(KTSG Online) – Kỹ xảo điện ảnh có mặt ở Việt Nam từ khoảng hai thập niên qua, nhưng chỉ được biết đến là làm gia công cho thế giới chứ chưa thật sự ghi điểm với người xem qua các dự án trong nước. Thực tế cho thấy, ngành kỹ xảo điện ảnh (Visual Effects – VFX) vẫn đang dò dẫm, tìm cơ hội trong nước với những dự án bị phụ thuộc vào quy mô thị trường, vốn sản xuất phim, cùng những nỗi niềm về nhân lực.
- Phát triển du lịch bền vững từ ‘nội lực’ âm nhạc, điện ảnh
- Các quỹ đầu tư đang chuyển dòng vốn vào phim trực tuyến và điện ảnh Hàn Quốc
Tính từ năm 2020 đến nay, Việt Nam “mọc lên” khá nhiều studio mới, đa phần có vốn đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài. Các thành phố lớn là nơi tập trung chính các studio làm hậu kỳ, kỹ xảo, bởi các địa phương này có nhiều tiềm năng. Tại đây, hoạt động giải trí đang được đẩy mạnh, các ứng dụng xem phim trả tiền phát triển. Bên cạnh đó còn có lực lượng nhân công giá rẻ, đội ngũ trẻ chịu khó học hỏi.
Tuy vậy, ứng dụng kỹ xảo ở không ít dự án phim Việt đã bị khán giả “chê”. Các cảnh quay cần dùng hiệu ứng, kỹ xảo hậu kỳ như cảnh zombie (xác sống), khoa học viễn tưởng, hành động giật gân… chưa để lại ấn tượng.
Tất nhiên, kịch bản phim hay vẫn là mấu chốt quyết định sức sống của một bộ phim, nội dung không tốt thì làm cách mấy cũng không cứu được. Song, có phim đã thành công trong thể loại “kén khách” nhờ kịch bản tốt, nhưng vẫn khó “tròn trịa” cảnh phim dùng kỹ xảo đạt tính thẩm mỹ cao, chân thật, thuyết phục khán giả.
Theo nghiên cứu của trang Research and Markets, 90% phim hoạt hình, chương trình truyền hình của Mỹ được sản xuất tại châu Á. Trong khu vực này, đội ngũ nghệ sĩ VFX (VFX Artist) Việt Nam cũng ghi dấu ấn không ít ở các dự án bom tấn Hollywood, gần đây nhất là nhiều phim trên Netflix, Disney+... như Chicken Nugget, The Glory (Vinh quang trong thù hận), Moving, Đại hải chiến Noryang: Biển chết, Biên Niên Sử Arthdal...
Vậy thì đến khi làm kỹ xảo cho các bộ phim trong nước lại bị không ít khán giả chê kém là do đâu? Một số studio tiết lộ, chiếm hơn 50% những bộ phim gia công “ăn tiền” do công ty thực hiện đều đến từ nước ngoài. Các dự án phim trong nước ít hơn, một vài nhà sản xuất giải quyết chuyện tài chính eo hẹp bằng cách kêu gọi các studio đầu tư cho phần hậu kỳ phim.
Chi phí sản xuất kỹ xảo điện ảnh không thấp, trung bình từ vài trăm triệu đến vài tỉ đồng tùy vào quy mô, mức độ yêu cầu từ phía đạo diễn, giám đốc hình ảnh. Song, kinh phí làm phim ở Việt Nam thường không quá lớn bởi quy mô thị trường chưa rộng, khả năng hoàn vốn cho các dự án còn phụ thuộc vào nhiều thứ. Theo đại diện CGV, cả nước hiện có 1.115 phòng chiếu phim, với 218 cụm rạp cho 100 triệu dân, khách hàng trên thị trường xem phim khoảng 50 triệu lượt/năm với số lượng thực tế người ra rạp 5-8 triệu người/năm.
Số lượng phim nội địa đạt doanh thu trên trăm tỉ đồng còn ít ở Việt Nam, lượng phim ra rạp mỗi năm cũng chỉ trên dưới 30-40 phim, sau dịch số phim ít hơn, tỷ lệ phim "thắng" (về doanh thu) khởi sắc qua từng năm nhưng vẫn ở dạng “đếm trên đầu ngón tay”...
Nhiều người trong lĩnh vực này cho rằng chính các lý do trên khiến các nhà sản xuất đôi khi chưa mạnh tay “xuống tiền” cho các dự án cần kỹ xảo hoành tráng, mãn nhãn, đặc biệt với những thể loại chưa phổ biến ở Việt Nam.
Như vậy, có thể thấy đội ngũ nghệ sĩ làm VFX giỏi luôn có sẵn, nhưng không có nhiều cơ hội đồng hành cùng dự án trong nước bởi vấn đề chi phí sản xuất hạn chế.
Mặt khác, việc đào tạo và giữ chân nhân sự trong ngành công nghiệp giải trí "tỉ đô" này cũng là vấn đề lớn, bởi lẽ trong nước chưa có đơn vị chính quy đào tạo bài bản ngành học. Hệ thống giáo trình, tài liệu, đa số được kế thừa từ kho nước ngoài hoặc theo kiểu tiền bối đời đầu (tu nghiệp tại nước ngoài, ở các nước phát triển ngành công nghiệp kỹ xảo điện ảnh như Úc, Canada, Mỹ...) cầm tay chỉ việc hay người học tự tìm tòi, đăng ký khóa học. Việc hướng nghiệp cho người trẻ ở ngành nghề này vẫn chưa phổ biến ở các cơ sở đào tạo.
Điều đó khiến thị trường lao động rơi vào tình trạng thiếu người giỏi, thừa người không chuyên. Người giỏi tìm kiếm cơ hội ở các thị trường nước ngoài sôi động hơn vì dự án, hợp đồng đổ về liên tục, môi trường phát triển.
Có lẽ, ngành kỹ xảo điện ảnh Việt Nam muốn vươn lên mạnh mẽ trong tương lai thì cần nhận sự hỗ trợ, nhìn nhận lại chính sách thuế, có sự quan tâm, ưu ái đầu tư đúng mức của Nhà nước, để nguồn nhân lực trong nghề này phát triển đông hơn, trình độ chuyên môn đồng đều hơn, không chỉ làm gia công nghệ thuật cho các dự án nước ngoài mà còn cho các dự án trong nước.