Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lại kiểm tra!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lại kiểm tra!

Bảng thông báo về bắn tốc tộ được đặt bên lề quốc lộ 20, đoạn gần ngã ba Dầu Giây nhưng nhiều xe vẫn phóng nhanh trên đoạn đường này – Ảnh: Mộng Bình

(TBKTSG Online) – Các nhà chức trách ngành giao thông vận tải cuối cùng đã có những hành động cụ thể nhằm chấn chỉnh lại an toàn giao thông đường thủy sau vụ chìm đò tang thương xảy ra vào ngày 25-1 tại Quảng Bình, làm thiệt mạng 42 người.

Bộ Giao thông Vận tải vừa đề nghị thành lập ngay hai đoàn đi kiểm tra các bến đò trên phạm vi cả nước trong hai ngày 3 và 4-2, và cũng tỏ rõ quyết tâm thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về an toàn giao thông đường thủy.

Một hành động đáng chú ý khác là việc việc biểu dương, khen thưởng cho 5 người dân đã dũng cảm lao mình vào dòng sông Gianh để cứu sống 35 người gặp nạn trong vụ chìm đò thuộc xã Quảng Hải, huyện Quảng Trạch vào đúng ngày 30 tết.

Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là liệu quyết tâm và hành động của các quan chức ngành giao thông vận tải có kéo dài mãi đến khi giao thông đường thủy ở Việt Nam được đảm bảo, hay chỉ là nhất thời và chỉ thực hiện mỗi khi có tai nạn xảy ra.

Còn nhớ sau vụ chìm tàu Diễm Tín ở khu vực đảo Hòn Khoai (Cà Mau) ngày 30-4-2004 làm 39 người thiệt mạng, các quan chức ngành giao thông vận tải địa phương và trung ương cũng đã tuyên bố nào là chấn chỉnh việc thực hiện các quy định an toàn giao thông đường thủy.

Nhưng từ đó đến nay, nhiều vụ tai nạn đường thủy khác tiếp tục xảy ra đã cướp đi sinh mạng của hàng chục người. Những tai nạn thương tâm đã được nêu trên báo, đài như vụ chìm đò ở Chôm Lôm (Nghệ An) làm thiệt mạng 19 học sinh và vụ chìm đò tại huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) làm 5 học sinh thiệt mạng là hai trong nhiều ví dụ.

Nhiều người dân vẫn còn bị chết oan uổng, và nhiều người khác đang trao sinh mạng của họ cho các chủ ghe, thuyền chở khách tự phát không đảm bảo an toàn, hoàn toàn không có áo phao cứu sinh. Sau vụ chìm tàu Diễm Tín, cũng đã từng có quan chức tuyên bố việc buộc các chủ ghe, thuyền chở khách phải trang bị áo phao nhưng chúng ta có thể kiểm chứng tính hiệu quả của những lời này tại các bến đò khắp cả nước hiện nay.

Hàng ngày, có biết bao chuyến đò ngang đưa khách qua sông nhưng thử hỏi trong số các chuyến đò này có bao nhiêu chuyến được trang bị phao cứu sinh? Có thể các chủ đò biện hộ rằng họ rằng họ không có tiền mua áo phao cho khách của họ, nhưng ngay cả các chủ tàu du lịch, tào cao tốc cũng vẫn thản nhiên rời bến ngay cả khi khách không mặc áo phao hoặc chưa được thông báo về nơi để lấy áo phao khi tàu có sự cố.

Tại khu đảo du lịch nổi tiếng Langkawi (Malaysia), các lái tàu du lịch loại nhỏ sẽ không rời bến chừng nào tất cả các du khách chưa mặc áo phao. Có lần một nhóm du khách Việt Nam không chịu mặc áo phao với lý do là không thoải mái thì người hướng dẫn viên giải thích đó là quy định và nhiệm vụ của anh ta là hướng dẫn du khách chấp hành đúng quy định đó.

Tất nhiên người hướng dẫn viên này cũng tự giác mặc áo phao dẫu rằng chiếc áo phao có thể khiến anh ta bị vướng víu trong công việc giới thiệu các danh thắng của tour du lịch biển này. Nhưng đối với anh ta thì an toàn cho du khách và bản thân anh ta là trên hết, và khi tất cả mọi người an toàn thì chuyến du lịch mới vui.  

Ở Việt Nam, không biết đã có bao nhiêu quy định được người dân chấp hành một cách nghiêm túc? Trưa nay, chương trình thời sự của VTV đã đưa tin có nhiều người ở phía Bắc du xuân trên xe gắn máy qua các đường làng, đường phố mà “quên” đội nón bảo hiểm, và cũng chẳng thấy công an giao thông xử phạt các trường hợp vi phạm.

Từ trước tết, Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai đã dựng nhiều bảng thông báo dọc quốc lộ 1A và 20 với nội dung “TUYẾN ĐƯỜNG THƯỜNG XUYÊN TỔ CHỨC BẮN TỐC ĐỘ CÁC LOẠI XE”. Theo quan sát của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, nhiều loại xe vẫn ngang nhiên vượt ẩu, phóng nhanh quá tốc độ cho phép, gây nguy hiểm cho các phương tiện khác cùng lưu thông trên đường, nhưng cũng chẳng thấy bóng công an tổ chức bắn tốc tộ để kiểm tra, xử lý các xe vi phạm. Có thể những bảng thông báo này chỉ được dựng lên với mục đích răn đe các tài xế ít chạy trên các tuyến này hơn là các tài xế xe khách, các xe khác thường xuyên chạy qua các tuyến đường này.   

Những biện pháp thực tế, hiệu quả để ngăn chặn vi phạm an toàn giao thông cả đường thủy lẫn đường bộ hiện cần hơn là các hành động mang tính phong trào, hết kiểm tra rồi lại kiểm tra sau mỗi lần tai nạn xảy ra.

BÌNH NGUYÊN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới