Chủ Nhật, 1/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Hai cái khó của kích cầu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hai cái khó của kích cầu

Để gói kích cầu của chính phủ đạt hiệu quả cao và mang nhiều ý nghĩa, cần tính toán để hỗ trợ một cách thiết thực cho những đối tượng có thu nhập thấp như công nhân, nông dân… Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Khi nền kinh tế bị suy giảm tổng cầu, việc áp dụng các chính sách tài khóa nới lỏng bằng các biện pháp tăng chi tiêu của Chính phủ hoặc giảm thuế để nhằm tăng nhu cầu của nền kinh tế, kích thích sản xuất là cần thiết và hợp lý.

Tuy vậy, việc một nền kinh tế tính toán để tăng bao nhiêu lượng chi tiêu của Chính phủ và sử dụng nguồn đó như thế nào cho hợp lý, hiệu quả là một bài toán rất khó.

Khó lượng hóa tổng cầu cần bù đắp

Ngày 2-12-2008 Chính phủ vừa đưa ra thông báo về việc sử dụng gói kích cầu trị giá 1 tỉ đô la nhằm kích cầu đầu tư và kích cầu tiêu dùng. (Hiện cũng đã có thông tin một gói kích cầu khác trị giá đến 6 tỉ đô la Mỹ sẽ được công bố vào cuối tháng 12). Tuy vậy, cũng có nhiều ý kiến thắc mắc, tại sao lại là 1 tỉ đô la? Tại sao không phải là 2 hay 3 tỉ hoặc tại sao không phải là 0,5 tỉ?

Việc xác định hiện tổng cầu đã giảm đi bao nhiêu so với sức sản xuất bình thường của nền kinh tế khi nó bị suy giảm là rất khó, rất phức tạp.

Đối với các nền kinh tế đang phát triển như nước ta, việc “tung” ra một lượng tiền để kích cầu lại cần phải bàn kỹ hơn bởi năng lực của ngân sách là rất hạn chế. Chúng ta huy động 1 tỉ đô la nói trên từ khoảng 20 tỉ đô la dự trữ ngoại tệ hiện nay, nhưng việc xác định con số 1 tỉ đô la đó chủ yếu là do năng lực tài chính của nước ta chứ không phải là do xác định được nền kinh tế hiện cần bù đắp 1 tỉ đô la.

Lượng tiền để kích cầu nền kinh tế nói trên chỉ chiếm khoảng hơn 1,2% tổng GDP của cả nước. Nếu đánh giá biến động chung của tổng cầu trong nước do các tác động bên trong cộng thêm sự tác động của kinh tế thế giới làm giảm tổng cầu, thì mức độ bị ảnh hưởng của chúng ta so với một số nền kinh tế có độ mở tương đương như Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan là tương đương.

Thậm chí, tổng cầu nước ta có xu hướng giảm đi nhiều hơn, bởi nước ta còn chịu thêm sự tác động của việc lạm phát gia tăng ở mức cao trước khi bị suy giảm.

Như vậy, nếu so với gói 600 tỉ đô la mà Chính phủ Trung Quốc đưa ra (khoảng 5% so với tổng GDP) thì rõ ràng con số 1 tỉ (khoảng 1,2% tổng GDP) của chúng ta khiêm tốn hơn nhiều.

Một số căn cứ để xác định lượng tổng cầu suy giảm hiện nay là căn cứ vào tốc độ tăng trưởng GDP ở trạng thái bình thường, đối với Trung Quốc là trên 10%, đối với Việt Nam là từ 7,7-8%. Kết hợp với quy mô nền kinh tế và tốc độ tăng trưởng hiện tại (khoảng 6%), và dự báo xu hướng giảm trong thời gian tới (khoảng trên 4-5% như một số dự báo quốc tế gần đây) thì điều này có thể là căn cứ để tung ra một lượng tiền để bù đắp sự giảm sút của nhu cầu, qua đó ngăn chặn sự đi xuống của tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, đây cũng là một biện pháp mang tính ước lượng và không đảm bảo tính chính xác cao.

Trong trường hợp suy giảm nền kinh tế, lãnh đạo các nền kinh tế thường đối phó bằng cách tăng chi tiêu của Chính phủ như là một gói giải pháp có tính nhạy bén nhất. Việc này, thường được xác định không phải từ việc biết được chính xác tổng cầu giảm bao nhiêu mà thường dựa vào mục tiêu của “gói giải pháp” đó là gì? Sau đó, trên cơ sở tính toán nguồn lực của nền kinh tế (ngân sách, dự trữ ngoại tệ…) để đưa ra quyết định sẽ sử dụng bao nhiêu tiền nhằm “giải cứu” nền kinh tế.

Tuy vậy, việc này thường tạo ra hai hiệu ứng, đó là hiệu ứng khuếch đại và hiệu ứng lấn át. Hiệu ứng khuếch đại xảy ra vì kích cầu thúc đẩy sản xuất của doanh nghiệp, làm tăng thu nhập và qua đó làm tăng chi tiêu của người dân. Tuy vậy, nó cũng tạo ra hiệu ứng lấn át, đó là việc nguồn lực tài chính của một nền kinh tế mà đáng lẽ có một phần được dành cho các doanh nghiệp thì nay bị Chính phủ “hút” đi để bù đắp ngân sách cho việc tăng chi tiêu để kích cầu qua việc phát hành trái phiếu có mức lãi suất hấp dẫn hơn so với lãi suất ngân hàng. J.M. Keynes khi đưa ra lý thuyết kích cầu cũng thừa nhận khó khăn trong việc xác định liều lượng chính sách cần thiết bởi những yếu tố nói trên.

Sử dụng như thế nào?

Bên cạnh khó khăn trong việc xác định sự giảm sút của tổng cầu là bao nhiêu thì việc sử dụng lượng tiền dùng để kích cầu hiện nay đối với nền kinh tế cũng là vấn đề không dễ.

Trong điều kiện nguồn lực của ngân sách là có hạn, dự trữ ngoại tệ không nhiều, ngân sách nhà nước hàng năm vẫn thâm hụt ở mức xấp xỉ 5% GDP thì việc dùng 1 tỉ đô la nhằm đạt được mục tiêu kích thích sản xuất và tiêu dùng là vấn đề rất khó.

Trong khi đối tượng chịu tác động lớn nhất là những người thu nhập thấp bao gồm công nhân tại các khu công nghiệp, người nghèo tại các vùng nông thôn rất cần được cứu trợ vì thu nhập của họ bị giảm đi do quá trình sản xuất không được duy trì thì việc tính toán để những đối tượng này được hưởng lợi trực tiếp là hết sức cần thiết. Tuy vậy, việc sử dụng nguồn tiền trực tiếp vào khu vực này thường khó thực hiện và không mang lại hiệu quả cao trong kích cầu.

Chiếm tỷ lệ hơn 90% các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng là đối tượng chịu tác động rất lớn của suy giảm kinh tế. Nhiều doanh nghiệp đã phá sản, đã sa thải nhân công. Một số doanh nghiệp tuy vẫn duy trì hoạt động nhưng đang đứng trước nguy cơ giải thể hoặc làm ăn thua lỗ, nhiều công ty sản xuất đang ứ đọng hàng hóa và hiện chưa biết tiêu thụ như thế nào? Tuy vậy, việc đánh giá chính xác mức độ thiệt hại của các doanh nghiệp từ phía Chính phủ chưa được thực hiện một cách chính xác. Nếu có ý định hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp bằng các hình thức vay vốn không lãi suất hay hỗ trợ gián tiếp, cũng dễ rơi vào trường hợp “nhầm địa chỉ” đối tượng cần được hỗ trợ.

Kích cầu đầu tư thông qua việc đưa vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các công trình trọng điểm quốc gia, cơ sở hạ tầng tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa có lẽ là hướng được nhiều ý kiến ủng hộ nhất trong thời điểm hiện nay. Tuy vậy, nếu số tiền nói trên được dùng thông qua các tổng công ty, các doanh nghiệp nhà nước e rằng không đảm bảo được hiệu quả kinh tế cao và gây ra những “hiệu ứng cố hữu” đã có trong quá khứ.

Việc chi ra 1 tỉ đô la nói trên là hết sức cần thiết nhưng cũng cần hiểu gói chi tiêu này trong dự kiến của Chính phủ không nhằm mục đích thay thế toàn bộ sự giảm sút của tổng cầu trong nền kinh tế thời điểm hiện nay. Đây chỉ là một giải pháp để bù đắp một phần sự giảm sút của tổng cầu.

Trong điều kiện nguồn lực có hạn, việc quản lý đang gặp khó khăn thì cần tập trung phần tăng chi tiêu của Chính phủ vào ba nhiệm vụ mà bản thân thị trường không thể thay thế, đó là: xây dựng cơ sở hạ tầng công cộng; giải quyết công ăn việc làm; phục vụ các vấn đề an sinh xã hội, đặc biệt là người nghèo, người có thu nhập thấp.

Phần còn lại, những khó khăn của thị trường trong sản xuất và tiêu thụ, thì nên dành chức năng hỗ trợ cho chính sách tiền tệ nới lỏng, những cải cách pháp lý và các chính sách khác nhằm gián tiếp hỗ trợ doanh nghiệp.

PHAN THANH TỊNH (Bộ Kế hoạch-Đầu tư)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới