Thứ Sáu, 31/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khó hiểu ‘nghề’ lái xe riêng (!?)

Hồng Văn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Cuối năm ngoái cơ quan tôi làm việc yêu cầu tôi bổ sung lý lịch hàng năm, ở mục thay đổi bằng cấp, tôi khai “không” nhưng một đồng nghiệp trong cơ quan lại nghĩ khác, nói rằng tôi đã lấy bằng lái xe, đồng nghĩa có chứng chỉ nghề, cần phải khai thêm, vì dù sao đây cũng là một loại bằng cấp, chứng chỉ đào tạo.

Không chỉ tôi mà tôi còn đoán rằng rất nhiều người đã có bằng lái xe (giấy phép lái xe), nhất là những người như tôi, học lấy bằng lái xe cho cá nhân, gia đình mình thường quên mất là mình còn có chứng chỉ đào tạo nghề, như tôi là bằng lái xe B2 có chứng chỉ sơ cấp nghề do trung tâm đào tạo lái xe cấp.

Hơn 20 năm về trước, khi đất nước còn nhiều khó khăn, thu nhập và nhu cầu xe ô tô riêng của người dân còn ít thì đúng lái xe là một nghề; học lái xe là để xin vào hành nghề lái xe ở các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp; xã hội lúc đó mặc định lái xe như một cái nghề với danh xưng thân mật là “bác tài”.

Nhưng nay, khi xe riêng của cá nhân đã dần phổ biến vậy mà quan niệm của cơ quan quản lý vẫn xem lái xe là một nghề thì có điều gì đó không ổn.

Sở dĩ lái xe được nhà quản lý xem như một nghề cần phải cấp chứng chỉ thì xuất phát điểm là từ việc các cơ sở đào tạo lái xe ô tô phải là cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo quy định tại Nghị định số 65/2016/NĐ-CP được Chính phủ ban hành năm 2016. Nghị định này quy định về điều kiện kinh doanh, cấp và thu hồi giấy phép đào tạo lái xe mà các quy định trước đó về điều kiện này cũng tương tự. Hay nói khác hơn, ở Việt Nam, đào tạo lái xe chỉ có ở các trường – trung tâm đào tạo nghề, nên ai muốn thi lấy bằng lái xe thì phải vào trường nghề học, mà đã học thì phải thi tốt nghiệp và được cấp chứng chỉ nghề là đương nhiên.

Năm ngoái Bộ Giao thông Vận tải có thông tư hợp nhất các thông tư quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, theo đó tại điều 8 quy định người có nhu cầu cấp giấy phép lái xe hạng A4 và ô tô hạng B1 phải được cơ sở đào tạo cấp chứng chỉ đào tạo. Muốn thi lấy giấy phép lái xe hạng B2, C, D, E và các hạng F thì cơ sở đào tạo phải kiểm tra cấp chứng chỉ sơ cấp hoặc chứng chỉ đào tạo. Đến đây thì tôi hiểu tại sao trước khi tôi tham gia sát hạch lấy bằng lái xe ô tô B2 thì có thi và cấp chứng chỉ sơ cấp tại trường nghề nơi tôi đăng ký học.

Nhưng quy định này có thể phù hợp cho những người học lái xe với mục đích lái xe kinh doanh, dịch vụ, còn tôi và rất nhiều người có xe ô tô riêng, học để lái xe cho gia đình hay cá nhân mình thì không biết cần cái chứng chỉ nghề để làm gì? Đó là chưa kể các cơ quan doanh nghiệp ngày nay tuyển dụng tài xế thì quan trọng nhất lại là bằng lái xe chứ cũng chẳng còn ai quan tâm đến cái chứng chỉ nghề của tài xế nữa. Ai không tin cứ vào ứng dụng Grab đăng ký thủ tục làm tài xế taxi công nghệ cho hãng này cũng phần nào hiểu được.

Tư duy lái xe là “nghề”, cần phải có chứng chỉ đào tạo nghề hiện nay đã không còn phù hợp với sự phát triển của xã hội. Chưa kể, tôi lục tìm các quy định các ngành nghề hoạt động có điều kiện của Nhà nước, phải có chứng chỉ hành nghề thì không thấy “nghề” lái xe, bởi ai muốn lái xe lưu thông trên đường thì có bằng lái rồi cơ mà, cảnh sát giao thông có bao giờ hỏi chứng chỉ nghề khi kiểm tra kiểm soát đâu?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới