Thứ Hai, 13/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hành hương đất Phật

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hành hương đất Phật

Trần Ngọc Nghĩa

Tháp Đại Giác (Mahabodhi Temple). Ảnh: Ngọc Nghĩa

(TBKTSG Online) – Bodh Gaya (hay Bodhgaya) tiếng Việt là Bồ Đề Đạo Tràng, là một thành phố ở quận Gaya, Bihar, Ấn Độ. Nơi đây được gọi là đất Phật, là nơi đức Phật Thích Ca đã giác ngộ dưới cây bồ đề hơn 2.500 năm trước; là điểm hành hương mà các phật tử khắp nơi trên thế giới luôn ao ước được đến chiêm bái một lần trong đời.

Tôi đến Bodh Gaya như một cơ duyên trong một lần được học bổng của chương trình ITEC do chính phủ Ấn Độ đài thọ. Khoảng cách 1.000 km từ thủ đô New Delhi – nơi chúng tôi theo học – đến Gaya khiến cho những người lần đầu tiên đến Ấn Độ như chúng tôi đắn đo, e ngại. Tuy nhiên, tôi và một người bạn đã quyết định lên đường, vì nếu không thì sẽ rất khó có cơ hội nào hơn.

Chúng tôi đón xe điện ngầm đến ga xe lửa ở New Delhi mua vé. Khoảng một giờ tìm hiểu thông tin và đăng ký thủ tục, chúng tôi chọn mua loại vé khứ hồi giường nằm toa thường với giá 750 rupee (tương đương 280.000 đồng Việt Nam) một giá mà tôi cho là rất rẻ.

Sau hành trình hơn 18 giờ chúng tôi đến nhà ga Gaya. Rời ga Gaya, chúng tôi đón xe túc túc, một loại phương tiện công cộng như xe lam ở Việt Nam, về Bodh Gaya với giá 40 rupee/người. Mất khoảng 45 phút chúng tôi đến Bodh Gaya, một thị trấn nhỏ, yên tĩnh và nhà cửa hãy còn khá thưa thớt. Thời tiết tháng Ba ở Bodh Gaya thật mát mẻ, dễ chịu.

Chúng tôi tìm đến Việt Nam Phật Quốc tự, người Ấn Độ gọi ngôi chùa này là “Việt Nam Old Temple”, xin tá túc trong thời gian hành hương. Ngôi chùa này do thầy Huyền Diệu xây dựng cách nay khoảng 20 năm. Chùa nằm trên khu đất khá rộng, gồm một ngôi chánh điện, phía trước là một bảo tháp cao chín tầng, phía sau chùa là khu vườn cây, khu nhà bếp và khu nhà 3 tầng khang trang, dành cho phật tử tá túc hoàn toàn miễn phí.

Việt Nam Phật Quốc tự. Ảnh: Ngọc Nghĩa

Sau khi sắp xếp hành lý và dùng cơm chay buổi sáng xong, chúng tôi được chú Sáng, một phật tử từ Việt Nam sang tu học tại chùa, đưa đi thăm tháp Đại Giác (Mahabodhi Temple) nơi có cây bồ đề mà đức Thích Ca Mâu Ni đã nhập thiền và đắc đạo. Tháp Đại Giác là một kiến trúc bằng đá với một tháp trung tâm và bốn tháp nhỏ hơn nằm ở bốn góc. Tháp chính cao khoảng 50 mét và xung quanh tháp là các phù điêu hình tượng Phật. Bên trong tháp trung tâm là nơi chính điện đặt pho tượng thờ đức Phật Thích Ca.

Chúng tôi vòng ra khu vườn sau lưng tháp chiêm ngưỡng cây bồ đề. Cây bồ đề này chỉ là “hậu duệ” của cây bồ đề đầu tiên, tuy nhiên cây này cũng đã là một đại thụ hàng trăm năm tuổi, gốc cây to khoảng ba hay bốn người ôm. Mùa này, lá cây bồ đề đã rụng gần hết chỉ còn một ít lá khô, chúng tôi ngồi chờ những cơn gió thổi qua, làm rụng những chiếc lá cuối cùng và kính cẩn nhặt cất xem đây là kỷ vật trong một lần thăm vùng đất Phật cùng với niềm tin đây là phước lành mà đức Phật ban cho.

Lúc đó đã gần 2 giờ trưa nên chúng tôi quyết định quay trở về chùa Việt Nam. Do đã thấm mệt nên tất cả mọi người đồng ý đón xe túc túc về với giá 10 rupee cho mỗi người.

Sáng hôm sau, tôi dậy sớm và cùng các thầy tụng kinh. Lễ xong khoảng 5 giờ 30 sáng, tôi trở lại tháp Đại Giác. Tiết trời Bodh Gaya sáng sớm vẫn còn se lạnh và không khí trong lành. Mặt trời vừa lên treo chênh chếch trên đỉnh tháp tỏa ánh ban mai ấm áp xuống cả vùng.

Cứ ngỡ mình đi chùa như thế là sớm, nhưng khi đến nơi tôi thấy đã có rất nhiều phật tử đến trước và tất cả họ đều đang cung kính lễ Phật. Tôi ghé vội một tiệm bán hoa chọn mua hai đĩa hoa dâng Phật. Điểm khác biệt là người Ấn Độ không bán hoa còn nguyên cành lá như ở Việt Nam mà họ cắt lấy phần bông rồi xếp lên đĩa, mỗi đĩa thường gồm bốn hay năm loại hoa khác nhau như hoa hồng, hoa cúc, hoa lài… Giá mỗi đĩa hoa khoảng từ 10 đến 20 rupee, tùy loại.

Tượng đức Phật Thích Ca bên trong tháp Đại Giác. Ảnh: Ngọc Nghĩa

Rất tình cờ, sáng hôm đó còn có một đoàn phật tử Thái Lan đến hành hương. Họ mang theo hoa, các bộ áo cà sa và nhiều thứ lễ vật khác dâng cúng Phật và chúng tôi có may mắn được chứng kiến lễ dâng cà sa và xem vị sư thay áo cà sa mới cho tượng Phật.

Khu di tích hồ Mucalinda. Ảnh: Ngọc Nghĩa

Lễ xong, tôi lần lượt thăm qua các khu di tích còn lại trong khu tháp. Mỗi khu di tích mang ý nghĩa của một trong bảy tuần lễ Phật Thích Ca tiếp tục ngồi thiền dưới gốc bồ đề sau khi trải qua ba ngày, ba đêm thiền định và giác ngộ, trước khi lên đường thuyết pháp. Gây ấn tượng mạnh nhất với tôi là hồ Mucalinda, nơi có pho tượng Phật ngồi giữa hồ và con mãng xà quấn quanh đài sen, đầu ngẩng cao, hai mang phùng to che cho đức Phật. Tương truyền, trong tuần lễ thứ sáu, trời đổ mưa dông rất lớn và một con mãng xà đã đến để che mưa bão cho Đức Phật.

Trong ba ngày có mặt ở Bodh Gaya, tôi cũng viếng thăm các ngôi chùa xung quanh đó. Nhiều người gọi Bodh Gaya là “Liên Hiệp Quốc Phật tự” vì nơi này có nhiều ngôi chùa do phật tử và chư tăng đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau như Thái Lan, Campuchia, Myanmar, Trung Quốc, Nhật Bản, Nepal… riêng Việt Nam có đến bốn ngôi chùa.

Một trong những ngôi chùa do người nước ngoài mà tôi rất ấn tượng là ngôi chùa Nhật Bản. Các vị sư người Nhật đã xây dựng ngôi chùa cùng với tượng đức Phật Thích Ca ngồi, có chiều cao khoảng 20 mét, xung quanh là tượng mười vị đại đệ tử của đức Phật, có kích thước gần bằng người thật, mỗi vị mang một dáng vẻ và khuôn mặt khác nhau.

Gần đó là ngôi chùa do người Thái Lan xây dựng có mái cong vút, nhiều hoa văn chạm trổ rất công phu và được mạ vàng sáng chói trong ánh nắng. Mỗi ngôi chùa ở Bodh Gaya này đều có lối kiến trúc rất đặc thù, nhưng vẫn có nét chung mang dấu ấn kiến trúc truyền thống Phật giáo.

Chúng tôi rời Bodh Gaya với cảm giác nhẹ nhàng, mãn nguyện. Bodh Gaya, vùng đất Phật thanh bình và thiêng liêng sẽ mãi sâu trong ký ức tôi và đến nay tôi vẫn mong mỏi có dịp được trở lại Gaya.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới