Thứ tư, 1/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Làm sao giữ lấy đức tin giữa thời buổi nhiễu nhương?

Đoàn Khắc Xuyên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - “Bây giờ, lúc rạp mình trước đức Phật là lúc tâm chúng sinh bất an nhất. Đứng ở đền chùa, thấy lòng người đang loạn lạc rõ ràng hơn bất cứ chỗ nào. Vỡ đê đạo đức, vỡ đê đức tin...”.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã viết như thế trên trang Facebook của mình giữa những ngày xã hội hoang mang, xáo động bởi những hình ảnh phản cảm, trần trụi ở một nơi mà, theo lẽ thường, người ta tin phải là nơi thanh tịnh nhất, thoát tục nhất, giúp tâm hồn con người hướng thượng nhất.

Ấy vậy mà chưa bao giờ như bây giờ, với mạng xã hội, con người bị ngập chìm giữa biển thông tin thượng vàng hạ cám, trắng đen lẫn lộn, thật giả mơ hồ, tích cực lẫn tiêu cực ập đến cùng lúc, trong thời gian thực. Người ta chưa kịp ngoi lên khỏi đợt sóng thông tin này thì đã bị đợt sóng khác đè lên, trôi giạt, không biết bám vào đâu để định hướng cuộc sống trước những ảo ảnh tan vỡ, niềm tin hóa ra đặt không đúng chỗ.

Mạng xã hội, trong khi nối kết con người với nhau và làm cho con người ngập tràn thông tin theo thời gian thực thì cũng đồng thời tạo điều kiện cho sự xuất hiện của không ít những KOLs (người dẫn dắt dư luận), những influencers (người gây ảnh hưởng) rao giảng toàn những điều tốt đẹp, linh thiêng nhưng lại dẫn dắt con người vào chỗ u mê, lầm lạc.

Những người này nắm được tâm lý đám đông, nắm được nhu cầu của con người về một chỗ dựa cho niềm tin đang lung lay trước hiện thực không như trông đợi, đồng thời với đó là sự yếu đuối, nhẹ dạ, dễ bị tác động, bị sai khiến của đám đông để rồi tự đánh bóng mình như những người được thánh thần giao cho sứ mệnh mang chân lý đến cho con người. Nhưng trên thực tế, nhiều influencers hóa ra chỉ là những ngụy sứ giả lợi dụng sự chơi vơi, hoang mang, mất niềm tin của con người để phục vụ cho những mục tiêu nhiều khi hoàn toàn trần tục, thậm chí dẫn dắt người ta đến chỗ mê muội. Chính vì vậy mà, như Nguyễn Ngọc Tư nói, “đứng ở đền chùa, thấy lòng người loạn lạc rõ hơn bất cứ chỗ nào”.

Chuyện không chỉ mới hôm qua mà đã tồn tại từ khá lâu. Việc những người có ảnh hưởng xã hội, qua hành động và phát ngôn của họ, lộ ra là những ngụy sứ giả càng làm xói mòn thêm niềm tin vốn đã vơi đi nhiều của xã hội vào những điều chân thực và tốt lành, dẫn đến “vỡ đê đạo đức, vỡ đê đức tin”.

Nhưng con người có thể nào sống thiếu niềm tin hay đức tin? Và trong thời buổi nhiễu nhương, thật giả, vàng thau lẫn lộn này, con người biết đặt niềm tin vào đâu cho đúng chỗ, dựa vào đâu để định hướng cuộc sống?

Suy cho cùng, dù thế nào, dù có tin hay không tin vào một tôn giáo nào thì trong sâu thẳm mỗi con người vẫn luôn có một ngọn đèn, một cái neo mà ta gọi là lương tâm. Chính lương tâm là sức mạnh bẩm sinh trong mỗi con người khiến con người là con người, giữ được tính người. Trong nhiễu nhương, hãy để lương tâm lên tiếng; trong tình trạng trôi giạt, hãy neo vào cái neo lương tâm; trong u mê hãy để ngọn đèn lương tâm, vốn thường khi bị che khuất, được tỏa sáng. Lương tâm sẽ giúp ta phân biệt được chân-giả, tốt-xấu, giúp ta tỉnh táo trước những ngụy sứ giả, giúp ta giữ được tính người.

Lẽ đương nhiên, lương tâm - cái ngọn đèn bên trong mỗi con người ấy - cũng phải được nuôi dưỡng, như cái tốt phải được nuôi dưỡng. Phải thường xuyên đối thoại với lương tâm, phải thường xuyên cọ xát, trau dồi thì lương tâm mới có thể tỏa sáng. Đó là trên bình diện cá nhân.

Trên bình diện xã hội, ai cũng biết để chống lại nạn mê tín và sự u mê, tránh cho con người khỏi trở thành nạn nhân của mọi chiêu thức lung lạc và lừa mị thì phương cách duy nhất là dốc sức phát triển tư duy khoa học và duy lý trong xã hội, nơi người dân. Đó là nhiệm vụ trước mắt và lâu dài của nhà nước, của thiết chế giáo dục, các cơ quan truyền thông, các đoàn thể xã hội. Tư duy khoa học và duy lý tất nhiên không chống lại đức tin thực sự, đức tin đúng nghĩa mà chỉ làm cho đức tin gột bỏ được những sự pha tạp, những thứ thứ phẩm ăn theo đức tin để đức tin trở nên thuần khiết hơn mà thôi.

Một dân tộc chỉ trưởng thành thực sự và có khả năng phát triển bền vững thực sự khi dân tộc ấy thấm đẫm tinh thần, tư duy khoa học. Ngược lại, như Tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa nói, là “dân tộc thất bại khi phải dựa dẫm vào thánh thần mà đi”. Mà có khi cũng chẳng phải thánh thần mà chỉ là những kẻ tự xưng là đại diện không mấy xứng đáng của thánh thần.

1 BÌNH LUẬN

  1. Đạo (đạo lý/ đạo đức/ đạo giáo) nào cũng tốt, kể cả truyền thống văn hóa dân tộc của tiền nhân/ ông bà truyền lại, nếu thực sự khuyến khích mọi người tuân thủ sự “TỰ LỰC” (tự thân/ tự chủ/ tự quyết). Mỗi người đều phải tự biết lựa chọn, và có quyền tự lựa chọn con đường hành đạo đúng đắn cho riêng mình. Thậm chí trên thế giới rất nhiều quốc gia đã lựa chọn “quốc đạo” cho chính họ để định hướng đường đi của đất nước và dân tộc. Đừng bao giờ để bất kỳ mọi hình thức “THA LỰC” (tha phương/ tha nhân/ tha ma) nào chi phối quyết định cuộc đời của mọi người. Bởi rốt cuộc điều này trước sau cũng sẽ mang đến những hậu quả khó lường. Trong đó hậu quả lớn nhất và trước hết, đó là tự đánh mất chính bản thân mình.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới