Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Không nên quá lo lắng về lạm phát?

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Kỳ vọng lạm phát cao trong năm sau bỗng nhiên tăng vọt dù lạm phát năm nay không ở mức cao. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng cũng không cần phải quá lo lắng về lạm phát.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tăng 0,3% so với tháng trước, sau hai tháng giảm liên tiếp. Còn nếu so với cùng kỳ năm ngoái, CPI dù tăng 2,1%, cao hơn so với tháng 10 nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu.

Theo khối nghiên cứu của HSBC, nguyên nhân chủ yếu là do giá dầu liên tục tăng cao. Theo đó, chi phí vận chuyển tăng 3,1% so với tháng trước, tương đương mức tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi chi phí nguyên vật liệu xây dựng tăng trở lại sau hai tháng giảm.

Tuy nhiên, mối lo ngại gần đây được nhắc đến nhiều ở câu chuyện kỳ vọng lạm phát cao trong năm sau, đi cùng bức tranh chung về lạm phát cao trên toàn thế giới. Theo đó, Việt Nam hiện đứng trước nhiều yếu tố ảnh hưởng đến lạm phát như chi phí giá hàng hóa, nguyên vật liệu đầu vào trên thế giới, cùng nhu cầu của thế giới dần yếu lại.

Dù vậy, đa số các chuyên gia đều cho rằng không nên quá lo ngại về lạm phát. Theo T.S Yen Chen-Hui, Giám đốc chiến lược Yuanta Investment Consulting, Đài Loan, dự báo lạm phát của Việt Nam vẫn sẽ ở mức cao nhưng các nhà đầu tư cũng không nên lo lắng quá mức về câu chuyện lạm phát trong năm sau.

Theo đại diện của Yuanta Việt Nam, lạm phát hiện nay là kết quả của xu hướng cầu cao hơn cung do chuỗi cung ứng không thông suốt, chứ không phải là lạm phát cơ bản. “Việt Nam nên coi lạm phát tăng là bình thường”, ông Yen chia sẻ tại hội thảo “Thị trường chứng khoán 2022 – Chiến lược phân bổ tài sản và đầu tư hiệu quả” mới đây.

Tương tự, theo khối phân tích của Công ty chứng khoán VNDirect, thị trường nên có cái nhìn thận trọng nhưng không quá lo lắng về rủi ro lạm phát. “Chúng tôi không quá lo ngại về rủi ro lạm phát trong năm tới do cầu tiêu dùng cần nhiều thời gian để phục hồi hoàn toàn”, báo cáo chiến lược mới đây của VNDirect đưa ra nhận định. Khối phân tích cũng đánh giá việc kiểm soát lạm phát tốt của Chính phủ sẽ giúp giảm dần lạm phát kỳ vọng và cơ quan quản lý còn nhiều công cụ khác.

Chỉ số CPI tháng 11 tăng trở lại sau hai tháng giảm liên tiếp. Nguồn: WB.

Trong dự báo đưa ra mới đây, HSBC kỳ vọng lạm phát của Việt Nam sẽ đạt mức trung bình khoảng 1,9% trong năm 2021 và sau đó tăng lên 2,7% trong năm 2022 với động lực chính là do giá năng lượng tăng, nhưng lạm phát do cầu kéo vẫn yếu. Trong khi đó, ước tính của Ngân hàng UOB đưa ra dự kiến con số 3,2% cho năm sau, còn VNDirect thì đưa ra con số 3,45%, tức tăng cao so với năm nay nhưng vẫn thấp hơn so với con số mục tiêu 4%.

Theo VNDirect, áp lực lạm phát sẽ tăng lên trong năm sau vì cầu tiêu dùng nội địa phục hồi, áp lực từ giá chi phí đầu vào vẫn giữ mức cao trên thế giới. Ngoài ra, nhiều yếu tố đầu vào đã tăng mạnh trong thời gian qua như giá xăng dầu, hóa chất, phân bón, than, sắt thép… rất có thể sẽ phản ánh vào giá hàng tiêu dùng trong năm sau khi nhu cầu tiêu dùng phục hồi.

Giá năng lượng cũng là điểm cần chú ý. Theo ông Tim Evans, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, thị trường cần theo dõi sát giá năng lượng đang tăng lên để tránh những tác động tiêu cực có thể xảy ra cho nền kinh tế trong tương lai, với hệ quả kéo theo là chi phí vận chuyển gia tăng nhanh chóng và trở thành một trong những nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát trong nước.

Một câu chuyện khác cũng được nhắc đến là mối lo ngại về tiền đồng mất giá khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có xu hướng thắt chắt tiền tệ và bắt đầu thực hiện mạnh hơn trong năm sau. Tuy nhiên, TS. Yen, Yuanta Việt Nam, cho rằng không cần lo lắng quá nhiều đến câu chuyện ảnh hưởng này, vì cơ bản Việt Nam vẫn có dòng vốn ngoại, có dự trữ ngoại hối và cán cân vãng lai được mở rộng khi xuất khẩu tăng tốc mạnh hơn.

Tương tự, theo VNDirect, việc cắt giảm các gói nới lỏng định lượng sẽ không tác động lớn đến chính sách tiền tệ cũng như thị trường tài chính của Việt Nam, trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu trong năm sau sẽ vẫn thuận lợi hơn so với thời kỳ trước đại dịch.

Một biến số vĩ mô khác cũng được các nhà kinh tế nêu lên, đó là mối quan ngại về khả năng ứng phó của Việt Nam với dịch Covid-19, đặc biệt là biến chủng mới Omicron. “Yếu tố bất ổn nhất vẫn chính là Covid-19. Trong tương lai, bất kỳ đợt bùng dịch nào cũng cần được kiểm soát bằng giải pháp hạn chế hoặc giãn cách khoanh vùng thay vì áp dụng trên diện rộng như nhiều nước đã triển khai trong năm 2021 và để lại hậu quả tiêu cực cho nền kinh tế”, ông Tim Evans, HSBC Việt Nam chia sẻ quan điểm cá nhân.

Biểu hiện của lạm phát như thế nào sẽ ảnh hưởng đến khả năng điều chỉnh của chính sách tiền tệ trong năm sau. Tuy nhiên, đa số chuyên gia đặt kỳ vọng cơ quan quản lý vẫn tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ phục hồi kinh tế, ít nhất trong nửa đầu năm sau.

1 BÌNH LUẬN

  1. Xét các yếu tố liên quan trực tiếp đến lạm phát: Thiếu hụt cung/ Tăng nhu cầu/ Đẩy chi phí, thì có thể không thực sự lo lắng về lạm phát. Cung sẽ không thiếu nếu giải quyết tốt tình trạng đứt gãy lưu thông phân phối. Nhu cầu cũng không tăng vọt, thậm chí giảm mạnh vì người dân đang quá khó khăn do đại dịch. Chi phí có tăng, nhất là chi phí duy trì sản xuất kinh doanh và lưu thông hàng hóa, nhưng chưa gây tác động rộng rãi nếu có giải pháp bình ổn kịp thời. Thêm một yếu tố nữa có khả năng gây lạm phát, đó là lạm chi ngân sách. Nhưng đến giờ này vẫn chưa có động tĩnh gì đáng kể, bởi ta đang thu nhiều nhưng chi tiêu thì quá cầm chừng ?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới