Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kinh nghiệm từ nước ngoài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh nghiệm từ nước ngoài

Hoàng Xuân Phương

(TBVTSG) – Chứng thực số (Digital Certificate) được xem là một trong những nền tảng của các hoạt động thương mại điện tử và nhiều loại giao dịch trực tuyến khác nhằm giúp bên mua và bên bán hay các đối tác nhận dạng tính xác thực của các nội dung liệt kê trong văn kiện ảo, thường bao hàm hàng hóa, dịch vụ, khoản tiền, và nhất là chữ ký điện tử.

Cung cấp chứng thực số là một nghề đặc trưng của loại hình chợ điện tử. Qua đó nhà chứng thực chữ ký số (Certificate Authority – CA) cung cấp cho mỗi khách hàng trong mỗi giao dịch một chìa khóa nhận dạng gọi là khóa công khai (Public Key) để các bên đối tác tiến hành các bước giao dịch trong sự tin cậy, an toàn, nhanh chóng với chi phí thấp.

Cũng như ở Việt Nam hiện nay, nền thương mại điện tử của nhiều nước trong thập niên 1990 đã trải qua những bước khởi động với nhiều kinh nghiệm, lắm cơ hội và đầy thách thức.

Cuộc khảo sát quy mô lớn nhất thực hiện nơi 38 nước trong năm 2000 bởi Liên hiệp Dịch vụ và Công nghệ thông tin thế giới (WITSA) cho thấy các nhân tố ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự thành công của thương mại điện tử gồm khả năng bảo đảm sự tin cậy cao, hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) tốt, lực lượng sử dụng công nghệ giỏi, những chính sách công hợp lý và việc áp dụng mức thuế vừa phải.

Các công ty có điều kiện phát triển loại hình thương mại này sớm nhất nếu có quy trình kinh doanh tương thích khả dĩ tích hợp cách mua bán điện tử vào cách mua bán truyền thống, có đủ vốn để đầu tư hệ thống buôn bán mới và có lượng khách hàng truyền thống cũng như tiềm năng sẵn sàng chấp nhận phương thức mua bán hay giao dịch mới.

Xác định những trở ngại chính

Nổi lên trong các nguyên nhân làm chậm trễ sự phát triển của thương mại điện tử là sự thiếu hiểu biết của xã hội vào loại hình buôn bán này (chiếm 21%) và sự thiếu tin cậy của khách hàng để thực hiện các giao dịch (26%). Thêm vào đó là tình trạng thiếu nhân lực (10%), sự không tương thích của các ngành kinh doanh khác (10%), nhà nước chưa có văn bản quy định cần thiết (8%) và doanh nghiệp thiếu vốn (7%). Tâm lý xã hội tỏ ra phân vân với giao dịch buôn bán qua mạng Internet phần lớn là vì không muốn tiết lộ bí mật cá nhân hay tình trạng doanh nghiệp (30,6%), sợ mất tiền khi làm ăn với công ty lạ (16,1%) hay mua phải hàng kém phẩm chất (4,8%) mà sau đó không biết khiếu nại vào đâu (16,1%), thậm chí sợ mất đi ảnh hưởng giữa các cá nhân (14,5%) và cuối cùng là những người vẫn giữ thói quen mua bán qua điện thoại hay thư điện tử (9,7%).

Sự thiếu tin cậy giữa các bên đối tác qua môi trường điện tử trực tuyến hay vô tuyến là trở ngại lớn nhất cần phải vượt qua. Người ta thấy mức độ thiếu tin cậy cao nhất nằm ở khâu thanh toán bằng kỹ thuật mới giữa các nền kinh tế khác nhau (25%), ở khâu an toàn hạ tầng CNTT có thể bị tấn công (17%) hay bị đánh cắp các nội dung mật (15%), ở tính xác thực của bên đối tác (14%), khả năng đáp ứng quy định khác nhau ở mỗi quốc gia (9%), việc đối phó với hậu quả của các giao dịch không thành (8%), sự thiếu các tiêu chuẩn quốc tế (6%) và thiếu biện pháp hữu hiệu để thu hồi tài sản bị chiếm dụng (4%).

Kinh nghiệm của các nhà cung cấp chứng thực số

Chính trong bối cảnh này mà các cơ sở hạ tầng khóa công khai (Public Key Infrastructure – PKI) được thiết lập như loại công cụ nhận dạng cho các bên đối tác thông qua hệ thống phát hành của các nhà cung cấp chứng thực số. Bản thân PKI cũng là công cụ điều hành nên các nhà cung cấp này phải được công nhận về mặt pháp lý hay được chỉ định thành lập ở mỗi quốc gia, và đến lượt mình các nhà cung cấp này công nhận lẫn nhau để tạo thành một mạng lưới quốc tế cho các giao dịch xuyên biên giới.

Một cuộc hội thảo quan trọng giữa các nhà quản lý và nhà cung cấp chứng thực chữ ký số (CA) của nhiều nước đã được tổ chức hồi tháng 12-2009 tại Saudi Arabia để cùng nhau đúc kết kinh nghiệm, nhận diện cơ hội và hợp sức đối phó với các vấn đề nảy sinh trong việc phát hành PKI đến các khách hàng. Trải qua nhiều năm khai thác, các nhà cung cấp thấy rằng phải triển khai các loại PKI khác nhau cho từng loại khách hàng từ các nhà buôn, kinh doanh tài chính, mua sắm tài sản công đến thẻ nhận dạng, phiếu chăm sóc sức khỏe và cả PKI sử dụng cho các giao dịch qua điện thoại di động.

Ở Ấn Độ, phần lớn khóa công khai được cấp cho các giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) và nhà nước với doanh nghiệp (G2B), tập trung vào bốn nội dung là chính phủ điện tử, cấp phát vốn, mua sắm tài sản công và khai báo đóng thuế. Tuy nhiên, do nhiều ngân hàng chưa chấp nhận chữ ký điện tử nên các giao dịch giữa doanh nghiệp với cá nhân (B2C) và nhà nước với cá nhân (G2C) vẫn chưa được triển khai. Malaysia có hai nhà cung cấp chứng thực số là DigiCert và TrusGate chủ yếu cấp khóa cho các giao dịch liên quan đến nhà nước. Chính sự nghèo nàn loại hình dịch vụ này đã kéo con số khách hàng từ 899.000 trong năm 2007 xuống còn 487.000 năm 2009.

Hàn Quốc là một mẫu hình thành công của thương mại điện tử nhờ phổ biến chứng thực số và chữ ký điện tử. Ở đây có đến 17 triệu người, tức khoảng một phần ba dân số, sử dụng chữ ký điện tử dưới sự quản lý của năm nhà cung cấp trong đó có ba công ty tư nhân. Các nhà cung cấp chứng thực số đều được bảo hiểm, vì thế họ chấp nhận chịu mọi trách nhiệm nếu xảy ra thiệt hại liên quan đến việc sử dụng PKI của khách hàng trong các giao dịch. Quy định của chính phủ bắt buộc phải sử dụng PKI trong các lĩnh vực mua sắm tài sản công, giao dịch ngân hàng qua Internet, thanh toán thẻ tín dụng và thực hiện các dịch vụ công trực tuyến theo kiểu nhà nước vì công dân (G4C).

Cơ hội phát triển thị trường chứng thực số

Các đại biểu tham dự cuộc hội thảo kể trên đến từ các quốc gia và các công ty có thị phần lớn như VeriSign đều có chung một nhận định rằng cơ hội phát triển thị trường chứng thực số còn rất lớn ở mỗi nước và mỗi lĩnh vực.Ngân hàng là lĩnh vực ưu tiên vì ở đó đã sẵn sàng để tích hợp dịch vụ tài chính với các thương vụ hay nhà đầu tư, làm cho các doanh nghiệp có PKI dễ dàng tiếp cận nguồn tài chính chính xác ở mọi nơi mọi lúc. Các ngân hàng tại Hồng Kông triển khai dịch vụ với tên gọi SMEloan cho doanh nghiệp vừa và nhỏ vay nhanh đến 128.000 đô-la Mỹ qua phương thức này.

Du khách Trung Quốc đến Singapore được hưởng các khoản vay tương tự nhờ sự liên kết giữa hai nhà cung cấp chứng thực số NETS của nước sở tại và China Union Pay được thành lập năm 2002 bởi khoảng 80 ngân hàng lớn ở Trung Quốc. Nhưng mối quan ngại lớn nhất của các ngân hàng là các loại khóa công khai hiện nay dễ tạo điều kiện cho họ bị theo dõi bởi ngân hàng khác và chịu sự giám sát của các tổ chức ngoài ngành.

Theo chuyên gia Youngchul Kang, khối lượng mua sắm công của Hàn Quốc trong năm 2008 lên đến 104 tỷ đô-la Mỹ gồm hàng hóa, dịch vụ và xây dựng công trình được thực hiện trong khuôn khổ KONEPS. Đây là một hệ thống buộc mọi giao dịch nhà nước phải thực hiện thông qua PKI của nhà cung cấp chứng thực số được chỉ định, nhờ đó mà công việc trở nên minh bạch chống tham nhũng và giữ đúng tiến độ.

Đại diện của VeriSign, ông Phil D’Angio, cho rằng xây dựng hạ tầng khóa công khai quốc gia sẽ rất có lợi cho cả chính phủ, doanh nghiệp và công dân. Ở Mỹ hạ tầng này là căn bản của các giao dịch chính phủ điện tử bao gồm cả G2G, G2B và G2C, quản lý hệ thống thẻ nhận dạng bao gồm Citizen ID & voting, Health ID, Government ID, Tax ID và quản lý hữu hiệu hệ thống hộ chiếu điện tử (e-Passport) với các dữ liệu nhân trắc.

Điện thoại di động ngày càng trở nên phổ dụng và tích hợp nhiều chức năng. Theo chuyên gia Antti Vihavaigen của hãng Valimo thì sự phát triển thị trường PKI cho loại phương tiện di động này là rất sáng sủa. Sẽ cần thay đổi một số chức năng và biện pháp bảo mật, nhưng các điện thoại có PKI trở thành một kênh độc lập thực hiện việc chi trả, phát và nhận lương hay các khoản tài trợ và thực hiện chức năng giao dịch ngân hàng từ việc tra cứu thông tin, kiểm tra tài khoản, nhận dạng đối tác đến việc thanh toán trực tuyến. Đưa chứng thực số vào điện thoại di động sẽ là một bước đột phá, tuy nhiên chi phí đầu tư cho hệ thống này không nhỏ, và người mua điện thoại phải trả những khoản tiền lớn.

_______________________

Tài liệu tham khảo

• WITSA – Thương mại điện tử thế giới – Điều tra 2000: http://www.witsa.org/papers/EComSurv.pdf

• UNESCAP – Phát triển hạ tầng tài chính điện tử: http://www.unescap.org/tid/publication/tipub2374_chap8.pdf

• NCDC – Kinh nghiệm phát triển hạ tầng khóa công khai: http://www.ncdc.gov.sa/pkiseminar2009/downloads/pki-report.pdf

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới