Thứ Hai, 13/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Góp phần định hướng phát triển ngành dệt may và da giày

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Góp phần định hướng phát triển ngành dệt may và da giày

Quang cảnh lễ trao giải “Doanh nghiệp tiêu biểu ngành dệt may Việt Nam” năm 2008 tại Hà Nội. Ảnh: Quốc Tuấn.

(TBKTSG) – Năm 2009 là năm thứ 6 Thời báo Kinh tế Sài Gòn và Hiệp hội Dệt may Việt Nam phối hợp tổ chức cuộc bình chọn “Doanh nghiệp tiêu biểu ngành dệt may Việt Nam” và đây cũng là năm đầu tiên có sự tham gia của Hiệp hội Da giày Việt Nam, vì thế Ban tổ chức đã quyết định đổi tên là cuộc bình chọn “Doanh nghiệp tiêu biểu ngành dệt may và ngành da giày Việt Nam”. Theo đó, Hiệp hội Da giày Việt Nam sẽ tham gia vào Ban tổ chức cuộc bình chọn.

Cuộc bình chọn năm nay được tổ chức trong bối cảnh đặc biệt khi cả thế giới đang lâm vào cuộc khủng hoảng tài chính và nước ta đang phải đối phó với nhiều vấn đề phức tạp. Ngành dệt may và ngành da giày Việt Nam mặc dù có nhiều cơ hội phát triển nhưng vẫn phải chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ bối cảnh chung của nền kinh tế thế giới, đồng thời phải chịu áp lực cạnh tranh khốc liệt ở thị trường nội địa.

Qua các kỳ bình chọn trước đây, các đơn vị bảo trợ (Bộ Công Thương và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), cũng như công luận đã đánh giá chương trình này không phải là một cuộc bình chọn mang tính hình thức, phong trào, mà thực sự có tính sàng lọc, biểu dương xứng đáng những doanh nghiệp tiêu biểu.

Trong nhiều năm trước, cuộc bình chọn đã có sự tham gia của ngành công nghiệp dệt may với tổng số gần 2.000 doanh nghiệp; nay lại có thêm sự tham gia của ngành da giày với gần 500 doanh nghiệp, đã tạo nên một sân chơi rộng lớn và hấp dẫn hơn.

Trong năm năm qua, Ban tổ chức đã trung thành với mục đích lựa chọn những doanh nghiệp có hiệu quả kinh doanh trong năm tốt và có năng lực cạnh tranh cao trong dài hạn để biểu dương và làm hình mẫu tiêu biểu rút kinh nghiệm cho toàn ngành. Có thể nói rằng cuộc bình chọn này đã góp phần tích cực vào định hướng phát triển ngành công nghiệp lớn của cả nước.

Phương pháp chủ yếu được áp dụng trong việc lựa chọn và xây dựng các tiêu chí bình chọn là: Vai trò và tính định lượng – tính có thể so sánh được một cách minh bạch – của mỗi tiêu chí . Với mục đích và hệ thống tiêu chí áp dụng trên, cuộc bình chọn sẽ góp phần tốt hơn nữa vào định hướng phát triển cho cả hai ngành công nghiệp lớn là dệt may và da giày.

Lễ trao giải “Doanh nghiệp tiêu biểu ngành dệt may và ngành da giày Việt Nam” sẽ được tổ chức vào cuối tháng 9-2009 tại Hà Nội.

Ban Tổ chức cuộc bình chọn

 

Danh hiệu và phương pháp bình chọn

Được sự bảo trợ của Bộ Công Thương và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã tổ chức cuộc bình chọn “Doanh nghiệp tiêu biểu ngành dệt may Việt Nam” từ năm 2004 với mục đích phát hiện doanh nghiệp tiêu biểu nhằm biểu dương, góp phần vào định hướng phát triển của ngành dệt may Việt Nam trong từng giai đoạn. Năm nay, cuộc bình chọn sẽ được mở rộng cho các doanh nghiệp ngành da giày Việt Nam với sự tham gia tổ chức của Hiệp hội Da giày Việt Nam (LEFASO).

1- Danh hiệu bình chọn

Doanh nghiệp được bình chọn các danh hiệu sau đây:

Doanh nghiệp tiêu biểu toàn diện: là Top 10 doanh nghiệp tiêu biểu trong năm, vừa đạt kết quả kinh doanh cao, vừa có năng lực cạnh tranh trong dài hạn của các ngành dệt may và da giày (dệt may 5, da giày 5). Trong số này sẽ lựa chọn doanh nghiệp tiêu biểu nhất của mỗi ngành.

Xưởng sản xuất tiêu biểu: Là các xưởng sản xuất tiêu biểu nhất theo từng nhóm sản phẩm, cụ thể:

– Ngành dệt may có các xưởng (1) kéo sợi, (2) dệt, (3) in nhuộm hoàn tất, (4) may;

– Ngành da giày có các xưởng (1) sản xuất đế, (2) cắt dập, (3) may, (4) gò dán hoàn tất.

Sẽ xem xét về tổ chức sản xuất trên các mặt: (1) năng suất lao động, (2) chất lượng sản phẩm, (3) khả năng đáp ứng nhanh, (4) mối quan hệ lao động, (5) vệ sinh và môi trường tốt.

Doanh nghiệp tiêu biểu từng mặt: là doanh nghiệp có một số kết quả kinh doanh tốt hoặc có một hoặc nhiều trong số các yếu tố cấu thành năng lực cạnh tranh trong dài hạn. Các yếu tố cấu thành năng lực cạnh tranh được đưa ra bình chọn có thể thay đổi tùy theo bối cảnh thị trường trong từng giai đoạn.

Trong bối cảnh cạnh tranh ngành dệt may và da giày hiện nay, Ban tổ chức sẽ lựa chọn bình xét danh hiệu Doanh nghiệp tiêu biểu từng mặt sau đây:

Về kết quả kinh doanh: Các mặt tiêu biểu thể hiện kết quả hoạt động của doanh nghiệp trong năm. 

1- Hiệu quả kinh doanh cao 

2- Xuất khẩu tốt 

3- Chiếm lĩnh thị trường nội địa

Về năng lực cạnh tranh: Các mặt tiêu biểu thể hiện tầm nhìn và năng lực lãnh đạo trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay.

4- Thương hiệu mạnh

5- Trách nhiệm xã hội tốt

6- Môi trường lao động tốt

7- Áp dụng tốt công nghệ thông tin

8- Phát triển mặt hàng có tính năng khác biệt cao

9- Sản xuất nhiều vải xuất khẩu và phục vụ xuất khẩu.

Riêng hai tiêu chí 8 và 9, ngành da giày sẽ không tham gia bình chọn trong năm 2009.

2- Phương pháp bình chọn

Đối với danh hiệu Doanh nghiệp tiêu biểu từng mặt

Mỗi mặt tiêu biểu nói trên được chấm điểm theo các tiêu chí cụ thể, được tính theo trọng số và có tổng điểm tối đa là 10 điểm. Đối với các tiêu chí có tính định lượng thì dùng số liệu báo cáo của doanh nghiệp có xác nhận hoặc kiểm tra của cơ quan chức năng có liên quan. Đối với các tiêu chí định tính thì Ban giám khảo sẽ tổ chức các tổ tư vấn phù hợp để phúc tra, đánh giá lại phần đăng ký của doanh nghiệp. Ngoài ra, kết quả của các cuộc bình chọn doanh nghiệp trong năm do các tổ chức có uy tín như Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Tổng cục Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng, Thời báo Kinh tế Việt Nam, báo Sài Gòn Tiếp thị… cũng sẽ được tham khảo sử dụng trong việc chấm điểm.

Ban tổ chức sẽ lựa chọn từ 3-5 doanh nghiệp có điểm cao nhất ở từng mặt nói trên để trao danh hiệu.

Đối với danh hiệu Doanh nghiệp tiêu biểu toàn diện

Mỗi ngành sẽ bình chọn ra năm doanh nghiệp là những doanh nghiệp có số điểm tổng hợp cao nhất từ trên xuống từ các mặt sau đây:

Ngoài ra, các doanh nghiệp vi phạm một trong các nội dung sau đây sẽ không được bình xét là doanh nghiệp tiêu biểu toàn diện:

– Có nợ quá hạn với các tổ chức tín dụng, cơ quan thuế, cơ quan bảo hiểm xã hội. 

– Doanh nghiệp vi phạm quy định hành chính trong các nghiệp vụ của mình ở mức nghiêm trọng.

Doanh nghiệp tiêu biểu nhất trong năm:

Là doanh nghiệp có điểm cao nhất trong top các doanh nghiệp được chọn tiêu biểu toàn diện ở mỗi ngành dệt, may và da giày.

Xưởng sản xuất tiêu biểu:

Là xưởng đạt điểm cao nhất trong nhóm các xưởng sản xuất được bình chọn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới