Thứ Hai, 6/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giữ thị trường gỗ nội địa

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giữ thị trường gỗ nội địa

Minh Tâm

Giữ thị trường gỗ nội địa
Khách tham quan các gian hàng tại hội chợ – Ảnh: Minh Tâm

(TBKTSG Online) – Hôm nay, 12-11, Hội chợ Đồ gỗ và Trang trí nội thất Việt Nam – VIFA Home 2015 với chủ đề “Đồ gỗ Việt giữ vững sân nhà, không phụ thuộc hàng nhập" đã chính thức mở cửa đón khách tham quan tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Tân Bình (TPHCM).

Nhưng để đạt được mục tiêu như ban tổ chức đưa ra, các doanh nghiệp gỗ Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm để lấy lòng người tiêu dùng trên chính sân nhà mình trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt do hội nhập.

Dấu ấn đồ gỗ Việt

Trong bài phát biểu khai mạc hội chợ, ông Nguyễn Quốc Khanh, đại diện Hội Mỹ nghệ Chế biến gỗ TPHCM (Hawa), chia sẻ, hội chợ lần này được tổ chức trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của các hiệp định thương mại đã ký cũng như ASEAN sắp trở thành một cộng đồng chung vào cuối năm nay. Vì vậy, chủ đề của hội chợ lần thứ 5 này là “Đồ gỗ Việt giữ vững sân nhà, không phụ thuộc vào hàng nhập”.

Ban tổ chức xác định VIFA Home là “thành trì bảo vệ thị trường nội địa” nên đã mở rộng quy mô gian hàng, tăng cường sự phong phú đa dạng về sản phẩm trưng bày để phản ánh được tiềm năng thực tế của ngành gỗ và trang trí nội thất nước nhà, đáp ứng nhu cầu của các đối tượng khách hàng.

Ban tổ chức mong muốn qua hội chợ lần này, các doanh nghiệp tham gia sẽ để lại dấu ấn thương hiệu Việt trong lòng người tiêu dùng.

Cũng theo ông Khanh, số lượng doanh nghiệp và gian hàng tại hội chợ năm nay đều tăng so với năm ngoái (7-9%) là một minh chứng thế hiện sự tự tin của doanh nghiệp trong việc xác định chỗ đứng của mình tại thị trường nội địa. Trong số này có các doanh nghiệp đến từ nhiều tỉnh thành, từ miền Bắc, miền Nam đến miền Trung, Tây Nguyên.

Theo ban tổ chức, trong 5 năm qua, Hawa đã nỗ lực tuyên truyền quảng bá cho các sản phẩm đồ gỗ nội thất sản xuất tại Việt Nam và ngày càng nhận được sự quan tâm từ người tiêu dùng. Theo xu hướng đó, các nhà sản xuất cũng dần tập trung hơn vào thị trường trong nước bằng cách mở thêm các cửa hàng bán sản phẩm cho thị trường nội địa với các sản phẩm chất lượng tốt và giá cả phải chăng.

Đây là một sự chuẩn bị để khi Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN hình thành vào cuối năm nay – khi rất nhiều loại hàng hóa của các nước được nhập khẩu với thuế suất bằng 0% – thì đồ gỗ Việt Nam vẫn giữ được chỗ đứng trên sân nhà.

Các sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam dần chinh phục được người tiêu dùng trong nước. Ảnh: Minh Tâm

Theo ghi nhận của TBKTSG Online, các doanh nghiệp năm nay đã mang đến hội chợ rất nhiều mẫu thiết kế, sản phẩm mới, đẹp mắt và đa dạng về chất liệu. Bên cạnh đó, trong khuôn khổ hội chợ, nhiều doanh nghiệp còn thực hiện hàng loạt chương trình giảm giá hấp dẫn cho người tiêu dùng. Chẳng hạn, có những bộ bàn ăn bốn ghế giá giảm còn gần 3 triệu đồng hay những bộ nội thất phòng ngủ gồm giường, tủ, kệ… được giảm tới 39%… Không khí hội chợ cũng khá náo nhiệt khi lượng khách đến tham quan trong ngày đầu tiên khá nhiều.

Nhiều việc phải làm để giữ thị trường

Ban tổ chức cho biết, để giữ thị trường Việt cho hàng Việt trước làn sóng hàng ngoại nhập không thuế, các doanh nghiệp đầu ngành cần phải liên kết, nâng cao tính cạnh tranh của các sản phẩm trong nước so với hàng nhập khẩu.

Đặc biệt, mối quan hệ giữa nhà sản xuất với các doanh nghiệp phân phối và các nhà tư vấn kiến trúc, thiết kế nội thất cần được thiết lập và ngày càng bên chặt để tạo ra chuỗi liên kết hoàn chỉnh, giúp tạo ra các sản phẩm tốt nhất từ nhà máy đến người tiêu dùng với giá hợp lý.

Trao đổi với TBKTSG Online, ông Bùi Trọng Nghĩa, Giám đốc Kỹ thuật của Công ty TNHH Cơ khí Công Nông nghiệp, thành viên hội đồng của Công ty Bùi Văn Ngọ, chia sẻ, Bùi Văn Ngọ mới tham gia vào thị trường gỗ được 5-6 năm nay. Và trong thời gian qua, 70% hàng là xuất khẩu sang các thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản. 30% còn lại phục vụ thị trường nội địa và luôn ở trạng thái “hàng sản xuất không kịp bán”.

Theo ông, để phát triển được ở thị trường nội địa, bên cạnh những yếu tố như năng lực sản xuất, kênh phân phối thì quan trọng nhất vẫn là chất lượng sản phẩm đảm bảo, đồng đều và mẫu mã đa dạng, đúng theo kiểu “tốt gỗ nhưng cũng phải tốt nước sơn”.

“Giá cũng quan trọng nhưng giá tương xứng với chất lượng thì người tiêu dùng sẽ chấp nhận”, ông Nghĩa nói.

Ông Nghĩa cũng cho biết, theo góc nhìn của ông, các sản phẩm đồ gỗ trong nước hiện có mẫu mã đa dạng. Tuy nhiên, điểm yếu là chất lượng không đồng đều. Có những doanh nghiệp cứ có nhiều đơn hàng là lại giảm chất lượng, không còn giữ được như ban đầu, vì nhiều lý do. Ông Nghĩa cho rằng, tư duy làm ăn như vậy đã cũ, không còn thích hợp với môi trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay. Đó là kiểu làm ăn lợi trước mắt nhưng hại lâu dài.

Ông Vũ Tiến Thập, Giám đốc Công ty cổ phần Nội thất D’Furni, thì cho rằng Việt Nam hiện đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu đồ gỗ, và điều này cho thấy nhà sản xuất Việt Nam rất giỏi. Vậy nhưng, Việt Nam lại chỉ mạnh ở hai mảng là gỗ tự nhiên và mỹ nghệ, trong khi kênh phân phối không mạnh nên giá từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng bị đẩy lên quá cao. Thêm vào đó, nhiều nhà sản xuất không thực sự quan tâm thị trường nội địa vì chủ yếu vẫn đang gia công xuất khẩu.

“Chúng tôi vẫn có thể nhập khẩu một cái ghế từ nước ngoài, trong khi lấy hàng từ doanh nghiệp nội địa từ 100 – 200 sản phẩm/đơn hàng còn khó vì họ toàn sản xuất công nghiệp, số lượng lớn…” ông Thập kể. Vì vậy, theo ông Thập, khó lòng cải thiện được bức tranh, thực trạng của thị trường gỗ là người Việt Nam không được xài những sản phẩm tốt do doanh nghiệp Việt sản xuất với giá tốt.

Ông Thập cũng bày tỏ, mọi chuyện sẽ càng tệ hơn khi các ông lớn về phân phối, bán lẻ nội thất lớn như Ikea vào thị trường hay Uma có hàng trăm cửa hàng hoặc Index Living Mall trực tiếp kinh doanh. Lúc đó, phần nội thất cơ bản (vốn chiếm thị phần lớn, được tiêu thụ bởi tầng lớp trung lưu) sẽ bị các đại gia bán lẻ này lấy hết.

Trong khi đó, một vài nhà bán lẻ đồ gỗ, nội thất của Việt Nam lại không còn mặn mà với thị trường, chuyển sang kinh doanh mảng khác hoặc chỉ coi bán lẻ là một mảng rất nhỏ.

Vì vậy, theo ông Thập, các nhà sản xuất nội địa cần đầu tư phát triển kênh phân phối và thực hiện truyền thông để người tiêu dùng biết và tin dùng sản phẩm Việt Nam.

“Trong các nhãn hàng mà chúng tôi đang kinh doanh, có những nhãn hàng chúng tôi lấy đến 60% từ các nhà sản xuất nội địa. Và thị trường phản ứng rất tốt. Điều đó cho thấy không phải là nhu cầu mà là cách làm thị trường như thế nào,” ông Thập khẳng định.

Xem thêm:

Hội chợ Vifa Home 2015 tìm giải pháp để giữ vững sân nhà

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới