(KTSG) - Việt Nam được ghi nhận là đã và đang có nhiều bước tiến trong cải cách thể chế, nhưng để hướng tới nền kinh tế có mức thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam cần nâng cao hiệu quả thực thi nhiều nội dung cải cách quan trọng.
Báo cáo Đánh giá cập nhật quốc gia Việt Nam 2021 - báo cáo định kỳ năm năm một lần của Ngân hàng Thế giới (WB) vừa phát hành giữa tháng 5 vừa qua - cho biết: Nhờ những cải cách kinh tế từ năm 1986, Việt Nam đã phát triển từ một trong những quốc gia có thu nhập thấp trở thành quốc gia thu nhập trung bình thấp.
Kể từ khi tiến hành cải cách kinh tế năm 1986-2009, sau hơn 20 năm, Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình thấp. Cụ thể, thu nhập bình quân đầu người (GNI) của Việt Nam đã tăng hơn 5 lần, đạt 1.110 đô la Mỹ vào năm 2009. Từ năm 2009 đến nay, GNI bình quân đầu người tăng 2,5 lần, GNI bình quân đầu người trong cả giai đoạn đạt khoảng 1.900 đô la/năm.
Muốn nâng cao hiệu quả thực thi cải cách thì ngoài việc đổi mới về thể chế, mấu chốt là phải có đội ngũ quan chức tài giỏi, thanh liêm, hết lòng vì sự nghiệp cải cách, vì sự giàu mạnh của đất nước, hạnh phúc của người dân.
Việt Nam đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 4.700-5.000 đô la/năm. Đến năm 2030, phấn đấu trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, thu nhập bình quân đầu người ước đạt khoảng 7.500 đô la/năm. Đến năm 2045, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 12.535 đô la/năm.
Theo Báo cáo Đánh giá cập nhật quốc gia Việt Nam 2021 nói trên, Việt Nam đã và đang có nhiều bước tiến trong cải cách thể chế, nhưng để hướng tới nền kinh tế có mức thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam cần nâng cao hiệu quả thực thi nhiều nội dung cải cách quan trọng.
Muốn nâng cao hiệu quả thực thi cải cách thì ngoài việc đổi mới về thể chế, mấu chốt là phải có đội ngũ quan chức tài giỏi, thanh liêm, hết lòng vì sự nghiệp cải cách, vì sự giàu mạnh của đất nước, hạnh phúc của người dân.
Tuy vậy, theo chuyên gia kinh tế - tài chính Michael Nguyễn Minh trên VnExpress, dựa trên Báo cáo đánh giá mức độ cạnh tranh về nhân tài trên toàn cầu (Global talent competitiveness index) của 134 quốc gia do trường đào tạo quản lý uy tín hàng đầu thế giới INSEAD đưa ra mỗi năm thì Việt Nam được xếp hạng thấp trong việc thu hút và giữ chân nhân tài.
Báo cáo INSEAD năm 2021 đánh giá Singapore đạt 79,4 điểm, xếp thứ hai toàn cầu và là quốc gia châu Á duy nhất trong nhóm xếp thứ hạng cao nhờ chính sách tổng thể về trọng dụng nhân tài vốn không ngừng được cải thiện của chính quyền Singapore từ khi lập quốc (1965) tới nay.
Thật khó để so sánh với trường hợp Nhật Bản, nhưng không thể không tự hỏi với đội ngũ quan chức nhà nước dễ gục ngã trước sự cám dỗ của đồng tiền và lợi ích riêng, lợi ích cục bộ như thế, liệu ta có “những anh hùng trong phát triển”?
Còn Việt Nam đứng thứ 82, đạt 40,85 điểm, xếp sau các nước trong khu vực như Thái Lan (68) Philippines (70) và Indonesia (82). Chương trình thí điểm thu hút nhân tài trong năm năm (2018-2022) của TPHCM, một thành phố năng động nhất nước, sẽ kết thúc vào cuối năm nay, với kết quả đáng buồn: 14 trong số 19 nhà khoa học sau khi được chiêu mộ đã rời đi, và trong ba năm gần đây không thu hút được một nhân tài nào.
Có thể nói, dựa trên bốn tiêu chí chủ yếu mà INSEAD đưa ra để đánh giá một quốc gia có thu hút, khai thác sử dụng được nhân tài hay không, gồm: Hỗ trợ (phát hiện) nhân tài; Thu hút nhân tài; Bồi dưỡng nhân tài và Giữ được nhân tài thì chính sách nhân tài của TPHCM đã thất bại.
Lại nghĩ khi đọc cuốn sách phát hành gần đây của GS. TS. Trần Văn Thọ “Kinh tế Nhật Bản - Giai đoạn phát triển thần kỳ 1955-1973”, trong đó ở phần tổng luận về giai đoạn 18 năm phát triển thần kỳ giúp Nhật Bản từ một nước đi sau bắt kịp các nước tiên tiến trong quá trình phát triển, ông đã nêu bật hai “từ khóa” như bài học từ “sự thần kỳ Nhật Bản”, đó là: Nhà nước kiến tạo phát triển và năng lực xã hội. Nhà nước kiến tạo phát triển thì lâu nay cũng đã bàn nhiều.
Còn năng lực xã hội, theo tác giả, là năng lực và tố chất của những nhân tố cấu thành xã hội, cụ thể là chính trị gia, quan chức, lãnh đạo kinh doanh, trí thức và các tầng lớp lao động. Mỗi nhân tố cấu thành phải có những nhân tố để thúc đẩy kinh tế phát triển.
Ông viết: “Tôi nghiệm thấy rằng tố chất chung nhất của chính trị gia, của quan chức, của nhà kinh doanh Nhật Bản là lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc và phải là những người có văn hóa, có giáo dưỡng”. Đặc biệt, quan chức nhà nước được xem như những “anh hùng trong phát triển”, vì tuy không đòi hỏi hy sinh như trong chiến tranh nhưng để đất nước phát triển, để cải cách thành công, họ phải có tài trí, dũng cảm (dám nhận trách nhiệm, dám vì lợi ích đất mà đương đầu với mọi khó khăn, với các nhóm lợi ích cục bộ), quên mình vì dân vì nước, trọng dụng và thu phục được người giỏi để thực hiện sự nghiệp lớn…
Viết đến đây lại liên tưởng đến những cán bộ giữ trọng trách cao trong bộ máy nhà nước thuộc Bộ Y tế, Bộ Khoa học - Công nghệ vừa bị khởi tố, bắt giam liên quan đến vụ án Công ty Việt Á và hàng loạt cán bộ lãnh đạo trung tâm phòng chống bệnh tật (CDC) các địa phương liên quan đến việc mua sắm test kit Việt Á.
Thật khó để so sánh với trường hợp Nhật Bản, nhưng không thể không tự hỏi với đội ngũ quan chức nhà nước dễ gục ngã trước sự cám dỗ của đồng tiền và lợi ích riêng, lợi ích cục bộ như thế, liệu ta có “những anh hùng trong phát triển”? Mất hơn 20 năm để đất nước đạt được vị trí quốc gia có thu nhập trung bình thấp, vậy sẽ cần bao nhiêu năm nữa để đất nước vươn lên vị trí cao hơn trên bảng xếp hạng GNI nếu không có biến chuyển nhanh, mạnh trong đội ngũ quan chức nhà nước - những người hơn ai hết có nhiệm vụ đưa các chủ trương cải cách đến thành công?