Thứ năm, 21/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Làm gì để đón làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng ngành điện tử?

Vân Ly

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Ngày 4-10, tại Hà Nội sẽ diễn ra Diễn đàn CEO có chủ đề “Đón nhận làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng ngành điện tử”.

Diễn đàn do Kinh tế Sài Gòn phối hợp cùng Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA), nhãn hàng Tôn ColorbondⓇ thuộc Công ty NS BlueScope Việt Nam, cùng với sự đồng hành của Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) và Cộng đồng Quản lý sản xuất chuyên nghiệp (VPMC) tổ chức.

Diễn đàn sẽ là cầu nối giữa các chuyên gia, các ban ngành, tổ chức, doanh nghiệp cùng chia sẻ, hiến kế giúp ngành công nghiệp điện tử Việt Nam tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Bên cạnh đó đề ra những giải pháp và công cụ, tận dụng triệt để những lợi thế mà xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng mang lại, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Dưới tác động của đại dịch Covid-19, xung đột Nga - Ukraine, chính sách Zero-Covid của Trung Quốc, đã khiến giá nhiên liệu, nguyên liệu tăng cao, chuỗi cung ứng sản xuất linh kiện bị gián đoạn... ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành công nghiệp hỗ trợ, nhất là ngành công nghiệp sản xuất linh kiện điện tử.

Trước những tác động trên, ngành công nghiệp sản xuất linh kiện điện tử thiếu vật liệu sản xuất, các doanh nghiệp điện tử Việt Nam đã phải cắt giảm sản lượng; đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động, nhất là lao động có tay nghề trình độ cao.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp điện tử cũng có những điểm sáng trong thời kỳ này, như việc được hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng, các hãng lớn dịch chuyển nhà máy, chuỗi sản xuất từ Trung Quốc sang các nước xung quanh, trong đó có Việt Nam.

Diễn đàn CEO “Đón nhận làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng ngành điện tử” được tổ chức với 5 tham luận và 1 tọa đàm.

Trong đó có tham luận “Tổng quan ngành điện tử, những tác động từ cơ chế, chính sách mới của Nhà nước đến ngành điện tử” do ông Phạm Tuấn Anh, Phó cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương trình bày.

Đại diện Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương sẽ chia sẻ đến các doanh nghiệp về nhu cầu của thị trường, xu hướng phát triển sau dịch Covid-19 có gì khác so với trước đây. Bên cạnh đó Cục Công nghiệp nêu ra những cơ chế, chính sách mới của Chính phủ, định hướng của Chính phủ cho ngành điện tử tương lai.

Tham luận thứ 2 có nội dung “Nhu cầu triển vọng và xu hướng chọn lựa nhà cung cấp/gia công của các nước lớn trên thế giới” do lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) trình bày.

Tại tham luận này diễn giả trình bày những nhu cầu, triển vọng và xu hướng của ngành, liên quan đến việc chọn lựa nhà cung cấp/gia công của các nước lớn trên thế giới. Qua đó các công ty điện tử Việt Nam sẽ nhìn ra những cơ hội để phát triển đường dài.

Tham luận 3 do Tham tán Thương mại các nước trình bày với nội dung “Hướng đi nào cho doanh nghiệp phát triển và cạnh tranh đường dài trong chuỗi cung ứng?”

Tham luận này cho thấy việc đứng trước ảnh hưởng chung của thị trường, các doanh nghiệp đang phải đối mặt với tình trạng chuỗi cung ứng bị đứt gãy, chi phí cho nguyên liệu đầu vào, logistics… tăng cao nhưng đầu ra của sản phẩm lại phải đối mặt với nhiều khó khăn, điển hình là sự cạnh tranh khốc liệt về giá thành và chất lượng, cũng như nhìn ra được những cơ hội để phát triển đường dài...

Thông qua diễn đàn, diễn giả chia sẻ và hiến kế giúp các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gắn kết với nhau hơn nữa, thúc đẩy quá trình hội nhập, góp phần vào sự thành công chung của ngành và quốc gia.

Tham luận 4 có nội dung “Các ‘ông lớn công nghệ’ cần gì từ những đối tác của họ?” do đại diện lãnh đạo đến từ doanh nghiệp nước ngoài trình bày.

Tham luận này mang đến những góc nhìn của các hãng lớn, đưa ra những tiêu chí, những yêu cầu mà các hãng lớn đang cần từ đối tác của họ. Từ đó các doanh nghiệp nhìn nhận ra hướng đi, trở thành nhà cung cấp/gia công cho các hãng lớn này, tiến dần vào chuỗi mắt xích trong chuỗi cung ứng của ngành. Bên cạnh đó, thông qua tham luận này các doanh nghiệp sẽ thấy những cơ hội mở rộng hợp tác dài hơi trong và ngoài nước.

Một tham luận nữa có nội dung “Tháo gỡ khó khăn, giải pháp cho chất lượng nhà xưởng trong công nghiệp điện tử và linh kiện tử” do bà Lâm Tố Trinh – Phó tổng giám đốc Sáng tạo đổi mới và Phát triển kinh doanh NS BlueScope Việt Nam, trình bày.

Chất lượng nhà xưởng là một trong những yếu tố thể hiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đặc biệt khi các tiêu chuẩn quản lý, xuất nhập khẩu hàng hóa từ nhà đầu tư ngày càng tăng cao. Tại tham luận này, các doanh nghiệp sẽ được tiếp cận với các giải pháp mới, đột phá nhằm hạn chế các khó khăn đang gặp phải trong việc xây dựng và duy trì nhà xưởng chất lượng cao cho ngành điện từ và linh kiện điện tử.

Sau các phần tham luận, trình bày, các diễn giả sẽ tham gia phần tọa đàm bàn tròn với nội dung: Giải pháp để doanh nghiệp phát triển và cạnh tranh đường dài trong chuỗi cung ứng.

Các diễn giả sẽ trao đổi để làm rõ hơn về sự phát triển và cạnh tranh đường dài cho các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới