Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kịch bản nào cho hậu sáp nhập Prudential và AIA

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kịch bản nào cho hậu sáp nhập Prudential và AIA

Nguyễn Quân

Hoạt động tư vấn khách hàng tại Công ty Prudential Việt Nam. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Vụ M&A (mua bán và sáp nhập) giữa hai doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ là Prudential và AIA, một công ty của tập đoàn AIG (Mỹ), được giới phân tích nhận định rằng nếu mọi việc thuận lợi thì tối thiểu phải đến cuối năm 2010, thậm chí đến năm 2011 mới hoàn tất, vì còn nhiều vấn đề phải giải quyết.

Chẳng hạn, Prudential phải huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu ưu đãi và vay nợ thêm, kế đến mới tiến hành thủ tục mua lại AIA và hợp nhất dưới một pháp nhân mới… Vậy kịch bản nào cho vụ M&A giữa Prudential và AIA tại Việt Nam?

Một vụ M&A kỷ lục

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn TBKTSG cách đây không lâu, ông Jamie Rains, Tổng giám đốc AIA Việt Nam, cho biết mặc dù thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam trong năm 2009 chỉ tăng 10%, nhưng AIA Việt Nam có mức tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm mới hơn 79%, tổng doanh thu phí bảo hiểm tăng 25%. Công ty đã đạt tốc độ tăng trưởng bình quân trong chín năm là 22%/năm.

Chính thức hoạt động tại Việt Nam từ tháng 3-2000, đến nay AIA Việt Nam đã phát triển được hơn 12.000 đại lý rộng khắp các tỉnh, thành, có gần 400 nhân viên, hơn 300.000 khách hàng, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt hơn 780 tỉ đồng (tính đến ngày 31-12-2009).

Riêng ba năm trở lại đây, AIA Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng bình quân khá cao, trên 42% năm.

So sánh về tiềm năng tăng trưởng với các thị trường bảo hiểm nhân thọ tại một số quốc gia và vùng lãnh thổ khác như Hồng Kông, Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, Úc…, ông Rains cho rằng Việt Nam là một thị trường mới nổi, lĩnh vực bảo hiểm vẫn còn mới, cơ cấu dân số trẻ, do đó tiềm năng vẫn còn rất lớn khi mới chỉ có 5% dân số mua bảo hiểm. Do vậy, năm 2010 AIA Việt Nam có kế hoạch tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm tối thiểu 50%.

Còn theo thông tin trên website của Prudential Việt Nam, hiện công ty đang dẫn đầu về thị phần doanh thu phí bảo hiểm (hơn 41%) lẫn số lượng hợp đồng bảo hiểm với hơn 1,67 triệu hợp đồng. Bên cạnh đó, Prudential Việt Nam còn có hệ thống hơn 150 trung tâm phục vụ khách hàng, văn phòng chi nhánh và văn phòng tổng đại lý trên toàn quốc. Sau 10 năm có mặt tại Việt Nam, hiện Prudential đã trở thành một thương hiệu mạnh, với mức độ nhận biết trên 90%.

Qua đó dễ dàng thấy rằng sự hợp nhất AIA vào Prudential không chỉ nâng cao năng lực cạnh tranh, mà còn góp phần nâng thị phần của Prudential tại Việt Nam lên khoảng 47%.

Sự sáp nhập này của hai công ty, theo ông Quan Đức Hoàng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty AI Capital, sẽ bổ sung những khiếm khuyết cho nhau. Qua đó, tăng thêm nhiều tiện ích, sản phẩm phong phú hơn trước, giúp cho khách hàng của cả hai có thêm nhiều chọn lựa. Điều đó cũng đồng nghĩa đây sẽ là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam trong tương lai.

Hậu sáp nhập

Qua những thông tin trên có thể thấy, sức mạnh sau hợp nhất của Prudential và AIA sẽ đặt áp lực lên các hãng bảo hiểm khác đang hoạt động tại Việt Nam như Dai-ichi Life Việt Nam, Prévoir, ACE Life, Great Eastern, Cathay Life, Korealife… về mục tiêu tăng trưởng nhanh. Thị phần của các doanh nghiệp này còn khá thấp và mức độ hiện diện, nhận biết thương hiệu còn khá mới trong khi Prudential và AIA có mặt tại Việt Nam từ rất sớm.

Mặc dù vậy, thương vụ này không hẳn chỉ toàn thuận lợi, cho dù cả hai cùng là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, thủ tục pháp lý đơn giản hơn trường hợp chuyển nhượng Công ty Bảo Minh CMG cho Dai-ichi trước đây, và Prudential vẫn sẽ giữ thương hiệu AIA, thông điệp đã được chuyển tải trong thông cáo báo chí của tập đoàn Prudential mẹ.

Đối với quyền lợi, nghĩa vụ của khách hàng cả hai công ty đều khẳng định vẫn đảm bảo thực hiện đầy đủ theo như cam kết trước đó trong hợp đồng và theo luật kinh doanh bảo hiểm hiện hành. Hiện nay, cả hai công ty vẫn hoạt động bình thường. Các hoạt động chăm sóc, tư vấn khách hàng vẫn không có gì thay đổi, đại diện Prudential và AIA tại Việt Nam cho biết.

Theo ông Hoàng, cái khó trong các vụ M&A vẫn là văn hóa doanh nghiệp. Prudential là của Anh và AIA là tập đoàn của Mỹ. Điều này sẽ khiến hai công ty mất nhiều thời gian cho việc hội nhập vì cả hai đều có thị phần, nhân sự và hệ thống đại lý rộng lớn trên toàn quốc. Quá trình chuyển đổi hợp đồng (nếu có), việc củng cố chính sách… cũng sẽ mất thời gian.

Khó khăn kế tiếp là sự trùng lặp những gì đã có, như văn phòng đại lý, nhân sự… phải sắp xếp, cơ cấu lại. Việc cắt giảm nhân sự sau khi sáp nhập có lẽ còn khó khăn hơn rất nhiều. Ở bất kỳ cấp bậc nào, nhân viên của hai công ty AIA và Prudential cũng đang lo ngại cho vị trí của mình vì sau khi sáp nhập chắc chắn Prudential sẽ phải sắp xếp lại bộ máy nhân sự và hệ thống đại lý một cách hợp lý.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới