Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Học gì qua vụ tranh chấp giữa Peppa Pig và Wolfoo?

Lê Vũ Vân Anh (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Tránh né kiện tụng không có nghĩa là điều này không xảy ra. Khi Việt Nam trở thành thành viên trong các hiệp định thương mại khu vực, các doanh nghiệp nội địa, ngoài việc thâm nhập thị trường nước ngoài, cũng nên sẵn sàng cho việc trở thành một bên trong các vụ kiện tụng. Để giúp doanh nghiệp hiểu thêm về tư duy “đáo tụng đình” của các công ty nước ngoài, bài viết này sẽ phân tích vụ tranh chấp xuyên lục địa của Peppa Pig và Wolfoo(1). Việc lựa chọn vụ việc này như một ví dụ điển hình cũng dựa trên cơ sở rằng tác giả bài viết được tiếp xúc với các tài liệu gốc.

Internet đã có tác động đáng kể đến bảo hộ sở hữu trí tuệ (SHTT) cả mặt tích cực lẫn tiêu cực. Về mặt tích cực, Internet đã giúp người sáng tạo dễ dàng phân phối và tiếp thị tác phẩm cũng như tiếp cận khán giả toàn cầu. Kỳ lân “Wolfoo” của Sconnect Việt Nam là một ví dụ như vậy khi có hơn 30 triệu người đăng ký trên tất cả các kênh chính thức của Wolfoo (gần gấp 3 lần so với 11 triệu đăng ký của heo Peppa – đối thủ cạnh tranh và cũng là một bên trong tranh chấp về SHTT với Wolfoo). Chưa kể, sói Wolfoo còn nhận được hơn 1,2 tỉ lượt xem mỗi tháng trên toàn thế giới ở tất cả các kênh chính thức. Đây là một con số hết sức ấn tượng cho một doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt khi Wolfoo chỉ mới ra đời từ tháng 5-2018. Thật khó có thể tưởng tượng ra một thành công tương tự, nếu như không có sự xuất hiện của Internet.

Ở một mặt khác, thế giới online đã làm phức tạp hóa các tranh chấp về SHTT vì nhiều lý do. So với tài sản hữu hình, như nhà cửa, đất đai, xe cộ, tính vô hình của tài sản trí tuệ khiến cho việc xác lập đối tượng bảo hộ khá khó khăn và mơ hồ. Hơn nữa, vì Internet giúp cho việc phân phối nội dung kỹ thuật số trở nên rộng rãi chỉ bằng một cú nhấp chuột, việc vi phạm xuyên biên giới xảy ra thường xuyên hơn với vận tốc ánh sáng. Chưa kể, thách thức trong việc xác định đâu là quốc gia có thẩm quyền xét xử cũng không hề dễ dàng. Tranh chấp của Sconnect và EOne (chủ sở hữu heo Peppa) là một ví dụ như vậy(2), khi các bên có nhiều hơn một sự lựa chọn về quốc gia khởi kiện. Kiện ở đâu và trên cơ sở nào là một quyết định mang tính chiến lược cao của các luật sư “lão làng” khi họ cần tính đến tiền lệ xét xử của một khu vực tài phán và “trọng lượng” của bản án nơi đó. Với một chiến thắng ở các thị trường mạnh về SHTT như Mỹ, Nhật, liên minh châu Âu (EU), Anh… bên thắng cuộc có thể sử dụng bản án như một chứng cứ quan trọng để yêu cầu bên thứ ba (chẳng hạn như các nền tảng online) hành động có lợi cho họ.

Liệu “đáo tụng đình” có còn là “vô phúc”?

Hiện nay, Việt Nam là một thị trường vô cùng tiềm năng cho phát triển kỹ thuật số. Đi cùng cơ hội là những thách thức. Trong số những khó khăn mà doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt thì kiện tụng có lẽ là một trong những trở ngại mà chúng ta vẫn chưa chuẩn bị sẵn sàng. Bỏ sang một bên tính phức tạp của luật pháp quốc tế, một phần tâm lý của người Việt Nam nói riêng và một vài nước châu Á khác nói chung là khá dè dặt với tòa án. Vì vậy, người Việt thiên về các biện pháp ít đối đầu hơn như đàm phán và hòa giải. Những câu nói như “vô phúc đáo tụng đình” hay “một đời kiện, chín đời thù” phần nào phản ánh thái độ của công chúng đối với phòng xét xử.

Trong khi đó, các doanh nghiệp phương Tây đã quen thuộc với việc giải quyết tranh chấp thông qua hoạt động tố tụng. Chưa kể, trong rất nhiều trường hợp, việc theo đuổi một vụ việc không hẳn chỉ vì vấn đề thắng thua mà còn vì doanh nghiệp muốn nhận được một câu trả lời từ tòa án cho những vấn đề pháp lý còn bỏ ngỏ, để từ đó họ có thể điều chỉnh chiến lược kinh doanh. Vụ tranh chấp Peppa Pig và Wolfoo ở Vương quốc Anh có thể xem là một ví dụ như vậy, khi đây là vụ kiện liên quan đến passing-off (giả mạo) đầu tiên của nước Anh từ sau khi quốc gia này rời khỏi EU (sự kiện Brexit)(3).

Quyền tác giả: Cùng một vụ việc nhưng cơ sở khởi kiện khác nhau

Khi EOne khởi kiện Sconnect tại Nga, đơn kiện của nguyên đơn dựa trên sự giống nhau giữa hai bộ nhân vật lợn Peppa và sói Wolfoo. Lý do: EOne đã từng thắng một vụ kiện tương tự tại đất nước này khi một bên khác sử dụng hình ảnh một chú cáo giống với sói Wolfoo. Chiến lược của EOne đã có hiệu quả khi tòa án Nga, thông qua phán quyết ngày 27-12-2021, đồng ý với biện pháp khẩn cấp tạm thời mà EOne đề ra, đồng thời áp đặt nghĩa vụ đối với bị đơn và những người khác phải thực hiện một số hành động liên quan đến đối tượng tranh chấp về vi phạm quyền tác giả và quyền liên quan trong thông tin và mạng viễn thông, bao gồm cả Internet(4).

Tuy nhiên, sau khi đánh giá tình hình, EOne quyết định rút đơn ở Nga để dồn sức cho trận chiến pháp lý tại Vương quốc Anh – quê nhà của Peppa. Đây cũng là nơi mà họ có thể sử dụng chế định passing off (?) để bảo vệ cô lợn một cách hiệu quả hơn. Việc rút đơn khởi kiện mặc dù khiến cho EOne trả một số tiền phạt, nhưng đây không phải là một con số lớn so với quy mô của doanh nghiệp. Từ bỏ khởi kiện hoàn toàn khác với việc bị thua kiện. Có rất nhiều nguyên nhân khiến một bên quyết định đình chỉ việc tố tụng. Trong trường hợp của lợn Peppa, tình hình bất ổn tại Nga có ảnh hưởng không nhỏ.

Tại Vương quốc Anh, EOne không khiếu kiện dựa trên bộ nhân vật như đã làm tại Nga mà lập luận của họ tập trung vào quyền tác giả đối với (1) tác phẩm nghệ thuật là giao diện (visual representations) cũng như phong cảnh và hình nền trong các đoạn phim Peppa và (2) đoạn âm thanh (audio clips). Cho đến thời điểm EOne nộp đơn khởi kiện, không có tiền lệ nào ở Anh cho thấy các nhân vật được bảo vệ bằng quyền tác giả(5). Vì Anh là một quốc gia theo hệ thống án lệ, việc chưa có một án lệ tương tự khiến EOne cân nhắc thay đổi cơ sở khởi kiện. Đây là một quyết định khôn ngoan và có sự tính toán kỹ lưỡng.

Vào ngày 23-12-2022, tòa án Anh đã tuyên bố nước này có thẩm quyền tài phán giải quyết vụ tranh chấp. Không những vậy, thẩm phán đã đưa ra nhận định sơ bộ của mình, đó là có việc vi phạm tác phẩm nghệ thuật và đoạn âm thanh. “Phong cảnh và hình nền được mô tả trong phụ lục 2 [của nguyên đơn] trong đó hiển thị “Cảnh lợn Peppa” và “Cảnh chó sói” giống nhau một cách đáng chú ý”(6). Mặc dù phán quyết của tòa án Anh lần này chỉ liên quan đến thẩm quyền tài phán, nhận định nêu trên gây bất lợi đáng kể cho sói Wolfoo trong bước tiếp theo.

Nhãn hiệu: Khó khăn chồng chất

Trên mặt trận nhãn hiệu, cơ quan SHTT của Nga chấp nhận đơn phản đối của EOne đối với việc đăng ký nhãn hiệu Wolfoo của Sconnect. Lập luận của EOne rằng “Wolfoo” có khả năng gây nhầm lẫn cho nhãn hiệu Peppa Pig, đã được Nga đồng ý trong quyết định ngày 15-12-2022. Việc cơ quan SHTT Nga từ chối đơn đăng ký của Sconnect dựa trên các cơ sở sau: (i).Thương hiệu của Entertainment One (EOne) là một trong những thương hiệu nổi tiếng nhất ở Nga và trên thế giới; (ii). Hàng hóa và dịch vụ được gắn nhãn hiệu của Entertainment One có thị phần đáng kể trên thị trường; (iii). Các thương hiệu của Entertainment One có mức độ nhận diện thương hiệu cao đối với người tiêu dùng; (iv). Các quyền sử dụng trước của nhân vật lợn Peppa được bảo vệ bởi một loạt nhãn hiệu. Đây là yếu tố bổ sung để làm tăng khả năng phân biệt nhân vật [lợn Peppa] với tư cách là nhãn hiệu; (v). Hàng loạt nhãn hiệu của lợn Peppa đã và đang được sử dụng lâu đời tại Nga. (vi). Việc đăng ký nhân vật Wolfoo sẽ vi phạm điều 1483(6) Bộ luật Dân sự [Nga] và có thể khiến người tiêu dùng nhầm lẫn về nguồn gốc sản xuất.

Nhận định của cơ quan SHTT Nga có cơ sở khi nhân vật lợn Peppa đã đạt được sự nhận diện cao trên rất nhiều nước. Chưa kể, cô lợn còn được cấp nhãn hiệu tại Liên minh châu Âu và nước Anh, một bước pháp lý vô cùng quan trọng. Tại Việt Nam, tra cứu của tác giả bài viết cho thấy mặc dù cả hai loại nhãn hiệu “Peppa Pig, hình” và “Wolfoo, hình” chưa được cấp bảo hộ, EOne đã đi trước một bước khi nhanh chân nộp hồ sơ vào ngày 25-6-2020 trong khi Sconnect nộp đơn vào ngày 25-11-2021. Với tư cách là một đối thủ “sinh sau đẻ muộn”, rõ ràng sói Wolfoo đang gặp rất nhiều khó khăn để đăng ký tài sản trí tuệ của mình.

Sói Wolfoo phản công

Quay trở lại vụ việc tại Anh, tác giả bài viết đã có truy cập đến bản bào chữa của Sconnect đáp trả những cáo buộc vi phạm của EOne. Một phần đáng kể của tài liệu này xoay quanh thủ tục tố tụng, còn lại bị đơn bác bỏ gần như toàn bộ những lập luận của EOne, ngoại trừ việc xác nhận có sự giống nhau ở các đoạn âm thanh. Trong phạm vi bài viết, tác giả tập trung vào những lập luận như sau.

Rất thú vị, Sconnect cho rằng:

“[…] nội dung của các video Peppa Pig của Nguyên đơn chứa nội dung phản cảm, quảng bá định kiến ​​giới đã lỗi thời và hành vi phản cảm không được thừa nhận, chẳng hạn như bắt nạt và thô lỗ, trong các video của Nguyên đơn như tập phim có tựa đề “The Fire Engine” ra ngày 17-3-2019; bắt nạt và sỉ nhục người béo, như đã xuất hiện trong tập phim “The Treehouse” và “The Playground” và có nội dung khuyến khích phân biệt giới tính”(7).

Dưới góc độ xã hội, lập luận nêu trên có thể đúng (hoặc không). Tuy nhiên, luật quyền tác giả của Anh và của nhiều nước trên thế giới không yêu cầu nội dung tác phẩm phải đáp ứng những tiêu chuẩn nào để nhận được sự bảo hộ. Thẩm phán Anh trong các vụ việc về quyền tác giả luôn cẩn thận để tránh đóng vai nhà phê bình nghệ thuật. Thẩm phán Mummery trong vụ việc Sawkins v Hyperion [2005] 1 WLR 3281, đã phát biểu như sau: “Một tác phẩm có thể hoàn toàn rác rưởi và vô giá trị, nhưng nó vẫn có thể nhận được bảo hộ bản quyền”. Nói một cách khác, nội dung của tác phẩm hay hay dở, xấu hay đẹp không ảnh hưởng đến việc nó có được bảo hộ hay không(8). Một tác phẩm được bảo hộ dựa trên tính nguyên gốc (originality), tùy thuộc vào từng trường phái mà tính nguyên gốc này được hiểu là “kỹ năng, công sức, sự phán đoán” (theo diễn giải của khu vực Common Law) hay là “dấu ấn cá nhân của tác giả” (theo diễn giải của khu vực dân luật). Nhưng nhìn chung, tính nguyên gốc được hiểu là không sao chép và xuất phát từ tác giả, do tác giả tạo nên.

Ngoài ra, trong bản bào chữa, Sconnect cũng thừa nhận rằng Wolfoo được lấy cảm hứng từ lợn Peppa(9). Tuy nhiên, đội ngũ sáng tạo của Sconnect cũng có tham khảo các nguồn khác như các kịch bản phổ biến, trí tưởng tượng riêng của nhóm, các hình ảnh chung và việc thể hiện ý tưởng thông qua các cách diễn đạt khác nhau(10). Rất tiếc, lập luận này lại chưa nêu ra được các nguồn chung là nguồn nào. Điều này khác với với bị đơn BBC trong vụ việc Mitchell v BBC [2011] EWPCC 42. Lập luận của BBC chỉ ra rằng, sự tương đồng của bộ nhân vật của nguyên đơn và bị đơn đến từ nhân vật người máy truyện tranh Nhật Bản, đã được tòa án chấp nhận. Việc chỉ ra nguồn cảm hứng chung mà từ đó bộ nhân vật Wolfoo ra đời sẽ làm tăng “trọng lượng” của lập luận. Một phát biểu chung chung như trong bản bào chữa của bị đơn khó có thể làm hài lòng các thẩm phán Anh.

Lời kết

Dự kiến phiên tòa tại Vương quốc Anh ​​sẽ diễn ra vào cuối năm nay, đây là một vụ việc đáng được chờ đợi vì sự xuất hiện của rất nhiều vấn đề pháp lý, bao gồm quyền tài phán, nhắm mục tiêu thị trường, hành vi giả mạo, luật bản quyền và việc áp dụng luật nhãn hiệu của EU tại tòa án Vương quốc Anh thời hậu Brexit. Vì lợn Peppa là một thương hiệu toàn cầu trị giá hàng tỉ đô la nên chủ sở hữu của nó không ngại ngần gì mà đi đến cùng của trận chiến pháp lý. Chưa kể, thành công của Peppa đã biến nhân vật này trở thành mục tiêu hấp dẫn cho vi phạm về SHTT, dẫn đến việc EOne có rất nhiều kinh nghiệm trong kiện tụng.

Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn khá “non nớt” trong việc bảo hộ SHTT. Có lẽ đã đến lúc, doanh nghiệp không chỉ cần biết luật để tuân thủ luật chơi mà còn cần phải tiến một bước xa hơn: xem luật pháp là chiếc khiên để bảo vệ mình, nhưng khi cần cũng có thể biến nó thành kiếm để làm vũ khí tấn công đối thủ. Thay vì xem “đáo tụng đình” là “vô phúc”, doanh nghiệp Việt Nam cần thay đổi tư duy và chuẩn bị tinh thần rằng những tranh chấp về SHTT chỉ là vấn đề thời gian. Gia nhập sân chơi quốc tế đồng nghĩa với việc chúng ta cần chấp nhận một sự thật rằng kiện tụng sẽ trở thành một phần của hoạt động kinh doanh thông thường.

(*) Giảng dạy môn Luật SHTT, Khoa Luật, Đại học Oxford, Vương quốc Anh.

(1) https://thesaigontimes.vn/nuoc-anh-co-quyen-tai-phan-trong-vu-viec-peppa-pig-wolfoo/.

(2) [2022] EWHC 3295 (Ch)

(3) Về chế định passing off, bạn đọc có thể tìm hiểu thêm tại đây: https://thesaigontimes.vn/dau-truong-so-huu-tri-tue-quoc-te-cuoc-chien-o-rung-xanh/.

(4) Phán quyết số No. 2и-16635/2021 của tòa án thành phố Moscow.

(5) Tuy nhiên, tháng 6-2022, tòa án Anh, thông qua vụ việc Shazam, đã tuyên bố nhân vật được xem là tác phẩm văn chương cần được bảo hộ theo pháp luật Anh [2022] EWHC 1379 (IPEC) https://thesaigontimes.vn/kich-ban-va-nhan-vat-trong-quyen-tac-gia/?fbclid=IwAR0_YHHiQzLvz_oPYlemicK9EOrWp2F50VgZQ-Ztic5tZpvVIyBkvlvLnO4

(6) [2022] EWHC 3295 (Ch), đoạn 118.

(7) Bản bào chữa của Sconnect ngày 1/3/2023, đoạn 51.i

(8) https://thesaigontimes.vn/co-can-phai-dep-moi-duoc-bao-ve-ban-quyen/

(9) Bản bào chữa của Sconnect ngày 1/3/2023, đoạn 30.

(10) Bản bào chữa của Sconnect ngày 1/3/2023, đoạn 30.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới