Thứ sáu, 24/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Hạn hán, xâm nhập mặn ‘chiếm sóng’ nghị trường

An Nhiên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Giải pháp căn cơ nào phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn, nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long, để nông dân có đủ nước sinh hoạt và canh tác nông nghiệp? Đây là câu hỏi được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trong phiên chất vấn ngày 4-6-2024.

Một dòng kênh ở Tiền Giang cạn nước trong mùa khô. Ảnh: N.K

Hơn bốn chục năm nghiên cứu khoa học và xâm nhập thực tế sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh phía Nam, TS. Nguyễn Đăng Nghĩa, chuyên gia nông nghiệp, “rất mừng” khi Quốc hội đưa vấn đề phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu và suy giảm nguồn nước vào chương trình chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Theo ông, biến đổi khí hậu đang diễn ra trên toàn cầu. Tại Việt Nam nói chung và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp hơn. Làm sao để nông dân có đủ nguồn nước sinh hoạt và canh tác nông nghiệp, vì thế, là vấn đề vô cùng cấp bách của quốc gia hiện nay.

Trong báo cáo gửi tới các đại biểu Quốc hội trước phiên chất vấn, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, do tác động của biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, tình hình hạn hán, thiếu nước thời gian qua ở khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên đang có xu thế gia tăng. Nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện gây thiếu nước ngọt cục bộ và thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp ở nhiều địa phương.

Bắt đầu từ năm 2025, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ công bố kịch bản nguồn nước trên các lưu vực sông liên tỉnh - đây là căn cứ để điều hòa phân bổ nguồn nước. Các bộ, UBND cấp tỉnh trên lưu vực sông dựa vào kịch bản này để lập kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước nhằm chủ động nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất của người dân.

Do tác động của biến đổi khí hậu kết hợp với khai thác thượng nguồn, xâm nhập mặn liên tục xảy ra ở ĐBSCL. Đáng chú ý, xâm nhập mặn đang có xu thế sớm hơn và mạnh hơn so với trước đây khi nước mặn vào sâu hơn 70 ki lô mét.

Trong mùa khô năm 2024, lượng nước về ĐBSCL qua Tân Châu, Châu Đốc trên sông Tiền và sông Hậu tính hết tháng 4-2024 khoảng 75 tỉ mét khối, thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 8%; riêng trong tháng 5-2024 là khoảng 11 tỉ mét khối, thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 19%. Xâm nhập mặn cao nhất vào trung tuần tháng 3-2024 và xâm nhập mặn (4g/l) sâu vào sông Tiền, sông Hậu 50-65 ki lô mét.

Theo TS. Nguyễn Đăng Nghĩa, ĐBSCL là vùng kinh tế trọng điểm, bảo đảm an ninh lương thực cho cả nước khi chiếm 12% diện tích tự nhiên, gần 20% dân số, đóng góp 17% GDP cả nước, 47% diện tích trồng lúa, 56% sản lượng lương thực, 90% lượng gạo xuất khẩu, 60% sản phẩm thủy sản xuất khẩu của cả nước.

Nếu tình trạng khô hạn và tốc độ xâm nhập mặn tiếp tục phức tạp như hiện nay thì trong những năm kế tiếp, sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL sẽ khó duy trì. Vì vậy, cần phải có những giải pháp thật căn cơ để kịp đối phó với thực tại mà ĐBSCL đã và sẽ tiếp tục phải hứng chịu.

Chung tâm tư với chuyên gia, trên diễn đàn Quốc hội sáng 4-6, nhiều đại biểu thể hiện mối quan tâm đặc biệt tới tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL khi chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Điều đại biểu mong muốn ở Bộ trưởng là các giải pháp căn cơ, hữu hiệu cho tình trạng này; nhưng mong muốn không phải lúc nào cũng thành hiện thực.

Vào cuối giờ sáng, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Cầm (Tiền Giang) vừa chất vấn, vừa nhận xét: “Cả buổi sáng, Bộ trưởng đã chia sẻ rất nhiều kế hoạch, giải pháp, quyết tâm của ngành cũng như Bộ trưởng trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh nguồn nước. Tuy nhiên, tất cả phần trao đổi và kể cả báo cáo của Bộ cũng không có nội dung nào phân tích về ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu, mất an ninh nguồn nước đối với các nhóm dễ bị tổn thương hơn trong xã hội, như phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số mà thực tế đã chứng minh đây là những đối tượng bị ảnh hưởng rất sâu sắc, nặng nề”.

Trong phần “chia lửa” sau đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, cho biết Thủ tướng đã chỉ đạo tháng 9 này Bộ phải trình Đề án tổng thể liên quan tới hạn hán, xâm nhập mặn, sụt lún và sạt lở bờ sông, bờ biển. “Đây là vấn đề tương đối lớn, cần nguồn lực rất lớn, cần đầu tư dài hơi”. Về giải pháp trước mắt, Bộ trưởng chia sẻ “bài học của Trà Vinh” - tỉnh gần như không bị ảnh hưởng từ hạn hán, xâm nhập mặn, cả về nước sinh hoạt và nước phục vụ sản xuất. Cách làm của Trà Vinh là khơi thông tất cả luồng lạch, các kênh mương rạch tự nhiên, từ cộng đồng, từ hộ gia đình.

“Tôi nghĩ ở ĐBSCL, chúng ta vừa tiếp cận từ trên xuống, vừa tiếp cận từ dưới lên. Tức là mỗi hộ gia đình, mỗi cộng đồng dân cư có cách trữ nước riêng thì nguồn lực đầu tư của Nhà nước sẽ giảm đi và chúng ta sẽ đẩy nhanh được tiến trình để hỗ trợ bà con ĐBSCL”.

Tuy phần trả lời trên hội trường của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về giải pháp phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu và suy giảm nguồn nước chưa thực sự làm hài lòng các đại biểu Quốc hội nhưng bù lại, trong báo cáo gửi tới các đại biểu trước phiên chất vấn, Bộ trưởng đã nêu ra 15 nhóm giải pháp, nhiệm vụ.

Đáng chú ý, bắt đầu từ năm 2025, Bộ sẽ công bố kịch bản nguồn nước trên các lưu vực sông liên tỉnh - đây là căn cứ để điều hòa phân bổ nguồn nước. Các bộ, UBND cấp tỉnh trên lưu vực sông dựa vào kịch bản này để lập kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước nhằm chủ động nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất của người dân.

Bộ cũng sẽ đầu tư các công trình lớn điều tiết mặn, ngọt, dâng nước, trữ nước trên hệ thống sông lớn, bổ sung nước ngọt cho vùng ven biển phục vụ dân sinh, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp, kinh tế biển khu vực ven biển; tiếp tục xây dựng các đập, hồ chứa nước lớn, công trình trữ nước phân tán, công trình chuyển nước, liên kết nguồn nước liên vùng, liên lưu vực; đầu tư nhiều hơn cho dự báo thời tiết, khí hậu. Đồng thời, nghiên cứu đề xuất các phương án tăng cường khả năng trữ nước, điều tiết nguồn nước, liên kết vùng… trên các lưu vực sông.

Theo nhận xét của TS. Nguyễn Đăng Nghĩa, các nhóm giải pháp này rất đầy đủ và đồng bộ. Vấn đề là tốc độ triển khai các giải pháp đó ra sao và hiệu quả đến đâu.

“Với diễn biến của thời tiết, khí hậu trong bốn tháng qua, sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL đang đứng trước nguy cơ kiệt quệ do hạn, mặn, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn”. Bởi vậy, hành động gấp rút để ứng phó hiệu quả với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn không phải là kêu gọi hay cam kết trên báo cáo, trong nghị trường mà là nhiệm vụ chính trị cấp bách hiện nay.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới