Thứ Ba, 7/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khẳng định không sử dụng gỗ bất hợp pháp  

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Khẳng định không sử dụng gỗ bất hợp pháp  

Các nhà báo của tạp chí Furniture/Today, một tạp chí chuyên ngành đồ gỗ uy tín của Mỹ đang khảo sát tình hình phát triển công nghiệp gỗ, trong đó có vấn đề sử dụng gỗ nguyên liệu tại Công ty AA ở TPHCM – Ảnh: HỒNG VĂN

(TBKTSG Online) – Các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam khẳng định không sử dụng gỗ bất hợp pháp và phản đối một báo cáo rằng Việt Nam đang trở thành quốc gia sử dụng gỗ bất hợp pháp của hai tổ chức phi chính phủ đăng công khai trên internet vào ngày 19-3 năm nay.  

EIA (Environmental Ivestigation Agency), một tổ chức môi trường có trụ sở ở Anh đã phối hợp với Telapak, một tổ chức phi chính phủ của Indonesia, trong thời gian qua đã điều tra độc lập về tình hình sử dụng gỗ tại Việt Nam và đã công bố vào ngày 19-3 trên mạng www.eia-international.org của EIA.  

Nội dụng của báo cáo này, theo ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó chủ tịch Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (Hawa), là ác ý, nhằm bôi nhọ và làm suy giảm uy tín của ngành công nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam.  

“Việt Nam khẳng định không sử dụng gỗ lậu, gỗ bất hợp pháp như bản báo cáo nói trên. Các doanh nghiệp chế biến gỗ chúng tôi không những thực hiện đúng luật pháp về sử dụng gỗ của Việt Nam mà còn thực hiện các công ước về bảo vệ môi trường của quốc tế”.  

Ông Hạnh nói như trên với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online vào 18 giờ chiều 12-4, sau khi kết thúc cuộc họp kín kéo dài trong 3 giờ mà báo chí không được phép tham dự của lãnh đạo Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (Vietfores) và Hawa tại TPHCM.  

Với tấm ảnh đoàn xe chở gỗ như thế này, EIA đã cho rằng đó là gỗ bất hợp pháp – Ảnh lấy từ www.eia-international.org trong báo cáo về công nghiệp gỗ Việt Nam

Hơn 80% gỗ nguyên liệu cung cấp cho công nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam hiện được nhập khẩu từ nhiều quốc gia trên thế giới và ông Hạnh cho biết, nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam không những nhập khẩu gỗ hợp pháp mà còn nhập khẩu từ những nguồn gỗ có các chứng nhận bảo vệ môi trường.  

“Đa phần các doanh nghiệp chế biến đồ gỗ ngoài trời, sân vườn, đã nhập khẩu gỗ nhiệt đới từ những nguồn có chứng nhận của Hội đồng quản lý rừng bền vững thế giới (FSC), như một cam kết sử dụng gỗ không tác động xấu tới môi trường của các tổ chức môi trường quốc tế”, ông Hạnh nói và cho biết tại cuộc họp này, có sự tham gia của SGS, một tổ chức được uỷ quyền cấp chứng nhận FSC tại thị trường Việt Nam.  

Trong báo cáo của EIA và Telapak có đề cập việc sử dụng gỗ bất hợp pháp của Lào, ông Hạnh cho rằng EIA gắn công nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam với tình hình khai thác gỗ bất hợp pháp của Lào là miễn cưỡng. Việc khai thác gỗ của Lào là việc của Chính phủ Lào.  

Ngoài ra, Lào không có bờ biển nên việc xuất khẩu gỗ phải thông qua cảng biển của Việt Nam hay của Thái lan là điều đương nhiên, nên không thể gắn kết khai thác gỗ của Lào với công nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam.

Báo cáo cũng nêu những con số sử dụng gỗ của các doanh nghiệp Việt Nam mà ông Hạnh cho là các doanh nghiệp Việt Nam được nêu tên, nói rằng “họ phóng đại đến mức mà mơ ước tới chục năm nữa cũng chưa có”.  

Hơn nữa, một số tấm ảnh chụp kèm theo báo cáo trên mạng nói rằng gỗ bất hợp pháp của Lào nằm trong các nhà máy của Việt Nam, theo ông Hạnh, là ảnh lắp ghép và không chứng minh là gỗ đó hợp pháp hay bất hợp pháp.  

“Chúng tôi đang chuẩn bị số liệu chính xác để phản biện lại báo cáo nói trên”, ông Hạnh nói và cho rằng nếu Việt Nam sử dụng gỗ bất hợp pháp trầm trọng như trong báo cáo thì không thể nào công nghiệp gỗ Việt Nam phát triển và có uy tín như ngày hôm nay, được nhìêu quốc gia trên thế giới biết tới.  

Cuộc họp nói trên có sự tham gia của ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhưng Hawa khẳng định ông Biên tham dự với tư cách cá nhân chứ không phải thứ trưởng Bộ Công Thương.  

Xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam năm ngoái đạt 2,4 tỉ đô la Mỹ, tăng 22% so với năm 2006 nhưng tăng hơn gấp 10 lần so với 7 năm trước và dự kiến năm nay đạt trên 3 tỉ đô la Mỹ.  

Nhiều tờ báo, tạp chí chuyên ngành đồ gỗ của Mỹ, Nhật, Singapore trong các năm qua đã từng sang Việt Nam khảo sát và viết bài khen ngợi công nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam, trong đó có đánh giá tốt việc sử dụng gỗ nguyên liệu hợp pháp và có chứng nhận không tác động xấu tới môi trường.

HỒNG VĂN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới