Khi ngân hàng muốn ưu tiên tín dụng cho gạo và thủy sản
Trung Chánh
(TBKTSG Online) - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình khẳng định: “Không thiếu vốn cho doanh nghiệp, đặc biệt đối với các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp”. Nhưng làm sao để không lặp lại cảnh doanh nghiệp bị phá sản, hoặc đình đốn sản xuất đang gia tăng?
>>Cần “bà đỡ” cho doanh nghiệp vừa và nhỏ
Đây là ý kiến của ông Bình tại hội thảo “Phát triển thị trường tín dụng và dịch vụ ngân hàng vùng ĐBSCL” tại Cần Thơ vào cuối tháng 4.
Nông nghiệp là lĩnh vực được hệ thống ngân hàng ưu tiên đầu tư trong thời gian tới. Trong ảnh là nông dân đang chăm sóc cá nuôi - một trong những sản phẩm chủ lực mang lại hàng tỉ đô la Mỹ/năm cho đất nước - Ảnh: Trung Chánh |
“Chết” vì đầu tư ngoài luồng
Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, hiện cả nước có khoảng 1/3 trong tổng số 600.000 doanh nghiêp hoạt động ở tất cả các lĩnh vực ngành nghề trong cả nước đang đứng trước nguy cơ phá sản hoặc đã ngưng hoạt động.
Trong lĩnh vực thủy sản, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) thì cho biết, trong năm nay dự kiến có khoảng 20% trong tổng số các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực thủy sản bị phá sản hoặc ngưng hoạt động.
Lý giải nguyên nhân này, tại hội thảo “Phát triển thị trường tín dụng và dịch vụ ngân hàng vùng ĐBSCL” tại Cần Thơ ngày 28 – 4 - 2011, ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (Vietinbank) cho rằng: “Cho vay thủy sản mà lấy tiền đó quay vòng thứ 2 mua đất thì "chết" là phải rồi. Ngay cả nông dân cũng vậy, cho vay để sản xuất vật nuôi cây trồng mà mấy bác “máu” lên, lấy tiền đó mua đất ở thị tứ, thị trấn thì cũng "chết" thôi”.
Chính vì việc đầu tư dàn trải, không đúng mục đích ngành nghề của các doanh nghiệp nên ngân hàng e ngại trong việc thẩm định cho vay dẫn đến doanh nghiệp khó khăn hơn trong tiếp cận vốn tín dụng. Ông Dũng của Vietinbank cho rằng“Trong quản trị nội bộ của các doanh nghiệp, đặc biệt đối với các doanh nghiệp thủy sản hiện nay, cách quản trị như thế này mà trình phương án vay vài trăm tỉ đồng thì khi thẩm định ngân hàng không e ngại mới lạ. Ngay cả chúng tôi, khi thẩm định tôi cũng rất e ngại”.
Thực tế, có rất nhiều doanh nghiệp, kể cả các tập đoàn lớn bị phá sản hay đình đốn do sử dụng vốn vay đầu tư ngoài ngành, sử dụng sai mục đích gây nên. Điển hình là vụ Công ty cổ phần Thủy sản Bình An (Bianfishco) ở Cần Thơ.
Theo kết quả kiểm tra tình hình nợ của Bianfishco thì ngoài các ngành nghề hoạt động trên lĩnh vực thủy sản như đầu tư xây dựng nhà máy chế biến cá tra, cá ba sa công suất 500 tấn/ngày; nhà máy giá trị gia tăng công suất 10.000 tấn/năm; kho lạnh 10.000 tấn; nhà máy chế biến phụ phẩm 24.300 tấn/năm; nhà máy chế biến nước uống Collagen công suất 20 triệu đơn vị sản phẩm/năm; trung tâm sản xuất cá giống; nhà máy chế biến thức ăn... thì Bianfishco còn sử dụng vốn sai mục đích bằng cách đầu tư sang các lĩnh vực khác, đầu tư ra nước ngoài dẫn đến đình đốn.
Vốn cho nông nghiệp không thiếu
Từ đầu năm 2012 đến nay, hàng loạt doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp than phiền không tiếp cận được nguồn vốn vay từ các ngân hàng bởi chính sách thắt chặt tín dụng tiền tệ của họ.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Bình khẳng định, không thiếu vốn cho các doanh nghiệp, đặc biết là đối với các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp (lúa gạo, thủy sản). Tuy nhiên, hệ thống ngân hàng cũng chỉ cung ứng vốn cho các doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, hoạt động đúng lĩnh vực ngành nghề, tuyệt đối không ứng vốn cho các doanh nghiệp đầu tư sai mục đích.
Ông Bình ví von: “Nguồn vốn cho nông nghiệp được ví như là cái vòi sữa, chúng ta có thể khẳng định như thế nhưng cái vòi sữa này chỉ ưu tiên cho những lĩnh vực mà doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, còn cái vòi sữa này sẽ bị cắt, kiên quyết cắt đối với những lĩnh vực làm ăn không hiệu quả bởi vì mục tiêu cuối cùng của chúng ta là nâng cao được sản lượng, nâng cao được hiệu quả sản xuất nông nghiệp, nông thôn”.
Ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó Tổng giám đốc Vietinbank cũng cho hay “Vietinbank chúng tôi vẫn tiếp tục dành nhiều nguồn lực cho vùng ĐBSCL. Hiện nay, chúng tôi có 19 chi nhánh, 94 phòng giao dịch khắp các tỉnh ĐBSCL. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục mở rộng mạng lưới và đầu tư mạnh hơn nữa với tỉ lệ tăng trưởng vốn tính dụng khu vực nông nghiệp nông thôn, đặc biệt là sản xuất chế biến thủy sản sẽ cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho Vietinbank nhưng tổng chỉ tiêu tăng trưởng của chúng tôi vẫn bảo đảm”.