Thứ Sáu, 31/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hy vọng một năm “bình thường mới”

Nguyễn Vũ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Đại dịch Covid-19 làm bức tranh kinh tế thế giới năm 2021 có nhiều méo mó, rất khó hình dung một cách tổng thể. Những méo mó có thể kể ra gồm tắc nghẽn chuỗi cung ứng hàng hóa khắp nơi, khởi đầu bằng một hình ảnh mang tính biểu tượng: con tàu container Ever Given mắc cạn ở kênh đào Suez, Ai Cập hồi tháng 3 và sau đó là hình ảnh hàng trăm con tàu phải nằm ngoài khơi chờ đến lượt vào các cảng biển của Mỹ.

Năm 2021 cũng đánh dấu một năm công nhân khắp thế giới bỏ việc hàng loạt, gây thiếu hụt nhân lực ở nhiều công ty. Giá nhiên liệu tăng cao, thu nhập của đại đa số người dân giảm sút, bóng ma lạm phát quay trở lại trong khi giá tài sản, kể cả chứng khoán, địa ốc và nhiều loại tài sản ảo tăng vọt.

Vì thế, kỳ vọng của mọi người là “liệu kinh tế thế giới có trở về bình thường trong năm 2022” như tựa đề một bài viết trên tờ Economist. Để trở về bình thường điều đầu tiên thói quen mua sắm của người dân phải thay đổi. Do phải giãn cách, mức tiêu thụ hàng hóa đủ loại tăng vọt, ví dụ mức tiêu thụ hàng của dân Mỹ vào mùa hè vừa rồi tăng 7% so với mức trước đại dịch trong khi mức tiêu xài cho dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, du lịch, giải trí giảm sút đáng kể. Chỉ khi người dân chuyển một phần chi tiêu từ hàng hóa vật lý sang dịch vụ thì nhiều ngành nghề mới quay về trạng thái bình thường.

Một sự dịch chuyển như thế sẽ giải quyết tình trạng nhiều người bỏ việc, nhất là trong khu vực dịch vụ. Các ngành nghề như ăn uống có phục hồi thì thu nhập của nhân viên mới cải thiện. Đồng thời khi việc mua sắm mang tính tích trữ không còn xảy ra thì tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng sẽ được giải quyết. Hai xu hướng này cũng có thể làm dịu áp lực lạm phát từ giải quyết mất cân đối cung cầu hàng hóa đến cải thiện thu nhập cho người làm công ăn lương. Tình trạng méo mó do các dòng tiền rẻ tràn ngập thị trường làm tăng giá tài sản cũng sẽ dịu đi trong năm 2022 nếu ngân hàng trung ương các nước tăng lãi suất và cắt giảm các gói giải cứu.

Một dự báo khác cũng trên tờ Economist cho rằng lạm phát sẽ giảm đà tăng trong năm 2022 và nỗi lo lạm phát từng chiếm lĩnh tâm trí của nhiều nhà kinh tế trong năm 2021 sẽ dần biến mất. Nhờ nhu cầu nhiên liệu giảm từ đầu năm, rồi sản xuất dầu lại tăng và kinh tế Trung Quốc chững lại, giá nhiên liệu được dự báo sẽ đi ngang rồi giảm dần trong năm 2022, bắt đầu từ mùa xuân sắp tới. Các vấn đề do tắc nghẽn đường vận tải biển sẽ mất thời gian giải quyết lâu hơn nhưng dự báo cho rằng khi các tấm séc trợ cấp giảm dần thì mức chi tiêu của người dân cũng giảm theo.

Những dự báo cho nền kinh tế thế giới trong năm 2022 phụ thuộc rất nhiều vào tình hình đại dịch Covid-19. Nhiều dự báo cho rằng thế giới sẽ bước vào năm thứ ba có dịch Covid-19 với nhiều vũ khí bảo vệ người dân hơn. Đó là các loại vaccine được điều chỉnh để nhắm đến những biến thể virus mới, các loại thuốc điều trị như Paxlovid của Pfizer hay Molnupiravir của Merck. Tuy nhiên, sự cách biệt giữa các nước giàu và nghèo trong tiếp cận các vũ khí này vẫn tiếp diễn trong năm 2022. Dự báo của Gates Foundation cho rằng thu nhập bình quân sẽ trở về mức trước đại dịch cho 90% dân cư ở các nước giàu nhưng chỉ cho khoảng 30% dân cư ở các nước thu nhập thấp và trung bình.

Một điều khá chắc chắn là cho dù đại dịch Covid-19 có biến thành một căn bệnh đặc hữu như cúm mùa hay vẫn hoành hành với biến thể mới, thế giới cũng sẽ không quay trở về cách thức giãn cách xã hội nghiêm nhặt như trong năm 2021. Vì thế Covid-19 sẽ không gây ra những biến động kinh tế như hàng loạt nhà máy phải đóng cửa, hoạt động kinh tế ngưng trệ, chính phủ các nước phải giải cứu cả người dân lẫn doanh nghiệp. Có chăng sẽ là các biến động ở một số ngành nghề hay địa bàn và sẽ được nhanh chóng bù đắp bằng nơi khác khi thế giới tìm cách thích ứng với dịch Covid-19.

Diễn đàn Kinh tế thế giới trích khảo sát của Ipsos với hơn 22.000 người ở 33 nước để đưa ra những dự báo cá nhân cho năm 2022, trong đó đến 77% cho rằng năm mới sẽ tốt hơn cho họ so với năm 2021. Những lý do được đưa ra bao gồm những tiến bộ trong cuộc chiến phòng chống Covid-19, cuộc sống sẽ trở về trạng thái bình thường khi sinh hoạt đô thị đông đúc trở lại. Tuy nhiên trong khảo sát này, đến 75% cho rằng giá cả sẽ tăng nhanh hơn mức tăng thu nhập làm cuộc sống sẽ khó khăn hơn cho người làm công ăn lương. Dự báo có thể đúng có thể sai nhưng kỳ vọng lớn nhất cho năm 2022 vẫn sẽ là không còn những bất thường như kiểu Omicron từ đó mới hy vọng một năm “bình thường mới”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới