Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Không dễ xử lý thư rác

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Không dễ xử lý thư rác

Vân Oanh

(TBKTSG Online) – Hiện nay hành lang pháp lý cho xử lý thư rác đã hoàn thiện hơn nhưng các chuyên gia cho rằng về mặt công nghệ, việc truy tìm nguồn gốc của các thư rác để xử lý không dễ dàng.

Mới đây, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 77/2012/NĐ-CP nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2008/NĐ-CP ngày 13/8/2008 về chống thư rác. Song một vấn đề đặt ra là làm sao, làm cách nào để tìm được nguồn gốc của những thư rác đó để xử lý.

Ông Hoàng Đăng Hải, Phó giám đốc Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam, cho biết việc tìm nguồn gốc thư rác trong một số trường hợp mất rất nhiều công sức và không dễ dàng. Nếu trường hợp nguồn gốc phát tán thư rác từ trong nước thì các cơ quan chức năng có thể xử lý theo nghị định trên. Nhưng cũng có trường hợp nguồn gốc phát tán thư rác lại ở nước ngoài nên cơ quan thanh tra cũng khó xử lý.

Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam là đơn vị được Bộ Thông tin Truyền thông giao cho nhiệm vụ tăng cường rà soát, phát hiện các dấu hiệu phát tán thư rác, tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo và cung cấp cho cơ quan thanh tra của Bộ Thông tin Truyền thông để xử lý. Bên cạnh đó trung tâm này còn phải phối hợp với cơ quan thanh tra, cơ quan quản lý nhà nước liên quan, cơ quan an ninh để điều tra xử lý thư rác, tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo.

Theo thống kê của thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông, trong 6 tháng đầu năm 2012, trên địa bàn cả nước đã xử lý 9 trường hợp vi phạm phát tán thư rác, tin nhắn rác với tổng số tiền phạt là hơn 300 triệu đồng. Cùng với các biện pháp xử lý hành chính thì các giải pháp kỹ thuật cũng đang được nhấn mạnh, kiên quyết hơn nhằm xử lý hiệu quả tình trạng tin nhắn rác.

Nghị định mới về thư rác

Theo Nghị định 77/2012/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành (sẽ có hiệu lực từ 1-1-2013) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2008/NĐ-CP ngày 13/8/2008 về chống thư rác, chỉ được phép gửi thư điện tử quảng cáo, tin nhắn quảng cáo đến người nhận khi có sự đồng ý rõ ràng trước đó của người nhận.

Hành vi giả mạo tên hoặc giả mạo địa chỉ điện tử của tổ chức, cá nhân khác khi gửi thư điện tử, tin nhắn sẽ bị phạt tiền từ 60 – 80 triệu đồng. Bên gửi phải chấm dứt gửi các thư điện tử quảng cáo hay tin nhắn quảng cáo ngay sau khi nhận được yêu cầu từ chối của người nhận. Bênh cạnh đó, thay vì quy định như trước đây cho phép trong vòng 24 giờ – kể từ khi nhận được yêu cầu từ chối – người quảng cáo hoặc nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo phải chấm dứt việc gửi đến người nhận các thư điện tử quảng cáo hay tin nhắn quảng cáo đã bị người nhận từ chối trước đó, thì theo nghị định mới, việc chấm dứt phải được thực hiện ngay sau khi nhận được yêu cầu từ chối.

Ngay khi nhận được yêu cầu từ chối, người quảng cáo hoặc nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo phải gửi ngay thông tin xác nhận đã nhận được yêu cầu từ chối và không gửi loại thư điện tử, tin nhắn quảng cáo đã bị từ chối đến người nhận đó.

Thay vì được gửi tối đa 5 thư điện tử, tin nhắn quảng cáo như quy định cũ, Nghị định 77/2012/NĐ-CP giới hạn không được phép gửi quá một thư điện tử quảng cáo có nội dung tương tự nhau tới một địa chỉ thư điện tử trong vòng 24 giờ, trừ trường hợp đã có thỏa thuận khác với người nhận.

Không được phép gửi quá 1 tin nhắn quảng cáo có nội dung tương tự nhau tới một số điện thoại trong vòng 24 giờ và chỉ được phép gửi trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 22 giờ mỗi ngày, trừ trường hợp đã có thoả thuận với người nhận.

Khi gửi thư điện tử quảng cáo, tin nhắn quảng cáo thì nhà cung cấp dịch vụ phải gửi đồng thời một bản sao nội dung tới hệ thống kỹ thuật của Bộ Thông tin Truyền thông.

(Nguồn: Văn phòng Chính phủ

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới