Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khi lao động trẻ không thích nhà máy

Võ Đình Trí

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Trung Quốc hiện đang đối mặt với một vấn đề khá nghiêm trọng là ngành sản xuất chế tạo (manufacturing) không còn nhiều sức hút với lao động trẻ. Việt Nam và một số nước khác trong khu vực như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia đang được hưởng lợi từ sự dịch chuyển của một số nhà máy. Nhưng liệu Việt Nam có đi theo vết xe này?

 

Chi phí cho lao động trong lĩnh vực sản xuất chế tạo hiện vẫn còn là một lợi thế của Việt Nam nhưng có lẽ điều này không thể kéo dài lâu được. Ảnh: T.L

Khó khăn của Trung Quốc

Một khảo sát gần đây ở Trung Quốc cho thấy hơn 80% các nhà sản xuất chế tạo ở nước này bị thiếu hụt lao động trong năm nay, từ hàng trăm cho đến hàng ngàn. Số liệu dự báo của Bộ Giáo dục Trung Quốc cũng cho thấy đến năm 2025, ngành sản xuất chế tạo thiếu hụt khoảng 30 triệu lao động. Trong khi đó, theo thống kê thì tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi 16-24 của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là gần 18%.

Hiện tượng thiếu và thừa lao động cùng lúc ở Trung Quốc hiện nay xuất phát từ việc giới trẻ không còn muốn làm việc trong các nhà máy, một công việc mà theo họ là tẻ nhạt, mệt mỏi, và thu nhập thấp. Nhiều lao động trẻ sau vài năm đã không thể chấp nhận một vòng lặp đơn điệu trong nhà máy, chấp nhận công việc giao hàng hay bán hàng ở thành phố lớn.

Nhưng một lý do khác cũng không kém phần quan trọng đó là giới trẻ của Trung Quốc ngày càng có bằng cấp cao hơn, không chịu chấp nhận những công việc thấp hơn bằng cấp được đào tạo. Chỉ riêng trong năm 2022 ở Trung Quốc đã có gần 11 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học và 4,6 triệu ứng viên nộp hồ sơ cao học (sau đại học).

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi 15-24 hiện nay ở thành thị và nông thôn Việt Nam theo thống kê lần lượt là 10,54% và 6,7%. Nhưng không vì thế mà chủ quan với hiện tượng vừa thiếu vừa thừa lao động trong lĩnh vực sản xuất chế tạo.

Bên cạnh đó, một xu thế mới cũng đang được ưa chuộng trong giới trẻ ở Trung Quốc là sống đơn giản (lying flat), tức là làm việc vừa đủ để trang trải cuộc sống, tẩy chay lối sống nỗ lực rất nhiều nhưng vẫn giậm chân tại chỗ (rat race).

Tuy vậy, cũng phải thừa nhận một nguyên nhân không hề nhỏ dẫn đến lối sống này là chi phí đắt đỏ ở các thành phố lớn của Trung Quốc, đặc biệt là giá nhà.

Để đương đầu với khó khăn thiếu hụt lao động, các doanh nghiệp ở Trung Quốc phải tính đến việc giảm biên lợi nhuận để tăng lương, tăng tỷ lệ tự động hóa, hoặc dịch chuyển nhà máy sang những nước khác có lao động với chi phí thấp hơn. Nhưng giải pháp nào cũng có giới hạn của nó.

Sau gần ba năm thắt chặt các biện pháp kiểm soát Covid-19, nhiều doanh nghiệp ở Trung Quốc đã rơi vào tình trạng hết sức khó khăn vì các hoạt động bị gián đoạn, đó là chưa kể đến nhu cầu của thế giới cũng chậm lại.

Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ ngành sản xuất chế tạo hướng đến xuất khẩu hàng chục năm qua cũng đã đến lúc phải giảm trong bối cảnh sức ép lãi suất tăng. Và việc dịch chuyển nhà máy thì được cân nhắc ở các doanh nghiệp nước ngoài hơn là nội địa.

Sự thận trọng của Việt Nam

Thiếu hụt lao động trong ngành sản xuất chế tạo của Trung Quốc đã mang lại một số cơ hội cho các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Tuy vậy, Việt Nam cũng đã bắt đầu có những dấu hiệu cho thấy thiếu hụt lao động trẻ trong ngành sản xuất chế tạo là một nguy cơ không hề nhỏ.

Điều đầu tiên là nhu cầu có bằng cấp cao hơn trong giới trẻ ngày càng tăng, thể hiện qua việc số lượng sinh viên ngày càng tăng. Số lượng sinh viên hiện nay ước tính khoảng 2 triệu, chiếm 3,6% tổng số người trong độ tuổi lao động. Một khi đã có được bằng cấp cao thì tâm lý của lao động trẻ là rất khó chấp nhận những công việc lặp đi lặp lại trong các nhà máy.

Sự phát triển của mạng xã hội cũng đã góp phần lan truyền nhanh lối sống đơn giản trong giới trẻ, muốn thoát khỏi lối sống “rat race”. Hoặc thậm chí có xu hướng kiếm tiền nhanh, làm giàu nhanh và nghỉ hưu sớm trong một bộ phận người trẻ tuổi. Và do đó, sức hút từ các công việc trong nhà máy sẽ là rất thấp.

Ở một số thành phố lớn của Việt Nam, không hiếm trường hợp sinh viên tốt nghiệp xong vẫn chấp nhận những việc làm tạm thời như bán hàng, giao hàng hay phục vụ ở các quán ăn, nhà hàng.

Một lý do quan trọng khác khiến cho ngành sản xuất chế tạo không thu hút lao động trẻ ở các nước đang phát triển như Việt Nam là tỷ lệ tự động hóa thấp, các công việc chủ yếu là thủ công đơn giản lặp đi lặp lại nên rất dễ tạo ra sự tẻ nhạt, nhàm chán, gây ức chế về tâm lý. Trong khi đó, nếu cũng sản xuất chế tạo nhưng ở mức độ chuyên môn hóa cao hơn, một công nhân có thể thao tác nhiều bước hơn thì sự nhàm chán trong công việc cũng giảm đi đáng kể.

Chi phí cho lao động trong lĩnh vực sản xuất chế tạo hiện vẫn còn là một lợi thế của Việt Nam nhưng có lẽ điều này không thể kéo dài lâu được. Trong bối cảnh chi phí sinh hoạt tăng thì tiền lương trong lĩnh vực này phải được điều chỉnh cùng với các ngành khác. Và để bù đắp cho những thiệt thòi khi so sánh giữa một công việc trong nhà máy với một công việc tự do hơn thì tiền lương là một yếu tố quan trọng.

Như trường hợp ở Trung Quốc, một việc làm tạm thời ở thành phố lớn cũng gấp rưỡi tiền lương trong nhà máy, nhưng chi phí sinh hoạt cũng đắt đỏ hơn. Nếu tiền lương ở nhà máy đủ để cho người lao động có một khoản tiết kiệm thì họ sẽ cân nhắc.

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi 15-24 hiện nay ở thành thị và nông thôn Việt Nam theo thống kê lần lượt là 10,54% và 6,7%. Nhưng không vì thế mà chủ quan với hiện tượng vừa thiếu vừa thừa lao động trong lĩnh vực sản xuất chế tạo. Tiền lương mà một yếu tố quan trọng thu hút và giữ chân lao động trẻ tuổi nhưng bên cạnh đó cũng cần tạo ra một môi trường làm việc để họ thấy ít nhàm chán và có sự gắn bó.

Hy vọng rằng các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp ở Việt Nam sớm lưu ý đến vấn đề này. Vì những mất cân đối trong thị trường lao động cũng dễ làm phát sinh nhiều vấn đề xã hội khác mà cái giá của nó cũng không hề rẻ.

1 BÌNH LUẬN

  1. “… nếu cũng sản xuất chế tạo nhưng ở mức độ chuyên môn hóa cao hơn, một công nhân có thể thao tác nhiều bước hơn thì sự nhàm chán trong công việc cũng giảm đi đáng kể..”. Mệnh đề này sai hoàn toàn. Chuyên môn hoá càng cao, càng sâu thì thao tác của mỗi công đoạn càng đơn giản, càng nhàm chán.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới