(KTSG Online) - Hệ thống phân phối hàng hóa nước ngoài là một kênh xuất khẩu, quảng bá sản phẩm Việt hiệu quả.
- Tìm cách đưa hàng Việt vào kênh phân phối lớn ở nước ngoài
- Tìm cách tiếp cận thực tiễn để phân phối hàng Việt Nam tại nước ngoài
TTXVN đưa tin, đề án ‘Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030’ đang hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng, phân phối hàng hóa toàn cầu và xuất khẩu trực tiếp vào các mạng phân phối nước ngoài.
Cơ quan chức năng đánh giá, trong giai đoạn 2016-2020, đề án đã được triển khai có hiệu quả khi hàng Việt Nam xuất hiện nhiều trong các siêu thị lớn, các hệ thống phân phối tại nước ngoài.
Cụ thể, sản phẩm Việt Nam xuất khẩu vào hệ thống phân phối hiện đại ở nước ngoài, được đưa vào một số thị trường khó tính như Nhật Bản (tập đoàn Aeon), Mỹ (Walmart), Pháp và Thái Lan (Big C, Mega Market).
TTXVN dẫn thông tin theo đại diện Bộ Công Thương, từ năm 2015 đến nay, các sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam như nông sản, thực phẩm, đồ gia dụng, nội thất đã tới tay nhiều người tiêu dùng qua hệ thống phân phối trên toàn thế giới.
Để triển khai hiệu quả đề án, Bộ Công Thương tiếp tục phát triển mạng lưới các đối tác, phối hợp với các địa phương, hiệp hội ngành hàng nhằm lựa chọn đội ngũ doanh nghiệp nòng cốt để đưa vào hỗ trợ trong hoạt động của đề án.
Cùng đó, bộ hỗ trợ doanh nghiệp Việt xuất khẩu hàng hóa, bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới. Đến nay, gần 50 bộ ngành, địa phương đã gửi kế hoạch hoạt động và đầu mối phối hợp về Bộ Công Thương.