Thứ bảy, 25/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Không dễ bán giải pháp chuyển đổi số ở thị trường Việt

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Không dễ bán giải pháp chuyển đổi số ở thị trường Việt

Mỹ Huyền

(TBKTSG Online) - Trong khi các doanh nghiệp trong nước cần chuyển đổi số đang lúng túng trong việc tìm giải pháp phù hợp, một nghịch lý đang diễn ra là nhà cung cấp giải pháp quốc tế nhận thấy thị trường Việt Nam không phải là một thị trường dễ thuyết phục. Đây là thông tin ghi nhận được tại sự kiện Digital Summit ngày 12-6 ở TPHCM.

 

Không dễ bán giải pháp chuyển đổi số ở thị trường Việt
Microsoft giới thiệu sản phẩm công nghệ số tại Digital Summit 2019. Ảnh: Mỹ Huyền

Mặc dù các công ty cung cấp giải pháp chuyển đổi số nhận thấy nhu cầu thị trường trong nước rất lớn nhưng trên thực tế, họ chưa đủ tự tin sẽ chiếm lĩnh được thị trường. Microsoft và SAP đã có mặt ở thị trường trong nước một thời gian dài nhưng hiện tại phải kết hợp với công ty KPMG để bán các giải pháp, công nghệ và sản phẩm của mình. Tập đoàn Oracle đã vào Việt Nam từ năm 1994, nhưng đến nay chỉ có khoàng 100 khách hàng.

Ông Nguyễn Tuấn Hồng Phúc, Giám đốc Chiến lược và Chuỗi Cung ứng của KPMG Việt Nam, cho biết 80% khách hàng liên hệ với công ty tư vấn kiểm toán này đều có những thắc mắc về việc nên hay không chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Phải mất nửa năm cho đến một năm để những doanh nghiệp này đi đến quyết định về chuyển đổi số. Trong số 80% khách hàng nói trên, doanh nghiệp lớn hoặc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 95%, doanh nghiệp nhỏ và vừa rất ít.

Trước sự ngần ngại của doanh nghiệp trong nước, các công ty công nghệ cung cấp giải pháp chuyển đổi số nước ngoài phải tìm đối tác để phân phối sản phẩm cho mình. Tuy nhiên, việc tìm được một đối tác phân phối có đủ trình độ về công nghệ lẫn am hiểu thị trường để tư vấn và bán lẻ gói giải pháp chuyển đổi số cho thị trường trong nước không hề dễ dàng.

Theo ông Phúc của KPMG Việt Nam, các tập đoàn công nghệ cung cấp giải pháp số đang cần đối tác mà nhân lực có kỹ năng bán hàng, trình độ công nghệ và am hiểu khách hàng. Các đối tác làm nhiệm vụ phân phối giải pháp số cũng phải hiểu rõ nhu cầu của từng doanh nghiệp để tư vấn quy trình chuyển đổi số cùng giải pháp công nghệ phù hợp. Tuy nhiên, ở Việt Nam chưa có nhiều đơn vị phân phối làm được điều đó

Một số doanh nghiệp cho rằng có rất ít công ty công nghệ trong nước cung cấp giải pháp chuyển đổi số. Tuy họ hiểu rõ thị trường hơn, nhưng lại chỉ chuyên môi giới giải pháp chuyển đổi số của nước ngoài. Do đó, chi phí về giải pháp tăng cao là do phải thêm các khâu trung gian.

Một số doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia sự kiện Digital Summit cho hay chi phí rẻ nhất của các gói chuyển đổi số thấp nhất vào khoảng 100.000 đô la Mỹ (từng phần), có khi lên đến 400.000 đô la Mỹ (trọn gói). Có giải pháp lên đến hàng triệu đô la nhưng doanh nghiệp lại không thể biết được lợi ích mà nó mang lại, cụ thể là ROI (lợi nhuận từ đầu tư), như thế nào. Điều khó khăn thứ hai là doanh nghiệp chưa biết giải pháp công nghệ nào mới thật sự phù hợp với mình. Hơn nữa, nếu chọn nhiều giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp thì nên chọn nhà cung ứng nào, hệ thống của các nhà cung ứng có tương thích và phù hợp trong việc tích hợp với nhau không. Nếu dùng dịch vụ cloud (đám mây) thì nên dùng của hãng nào và nguy cơ lệ thuộc vào sự độc quyền khi sử dụng cloud từ nhà cung cấp.

Ông Vishwesh Padmanablan, thành viên Ban điều hành KPMG Ấn Độ và ông Ross Macallister, thành viên Ban điều hành KPMG Viêt Nam, cũng cho rằng thị trường Việt Nam còn có sự e ngại với việc chuyển đổi số. Tuy cạnh tranh toàn cầu đang làm các doanh nghiệp Việt nghĩ đến chuyển đổi số như một yếu tố giúp gia tăng năng lực cạnh tranh nhưng họ cũng chưa mạnh dạn đầu tư vì họ không biết nên bắt đầu việc chuyển đổi số hoàn toàn hay chỉ chuyển đổi từng phần; và phải bắt đầu từ đâu.

Một trong những cách chuyển đổi số an toàn hiện nay mà các công ty trong nước đang áp dụng là hợp tác với các công ty công nghệ thay vì chuyển đổi số hoàn toàn. Xu hướng liên kết với các dự án khởi nghiệp công nghệ sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ và thời gian tìm khách hàng.

Ông Tô Quang Vinh, Giám đốc Ngân hàng Bản Việt cho hay ngân hàng liên kết với các công ty fintech (công nghệ tài chính) như Zalopay vì nền tảng thanh toán kỹ thuật số này đã có một lượng khách hàng rất lớn. Do đó, khi hợp tác với Zalopay, ngân hàng chỉ mất một thời gian ngắn là đã kết nối với khách hàng đã quen dùng nền tảng số trong việc thanh toán và quen sử dụng các tiện ích của ứng dụng này như các chương trình khuyến mãi, chuyển tiền không tốn phí... Song song đó, ngân hàng vẫn phải phát triển hạ tầng công nghệ các dịch vụ của mình như thanh toán di động, thanh toán trực tuyến theo lộ trình mỗi 5 năm/ lần vì công nghệ ngày nay thay đổi rất nhanh chóng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới