Thứ ba, 24/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Khu công nghiệp dược ở TPHCM cần gì để ‘hấp dẫn’ doanh nghiệp?

Minh Thảo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Theo một số doanh nghiệp dược, khi xây khu công nghiệp dược, TPHCM cũng cần hình thành trung tâm nghiên cứu thuốc độc lập để tránh trình trạng sản xuất manh mún, riêng lẻ. Ngoài ra, TPHCM cũng cần xây dựng các trung tâm kiểm nghiệm tương đương sinh học đạt chuẩn quốc tế để giảm được chi phí kiểm định ở nước ngoài cho doanh nghiệp.

Bên trong một phòng thí nghiệm thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học y dược ở TPHCM. Ảnh: Minh Thảo

Vừa qua, TPHCM đã phê duyệt đề án phát triển công nghiệp dược đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là bước khởi động quan trọng để thành phố sớm lập khu công nghiệp y dược tập trung đầu tiên cả nước.

Theo đề án, TPHCM sẽ hình thành và phát triển khu công nghiệp chuyên ngành y - dược tại khu công nghiệp Lê Minh Xuân 2 với quy mô 338 héc ta. Đây là nơi sản xuất các thuốc phát minh, chuyển giao công nghệ, thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc generic (thuốc hết hạn bảo hộ) có dạng bào chế công nghệ cao, vaccine, sinh phẩm, trang thiết bị xét nghiệm và sản phẩm y sinh kỹ thuật cao. Dự kiến khu công nghiệp sẽ hoàn thiện cơ sở hạ tầng và đưa vào hoạt động từ năm 2030.

Cần thêm chính sách cụ thể cho doanh nghiệp

Thông tin từ Sở Y tế TPHCM cho biết, hiện thành phố có hơn 30 nhà máy dược phẩm đạt chuẩn GMP - WHO (hướng dẫn thực hành sản xuất thuốc tốt của Tổ chức Y tế Thế giới - WHO). Những nhà máy này phân bố chủ yếu tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, phần lớn sản xuất theo công thức từ những thuốc đã hết hạn bản quyền để cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu (thuốc generic).

Nói về tiềm năng phát triển công nghiệp dược trên địa bàn, PGS. TS Phạm Khánh Phong Lan, đại biểu Quốc hội, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM và cũng là chuyên gia trong lĩnh vực dược nhận định, TPHCM có thế mạnh lớn là trung tâm giao thương ở khu vực phía Nam. Điều này tạo thuận lợi cho việc vận chuyển, cung ứng thuốc đến các khu vực khác, đồng thời còn tập trung nhiều cơ sở nghiên cứu, đào tạo, sản xuất và kinh doanh.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu dược phẩm trên địa bàn thành phố luôn có sự tăng trưởng cao và chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế dược của cả nước. Bà hy vọng TPHCM sẽ xây dựng thành công khu công nghiệp sản xuất thuốc để chủ động cung ứng.

Tuy nhiên, một số đại diện doanh nghiệp dược cho rằng trong tương lai cần có những cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút các doanh nghiệp tập trung về khu công nghiệp dược ở TPHCM.

Chia sẻ với KTSG Online, ông Lê Ngọc Long, Giám đốc điều hành công ty dược phẩm BPPharma cho biết, công ty vẫn cân nhắc việc có nên vào khu công nghiệp dược ở TPHCM hay không bởi còn phải xem những chính sách cụ thể như thế nào. Theo ông Long, dự thảo luật Dược mới đã bỏ qua vấn đề nền tảng của phát triển công nghiệp dược. Đó là hình thành trung tâm nghiên cứu thuốc độc lập. Kinh nghiệm cho thấy các nhà máy, doanh nghiệp lập trung tâm riêng lẻ sẽ dẫn đến manh mún, không phát triển mạnh mẽ.

“Ở nước ngoài, ngành dược phát triển là nhờ dựa vào các trung tâm nghiên cứu độc lập và chuyển giao về cho các nhà máy. Nếu thành phố có trung tâm nghiên cứu độc lập, sẽ giúp doanh nghiệp giảm được chi phí đầu tư. Bởi nếu nhà máy nào cũng phải đầu tư trung tâm nghiên cứu gần cả trăm tỉ đồng, nhưng chỉ để làm một vài sản phẩm thì rất lãng phí”, ông Long nói.

Không chỉ cần có trung tâm nghiên cứu thuốc độc lập, một số chủ doanh nghiệp dược khác cho rằng TPHCM cũng cần xây dựng các trung tâm kiểm nghiệm tương đương sinh học (tương đương biệt dược gốc) đạt chuẩn quốc tế. Vì hiện nay các trung tâm của Việt nam chưa đạt chuẩn và không được quốc tế công nhận. Một loại thuốc sản xuất ở Việt Nam cần chứng minh tương đương sinh học để xuất khẩu thì phải ra nước ngoài kiểm định, rất tốn kém. Đây cũng là nền tảng cơ bản nhất để phát triển nền công nghiệp dược.

Về chính sách cho doanh nghiệp, ông Long cho rằng: “Hiện nhiều doanh nghiệp đầu tư nhà máy ở các tỉnh lân cận nên việc di dời về TPHCM là điều không dễ dàng. Vì vậy, chúng ta cần làm rõ doanh nghiệp vào khu công nghiệp dược của TPHCM thì sẽ được lợi ích như thế nào. Đơn cử như doanh nghiệp có thể sẽ được nhận ưu đãi thuế hoặc ưu tiên cấp số đăng ký, xuất khẩu”.

Theo các doanh nghiệp dược, TPHCM cần có chính sách đầu tư vào cơ sở vật chất và nâng cao năng lực sản xuất của các nhà máy dược phẩm. Ảnh minh hoạ: Vci.edu

Tập trung sản xuất các loại thuốc nào?

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, chuyên gia trong lĩnh vực dược, định hướng sản xuất thuốc của TPHCM mang hàm lượng chất xám rất cao và phù hợp với xu thế phát triển khoa học công nghệ, đặc biệt là đối với một thành phố có đầu ra tiêu thụ lớn. Ngoài ra, hệ thống bệnh viện có đội ngũ y bác sĩ và số lượng bệnh nhân lớn để có những kết quả nghiên cứu tốt. Tuy nhiên, thành phố cần phải xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng nên đầu tư và tập trung khuyến khích những điểm mạnh nào.

Bà Lan cho biết đối với thuốc generic (hết hạn bảo hộ), đây là nhóm thuốc mà thành phố nhắm đến khi xây dựng khu công nghiệp và các nhà máy thuốc. Ở khía cạnh này, TPHCM không thiếu nhà máy dược phẩm nhưng vướng ở chiến lược sản xuất và nhà đầu tư.

Thế mạnh đầu ra là các bệnh viện sử dụng nhóm thuốc này. Tuy nhiên, hiện bệnh viện đang theo cơ chế đấu thầu, thì chỉ có một con đường duy nhất là thuốc càng rẻ càng tốt. Do đó, đầu ra của thuốc bị kẹt về giá cả cạnh tranh của nhà máy ở TPHCM khi đặt trong so sánh với những nhà máy ở các tỉnh. Chẳng hạn như, tại các tỉnh, tiền thuê đất và chi phí sản xuất rẻ hơn nên giá thuốc cũng cạnh tranh hơn ở TPHCM, vị chuyên gia này phân tích thêm.

Ngoài ta, Sở Y tế TPHCM cũng nhìn nhận, ngành dược của thành phố cũng còn nhiều nhược điểm chung như của ngành công nghiệp dược trong nước. Theo đó, các nhà máy dược phẩm trên địa bàn đa số sản xuất các mặt hàng generic thông thường mang tính trùng lặp. Nhiều nhà máy sản xuất cùng một loại hoạt chất. Nguồn nguyên liệu chủ yếu nhập khẩu từ Ấn Độ và Trung Quốc. Hầu hết nhà máy chưa phát huy hết công suất, nhất là các nhà máy của doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Bà Lan cũng nêu ra tình trạng hiện nay, trên thị trường có nhiều loại thuốc cảm nhưng số lượng các doanh nghiệp ở TPHCM chú ý phát triển sản phẩm riêng hoặc nghiên cứu tương đương sinh học của những thuốc này vẫn còn ít. Trên thực tế, thị trường có loại thuốc nào hút hàng hoặc chờ thuốc nước ngoài hết bản quyền, thì các doanh nghiệp cùng đổ xô mua nguyên liệu; sau đó tạo ra sản phẩm để bán. Đây gọi là “thuốc nhái”, cũng như không tạo ra sự khác biệt.

Vì vậy, vị chuyên gia này cho rằng các doanh nghiệp dược có thể đầu tư về dạng thuốc tiêm, truyền, vaccine, những loại đang thiếu hoặc thuốc công nghệ cao. Thời gian đầu, các doanh nghiệp nên đẩy mạnh hợp tác với những “ông lớn” trong ngành dược, khi đủ sức hoạt động thì có tách ra riêng. Như vậy mới góp phần cho ngành công nghiệp dược trong nước phát triển mạnh.

Trước đó, vào tháng 10-2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, mục tiêu là chuyển một phần từ sản xuất thuốc generic sang thuốc phát minh. Đến năm 2030 Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực với giá trị xuất khẩu thuốc đạt khoảng 1 tỉ đô la Mỹ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới