưa thăm thú ngoại ô Đà Lạt trong những năm gần đây, các tua bin điện gió trên nền trời xanh chắc sẽ là một cảnh tượng ngạc nhiên. Nhìn từ dưới đất, màu trắng của những cánh quạt khổng lồ vươn ra từ các tua bin này hòa với màu mây là một cái lạ của vùng cao Đà Lạt dành cho du khách phương xa.

Nhưng chưa hết, còn có thể gây ngạc nhiên hơn nữa là chuyện các cánh quạt đó có thể được sử dụng thay thế… đồng hồ trong một số trường hợp. Trên một chiếc xe chở du khách thăm Đà Lạt đầu tháng này, bác tài chỉ vào các cánh quạt nằm bất động nói: “Vậy là chưa đến giờ rồi! Đến giờ thì cánh quạt mới quay”, bác tài khẳng định. Điện gió ở khu này chỉ chạy theo giờ. Sao vậy ta?

Với những ai theo dõi điện gió ở xứ mình, chuyện tua bin chạy theo giờ hay thậm chí nằm yên cũng không phải là lạ lắm. Nguyên nhân lớn nhất là do… giá điện.

Báo chí đưa tin thứ Hai tuần này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức hội nghị với các nhà đầu tư năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió, nhằm bàn thảo tìm ra cơ chế đàm phán giá điện chuyển tiếp.

Được biết trước đây, các dự án năng lượng tái tạo, như điện gió và điện mặt trời, được hưởng nhiều ưu đãi. Nhưng sau đó, theo cơ quan chức năng, “cơ chế ưu đãi trước đây được thực hiện trong thời hạn nhất định”(1) và vì thế “…sau khi hết giá ưu đãi (giá FIT), sẽ phải thực hiện theo cơ chế chuyển tiếp”(2) (nghĩa là giá phải thấp hơn).

Rắc rối phát sinh từ đây, khi hai bên gồm nhà đầu tư điện gió (bên bán) và ngành điện Việt Nam (bên mua) chưa thể đồng thuận về mức giá. Thế nên, nhiều tua bin điện gió phải nằm không hay hoạt động cầm chừng.

Với những khoản tiền đã bỏ ra rất lớn (mỗi tua bin cần đến hơn 150 tỉ đồng), các nhà đầu tư điện gió đã cầu cứu Chính phủ và Chính phủ cũng đã chỉ đạo cấp thẩm quyền đàm phán giải quyết.

Thực tình mà nói, bên mua – gồm EVN là người mua trực tiếp và cơ quan chủ quản là Bộ Công Thương, có trách nhiệm chính trong vấn đề này – đã tỏ ra sẵn sàng đàm phán. Tuy nhiên, mấy năm đã trôi qua, kết quả đạt được dường như rất ít.

Theo một nhà đầu tư điện gió, một mặt, dù Bộ Công Thương vẫn yêu cầu EVN đàm phán giá điện, đến nay phương pháp tính giá vẫn chưa có(3).

Mặt khác, phía EVN cho rằng để triển khai hợp đồng mua bán, Bộ Công Thương cần nghiên cứu quy định về phương pháp tính giá điện(4).

Về phía nhà đầu tư, theo EVN, hiện chỉ có duy nhất một trong số 85 chủ đầu tư điện gió đã nộp hồ sơ đàm phán giá. Vì thế, EVN cho rằng các nhà đầu tư cần nhanh chóng nộp hồ sơ cho công ty mua bán điện để thực hiện đàm phán giá(5).

Với tư cách là một bạn đọc, người viết nghĩ rằng câu chuyện giá điện gió này quá rối rắm, chẳng biết lỗi thuộc về phía nào. Tuy nhiên, về phía bên mua, trái banh trách nhiệm dường như đang được đá qua đá lại giữa hai chủ thể “cùng một nhà” là Bộ Công Thương và EVN. Nhà đầu tư không phải không có lý khi họ chưa mặn mà với chuyện nộp hồ sơ. Đối với họ, khi cơ chế giải quyết chưa rõ ràng, nộp hay không cũng thế mà thôi.

Tuy nhiên, có một thực tế là các nhà máy điện gió đã được xây dựng bằng một số tiền lớn từ xã hội. Ánh sáng mặt trời và gió mất đi không ai tiếc, nhưng khoản đầu tư đó không được tận dụng cũng là một dạng lãng phí của cải của xã hội.

Ngành điện mãi than chuyện thiếu vốn đầu tư cho các nhà máy điện mới và đã tìm mọi cách để có nguồn cung cấp điện bổ sung, kể cả chuyện mua điện từ nước ngoài. Nhưng khi nhà đầu tư đã bỏ vốn, chỉ riêng đàm phán giá mấy năm vẫn chưa ra khoai ra ngô!

Thiết nghĩ, cũng nên nhớ rằng Covid-19 và kinh tế thế giới ảm đạm đang tạm làm dịu cơn khát điện. Khi kinh tế hanh thông trở lại, “căn bệnh” này chắc chắn sẽ tái phát. Có điều không hiểu sao các giới chức làm điện nước nhà cứ đủng đỉnh kiểu này. Thật khó thuyết phục các nhà đầu tư mới.

Chưa kể, chúng ta chắc vẫn còn nhớ tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cam kết kéo mức phát thải ròng ở Việt Nam xuống bằng 0 vào năm 2050. Nếu không có các dự án năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió, chúng ta sẽ làm thế nào? Thủ tướng chắc không nói chơi.

Ôi thôi, gió đang chờ giá!

————-

(1), (2), (3), (4), (5)https://tuoitre.vn/nha-dau-tu-dau-long-vi-nhung-tua-bin-dien-gio-150-ti-phai-nam-im-20230320181051937.htm

2 BÌNH LUẬN

  1. Nhà nước nên cho kiểm toán EVN, nếu mọi sự rõ ràng ( giá nhập nguyên liệu, chi phí, giá mua điện mặt trời, điện gió, giá bán điện ), dù có tăng giá điện người dân vẫn vui lòng chấp nhận ,lúc đó giá mua điện gió, điện mặt trời tăng lên, nhà đầu tư cũng hài lòng và sẵn sàng đầu tư tiếp tục .Đừng quên mục tiêu của năm 2050.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới