Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hơn 30 doanh nghiệp muốn làm dự án điện từ rác

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hơn 30 doanh nghiệp muốn làm dự án điện từ rác

Văn Nam

(TBKTSG Online) – TPHCM mỗi ngày thải ra gần 8.500 tấn rác thải sinh hoạt và lượng rác này được ví như nguồn nguyên liệu để các doanh nghiệp môi trường thực hiện các dự án điện năng từ việc đốt rác. Theo thống kê của cơ quan chức năng, có 34 nhà đầu tư trong và ngoài nước đề xuất được triển khai các dự án xử lý, cải tạo, đốt rác phát điện tại thành phố.

Hơn 30 doanh nghiệp muốn làm dự án điện từ rác
Dự án đốt rác phát điện thí điểm tại Gò Cát, quận Bình Tân, TPHCM. Ảnh: Văn Nam

Hiện nay, toàn bộ lượng rác thải sinh hoạt của thành phố được xử lý bởi các doanh nghiệp gồm: Công ty cổ phần Vietstar, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa, Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị thành phố với tổng lượng rác mỗi ngày là 8.000-8.500 tấn.

Được biết, để đẩy mạnh việc xử lý rác thải bằng công nghệ hiện đại, chính quyền thành phố đang kêu gọi các nhà đầu tư xử lý rác thải bằng công nghệ đốt tạo nhiệt năng phát điện.

Theo ghi nhận của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ngoài các doanh nghiệp nói trên, hiện đang có 34 doanh nghiệp trong và ngoài nước khác đang đề xuất các dự án cải tạo bãi chôn lấp, xử lý bằng công nghệ đốt phát điện. Trong đó, có các nhà đầu tư nước ngoài áp dụng công nghệ hiện đại như Trisun Green Energy Corporation, Hitachi Zosen (Nhật Bản), Liên danh công ty Keppel – Tiến Phước (Singapore), Naavovo Energy INC (Canada), Sudokwon SLC (Hàn Quốc) …

Dự kiến vào ngày 26-1, UBND TPHCM sẽ tổ chức một hội nghị chuyên đề về kêu gọi đầu tư xử lý rác bằng công nghệ đốt phát điện đến năm 2025 với sự tham gia của đại diện 18 tỉnh thành phía Nam, các nhà đầu tư và các nhà khoa học trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn.

Trên thực tế, hiện đã có doanh nghiệp đầu tư thí điểm dự án đốt rác phát điện tại TPHCM và đã kết nối với hệ thống lưới điện quốc gia để phát điện.

Theo ông  Đồng Minh Toàn, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu tổng hợp Bình Phước, cho biết công ty ông đã đầu tư hơn 30 tỉ đồng cho Công ty TNHH Thủy lực – Máy (một doanh nghiệp khoa học công nghệ chuyên về xử lý rác thải thành năng lượng) thực hiện một dự án thí điểm tại bãi rác Gò Cát.  

Theo ông Toàn tính toán, mỗi kWh điện được ngành điện mua với giá khoảng 2.200 đồng, cộng với nguồn thu từ chi phí xử lý chất thải công nghiệp được các chủ nguồn thải chi trả, thì khả năng thu hồi vốn là khả thi. “Qua tính toán ban đầu, tôi dự định sẽ tiếp tục nâng công suất dự án điện rác tại Gò Cát để có thể xử lý khoảng 1.000 tấn rác/ngày”, ông Toàn nói.

Quyết định 31/2014/QĐ-TTg năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn quy định: ngành điện sẽ có trách nhiệm ký hợp đồng mua điện liên tục trong 20 năm đối với các dự án đốt rác phát điện với giá mua điện 10,05 cent/kWh. Ngoài ra, dự án đốt rác phát điện, theo quy định tại quyết định 31, nhà đầu tư sẽ được hưởng các ưu đãi về thuế nhập khẩu thiết bị, miễn giảm tiền thuê đất…

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới