(KTSG Online) - Một trong những chuyển động thời sự trên thị trường tiền tệ nửa đầu tháng 9-2022 là sự tăng nhiệt của tỷ giá và lãi suất. Những phản ánh về thị trường này sẽ được ghi nhận trên KTSG bản in phát hành sáng mai, ngày 15-9.
Theo bài viết tựa đề Nóng tỷ giá, lãi suất của Thụy Lê, thanh khoản căng thẳng đã đẩy lãi suất tiếp tục tăng. Lãi suất liên ngân hàng có thời điểm leo lên mức cao nhất trong 10 năm qua. Trong khi đó, tỷ giá dự báo sẽ diễn biến khó lường hơn. Nếu như sự tăng giá đô la Mỹ những ngày qua là việc được chủ động thực hiện trong tầm kiểm soát thì khả năng tăng vọt của tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng sẽ chỉ mang tính nhất thời.
Và việc room tín dụng chính thức được nới trong lúc tình trạng thanh khoản hệ thống căng thẳng đang khiến nhiều ngân hàng liên tục điều chỉnh biểu lãi suất huy động (bài Lợi nhuận ngân hàng sẽ phân hóa theo room tín dụng mới được giao! của Linh Trang).
Cùng với bài viết “Cái giá” của ổn định tỷ giá, tác giả Phan Minh Ngọc đưa ra góc nhìn: dư luận và chính sách thường đặt mối quan tâm về khả năng “ổn định tỷ giá”, trong khi những tác động tích cực của tỷ giá tăng lên cán cân xuất nhập khẩu lại thường bị coi nhẹ, thậm chí bị hiểu sai.
Những ghi nhận khác trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng và trên thị trường chứng khoán:
VN-Index vẫn sẽ chịu tác động mạnh từ thị trường thế giới (Thanh Thủy): Dòng vốn “rẻ” ngày càng khan hiếm cộng với các cơ hội không thật sự rõ rệt đang ảnh hưởng lên dòng tiền chảy vào kênh chứng khoán.
Chứng khoán đã thôi hấp dẫn? (Triêu Dương): Yếu tố ảnh hưởng mạnh đến tâm lý đầu tư không chỉ là bối cảnh vĩ mô mà còn là niềm tin dành cho thị trường.
Cổ phiếu zombie (TS. Võ Đình Trí): Một số dấu hiệu cảnh báo giúp cho nhà đầu tư tránh được những doanh nghiệp zombie trên sàn.
Niêm yết cổ phiếu: cần một bộ lọc mới (Lưu Minh Sang): Khi một công ty tăng khống vốn điều lệ từ 1,5 tỉ đồng lên 4.300 tỉ đồng lại có thể lọt qua nhiều bộ lọc của sở giao dịch chứng khoán để niêm yết và xuất hiện trong rổ VN30, thì phải chăng cơ chế pháp lý về niêm yết cổ phiếu đang tồn tại những lỗ hổng?
Ngân hàng quy mô nhỏ vẫn có thể thắng (Lê Hoài Ân - Nguyễn Thị Như Hảo): Nhìn từ góc độ lợi thế cạnh tranh giữa các ngân hàng thương mại nhỏ so với các ngân hàng TMCP gốc quốc doanh, sự phát triển của hệ thống ngân hàng Việt Nam trong một thập niên qua cho thấy không phải người mạnh lúc nào cũng thắng.
Lừa đảo tài chính: Các ngân hàng không vô can (Châu Phan): Sự non kém, thiếu trách nhiệm, thậm chí là sự thông đồng của nhân viên ngân hàng, cũng như quy trình kiểm tra, giám sát rủi ro liên quan đến mở và duy trì tài khoản ngân hàng của khách hàng là một trong những nguồn cơn của nạn lừa đảo tài chính.
Một cụm nội dung về “tương lai điện nông nghiệp” gồm các bài viết:
“Điện nông”- liệu có thể hiện thực hóa tiềm năng? (Xuân Hỷ): Ngành công nghệ điện mặt trời trong nông nghiệp đang mở cánh cửa mới cho phát triển bền vững và sản xuất năng lượng tái tạo. Các công trình nghiên cứu trên thế giới chỉ ra rằng, nguồn năng lượng tái tạo kết hợp với sản xuất nông nghiệp có tiềm năng cải thiện an ninh nước, năng lượng và lương thực.
Kiếm thêm tiền dưới tấm pin mặt trời (Song Hảo): Có những nguồn hoa lợi mới từ các tấm pin mặt trời…
Điện mặt trời từ đồng lúa (Thảo Nguyên): Các dự án thử nghiệm sản xuất điện mặt trời từ các cánh đồng lúa đang được triển khai ở nhiều làng quê Hàn Quốc, tăng thêm thu nhập và phúc lợi cho dân làng. Bên cạnh đó là cơ hội mở rộng ra thị trường nước ngoài.
Các đề tài kinh tế, kinh doanh, văn hóa - xã hội theo dòng thời sự:
Mục tiêu chưa rõ làm sao quyết định! (mục Ý kiến): Trong tháng 9-2022, Bộ Giao thông Vận tải trình dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, nhưng mục tiêu khai thác của dự án này thì vẫn chưa rõ ràng.
Doanh nghiệp than hiện tượng “vẽ rắn thành rồng” (Quốc Hùng): Chính quyền TPHCM luôn khẳng định quyết tâm tạo môi trường đầu tư thông thoáng, phát triển kinh tế tốt, nhưng thực tế từ góc nhìn của doanh nghiệp cho thấy chiều hướng ngược lại.
Đừng xem phát triển kinh tế số như thành tích! (Bùi Trinh): Cần phải xem xét xem là kinh tế số giúp cho chi phí trung gian giảm bao nhiêu, giá trị tăng thêm bao nhiêu…, và đặc biệt, ảnh hưởng đối với thất nghiệp là như thế nào.
Trồng và “xuất khẩu” nông sản tại chỗ, tại sao không? (Ricky Hồ): Thay vì đưa hàng nông sản cao cấp đi một quãng đường xa vào Thái Lan, Nhật Bản đã trồng nông sản ngay tại Thái Lan để bán cho thị trường nước này. Chính phủ Nhật Bản đứng đằng sau các nỗ lực tìm kiếm thị trường nước ngoài cho nông sản Nhật theo cách này.
Từ chuyện quán cà phê Thượng Hải nghĩ về thị trường cà phê Việt Nam (Hồ Nguyên Thảo): Đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu cà phê, có nền văn hóa cà phê sắc nét cộng với tinh thần dấn thân khởi nghiệp của các doanh nghiệp, con đường phát triển của ngành cà phê Việt Nam còn rộng thênh thang…
Những giới hạn pháp lý của nghề chấp bút (Nguyễn Lương Sỹ): Dịch vụ viết thuê liên quan trực tiếp đến “người chấp bút” đang đặt ra nhiều vấn đề pháp lý cần lưu ý.
Sàn giao dịch giáo án: Làm thế nào để phát triển lành mạnh? (Song Nghi): Thị trường giáo án, bài giảng điện tử trở nên sôi nổi vì cần có bài giảng và giáo án cập nhật theo sách giáo khoa mới. Nhưng để thị trường này phát triển lành mạnh thì cần sớm có nhiều giải pháp đồng bộ, từ pháp lý, công nghệ đến mô hình kinh doanh phù hợp.
Không gian pháp lý miễn phí giữa vòng vây thách thức đương đại (Lê Vũ Vân Anh): Bài toán về giới hạn quyền sở hữu trí tuệ (nhằm cân bằng lợi ích giữa hoạt động sáng tạo và sự lưu thông của dòng chảy ý tưởng và thông tin vì lợi ích xã hội) không phải là một đề bài dễ dàng.
Đất không lành làm sao chim đậu? (Liên Diệp): Những tấm ảnh, thước phim ghi lại cảnh sếu “khiêu vũ” trên Tràm Chim đẹp đến nao lòng giờ chỉ còn là quá khứ đầy nuối tiếc…
Nếu Đà Lạt là thành phố âm nhạc... (Nguyễn An Nam): Đi cùng với tư duy xây dựng Đà Lạt thành “thành phố sáng tạo trong lĩnh vực âm nhạc”, các nhà quản trị đô thị cần tạo các cơ chế khai phóng, cổ vũ sáng tạo, kêu gọi đầu tư kinh doanh sản phẩm sáng tạo và thiết lập mạng lưới dịch vụ lý tưởng, chuyên nghiệp làm nền tảng.
Để có khu dân cư xanh, sạch đẹp (TS. Nguyễn Minh Hòa): Việc duy trì xanh, sạch một khu dân cư hàng trăm hộ dân với hàng chục trục đường, con hẻm là điều khó nếu không biết kết hợp giữa ý thức công dân và sự chế tài của luật pháp.
Từ xã hội tiêu dùng đến thương hiệu (Thiên Kim): Trong xã hội tiêu dùng hôm nay, dù giàu hay nghèo, chúng ta đều là những “người tiêu dùng hiện đại”.
Trăn trở việc xây nhà hát (Khánh Nguyên): Một công trình văn hóa phải phục vụ cho nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của số đông hoặc phải lượng hóa được về hiệu quả kinh tế. Bằng không, đó sẽ là mảnh đất dung dưỡng cho lãng phí, tiêu cực, khó nhận được sự đồng thuận từ người dân.
Trò chuyện cùng con (An An): Đồng hành trong hành trình phát triển những kỹ năng mềm của con trẻ, các bậc phụ huynh cũng cần có kỹ năng…
Các ghi chép tản mạn của Trần Thanh Bình (bài Mùa bồ quân sót lại) và của Vũ Thị Huyền Trang (bài Mở lòng... cho đời mình dễ chịu).
Các đề tài kinh tế thế giới:
Vương quốc Anh: thời khắc chuyển giao (Hồ Quốc Tuấn): Hầu hết các phân tích về kinh tế Anh sau khi nữ hoàng Anh mất đều cho cái nhìn về một nước Anh đang đứng trước một thời khắc chuyển giao đầy thử thách.
Chuyện gì sẽ xảy ra khi Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo? (Lạc Diệp): Việc Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo được dự báo sẽ khiến cho lạm phát trên toàn cầu trở nên trầm trọng hơn, đồng thời gia tăng sức ép lên chuỗi cung ứng lương thực.
Kinh tế Mỹ và châu Âu suy yếu làm Đông Nam Á lo (Song Thanh): Nguy cơ suy thoái kinh tế tại châu Âu và Mỹ điều mà các nước Đông Nam Á quan tâm sâu sắc, bởi đây là những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của khu vực này.
Từ “đào” sang “xổ số” (Nguyễn Vũ): Sau cú sụt giá không phanh của các đồng tiền mã hóa, sự thay đổi công nghệ vận hành đồng Ethereum sắp tới đây sẽ có tác động mang tính sống còn đối với tương lai tiền mã hóa.
Vì sao con người muốn quay lại mặt trăng? (Thư Kỳ): Không chỉ riêng NASA của Mỹ, các nước khác cũng có nhiều chương trình liên quan đến mặt trăng. Tất cả đều muốn dùng mặt trăng làm bàn đạp thám hiểm xa hơn đến các hành tinh khác.
Mời bạn đọc đón xem!