Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Làn sóng dịch vụ ‘mua trước, trả sau’

Lưu Minh Sang (*) - Trịnh Ngọc Nam (**)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Tại Việt Nam, dịch vụ “mua trước, trả sau – buy now, pay later” (BNPL) cũng đã có những bước phát triển sơ khai với một số nhà cung cấp dịch vụ như Litnow, Fundiin, Wowmelo, Movi, Kredivo.

Nhận diện dịch vụ “mua trước, trả sau”

Hòa cùng sự nổi lên của các dịch vụ công nghệ tài chính, dịch vụ BNPL đang trở thành một làn sóng đáng chú ý trên toàn cầu.

Bằng chứng là đã có những thương vụ gọi vốn, mua bán, sáp nhập, hợp tác đình đám trị giá hàng tỉ đô la Mỹ diễn ra giữa các công ty trong mảng dịch vụ BNPL. Điển hình là thương vụ PayPal mua lại Paidy (một nhà cung cấp dịch vụ BNPL tại Nhật Bản) với giá 300 tỉ yen (tương đương 2,7 tỉ đô la) vào năm 2021.

Các công ty BNPL cung cấp cho người tiêu dùng cơ hội mua hàng hóa/dịch vụ ngay lập tức và thanh toán dần trong ngắn hạn theo một lịch trình được xác định trước.

Thật ra, mô hình mua trước, trả sau không có gì xa lạ với người tiêu dùng vì nó có nhiều điểm tương đồng với hình thức mua hàng trả góp qua thẻ tín dụng hay thông qua các công ty tài chính. Nhưng điều khác biệt làm nên những giá trị gia tăng đối với BNPL là sự vận hành dựa trên nền tảng công nghệ mới, giúp thúc đẩy quá trình xử lý các khoản tài trợ nhanh chóng và siêu đơn giản.

Tại Việt Nam, quy trình thực hiện của một số nhà cung cấp dịch vụ BNPL hiện nay có thể chỉ mất vài phút và không yêu cầu chứng minh thu nhập. Người tiêu dùng chỉ cần có giấy tờ tùy thân và sở hữu số điện thoại chính chủ đã được đăng ký với nhà mạng viễn thông. Thêm vào đó, các khoản tài trợ tín dụng mua hàng theo hình thức BNPL hướng đến việc miễn lãi cho người tiêu dùng và không kèm theo những khoản phụ phí ẩn. Nhà cung cấp BNPL hướng đến thúc đẩy hiệu suất bán hàng, tăng doanh thu cho người bán và thu phí dịch vụ từ phía người bán.

Thông thường, một quy trình dịch vụ BNPL sẽ trải qua các bước chính như sau: (1) Khách hàng muốn mua một món hàng của nhà bán hàng -> (2) Tại mục thanh toán, BNPL được thể hiện như một hình thức thanh toán -> (3) Thời gian thanh toán và lãi suất sẽ được thông báo -> (4) Khách hàng chọn phương thức BNPL và thanh toán kỳ đầu tiên cho nhà cung cấp BNPL và giao dịch mua bán thành công -> (5) Nhà bán hàng giao hàng -> (6) Nhà cung cấp BNPL thanh toán toàn bộ khoản tiền hàng cho nhà bán hàng -> (7) Khách hàng thực hiện thanh toán cho nhà cung cấp BNPL theo số kỳ đã thỏa thuận.

Tại Việt Nam, hợp đồng dùng trong dịch vụ BNPL là hợp đồng bán phiếu mua hàng trả chậm được ký kết giữa nhà cung cấp BNPL và người tiêu dùng nhưng thực chất bên cho vay lại là một công ty tài chính.

Với mô hình trên, nhà cung cấp BNPL sẽ chính là bên cho khách hàng vay để thanh toán trước tiền mua hàng. Tuy nhiên, tại một số quốc gia, luật pháp hiện hành giới hạn chủ thể được quyền thực hiện hoạt động cấp tín dụng thì mô hình trở nên phức tạp hơn. Lúc này, các nhà cung cấp dịch vụ BNPL không phải là một chủ thể riêng lẻ mà là một nhóm các chủ thể cùng phối hợp với nhau, bao gồm: (i) công ty cung cấp nền tảng kết nối và giải pháp công nghệ thông tin; và (ii) một tổ chức có giấy phép thực hiện hoạt động cho vay như ngân hàng, công ty tài chính hoặc doanh nghiệp cầm đồ.

Trong đó, công ty cung cấp nền tảng kết nối hoạt động như một đơn vị trung gian tìm kiếm khách hàng, kết nối bên vay (người mua hàng) và bên cho vay (các công ty tài chính hoặc doanh nghiệp cầm đồ) và số tiền mua hàng trả cho bên bán thực chất là khoản tiền bên cho vay cung cấp cho người tiêu dùng.

Tiềm năng vì lợi ích đa chiều

Với lợi thế về tốc độ và sự thuận tiện, BNPL trở thành một giải pháp thanh toán vượt trội so với các loại hình thanh toán truyền thống và có tiềm năng phát triển mạnh trong tương lai.

Theo Allied Market Research, thị trường BNPL toàn cầu đã đạt 90,69 tỉ đô la Mỹ (năm 2020) và có thể tăng lên 3.980 tỉ đô la Mỹ (năm 2030). Trong đó, khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang chiếm gần một nửa tổng số thị phần và được dự báo sẽ tiếp tục chiếm ưu thế vào năm 2030.

Tại Việt Nam, mặc dù đi sau thế giới một nhịp nhưng theo số liệu thống kê từ Research & Market, tổng giá trị hàng hóa qua thanh toán BNPL có thể sẽ tăng 21 lần và đạt khoảng 10 tỉ đô la Mỹ vào năm 2028.

Những dự báo này hoàn toàn có cơ sở dựa trên tính lợi ích đa chiều mà BNPL mang lại cho các bên.

Đối với người tiêu dùng, BNPL là một giải pháp thanh toán vừa tiện lợi, vừa nhanh chóng. BNPL đặc biệt phù hợp với các khoản tiêu dùng nhỏ, gắn với đời sống hàng ngày. Mọi thao tác quy trình lại có thể được thực hiện trên nền tảng ứng dụng di động phù hợp với thị hiếu của người dùng hiện đại. Thêm nữa, các bên bán hàng hợp tác với nhà cung cấp dịch vụ BNPL thường là những doanh nghiệp có sự xác tín về chất lượng nên người tiêu dùng có thể giảm thiểu rủi ro về chất lượng hàng hóa trong việc mua hàng.

Ngoài ra, thường thì người tiêu dùng còn được hưởng lợi từ chính sách không tính lãi đối với khoản vay khi chọn thanh toán qua BNPL, chỉ phải trả phí phạt khi thanh toán chậm. Trong khi đó, một số dịch vụ thanh toán truyền thống mặc dù được quảng cáo là “trả góp lãi suất 0%” nhưng vẫn tồn tại nhiều phụ phí ẩn mà người tiêu dùng phải chịu như phí duy trì, phí chuyển khoản, phí vận hành…

Đối với người bán, mô hình BNPL góp một phần không nhỏ giúp các doanh nghiệp cải thiện hiệu suất kinh doanh. BNPL sẽ giúp gia tăng tỷ lệ chuyển đổi mua hàng kéo theo giá trị trung bình trên mỗi đơn hàng của người bán cũng cao hơn, làm tăng doanh số bán hàng.

Bên cạnh đó, BNPL còn góp phần cải thiện mối quan hệ và tăng độ trung thành thương hiệu của người tiêu dùng khi các công ty BNPL trở thành những lựa chọn “top-of-mind” của người tiêu dùng.

Đối với nhà cung cấp dịch vụ BNPL và đối tác cung cấp khoản vay: Lợi ích dễ thấy nhất chính là khoản phí nhận được từ bên bán hàng. Thay vì mất một khoảng thời gian khá dài để thu các khoản phí này, các đơn vị cung cấp dịch vụ BNPL và các đối tác cung cấp khoản vay chỉ mất thời gian khoảng vài tháng để thu phí với lợi nhuận cao hơn hẳn so với các khoản cho vay thông thường.

Thách thức quản lý

Mặc dù có nhiều bước phát triển vượt bậc nhưng nhìn chung trên bình diện toàn cầu, BNPL vẫn được xem là một dịch vụ còn ở giai đoạn sơ khai. Việc thiếu vắng khung pháp lý điều chỉnh có thể phát sinh những rủi ro đối với các bên liên quan, đặc biệt là người tiêu dùng.

Ba vấn đề lớn đang được các cơ quan quản lý toàn cầu quan tâm xoay quanh mô hình BNPL bao gồm:

Thứ nhất, tính công bằng và minh bạch trong các hợp đồng BNPL. Do những ràng buộc của khung pháp lý hiện hành (ví dụ quy định hạn chế về chủ thể được cấp phép hoạt động cho vay) và sự thiếu vắng các quy định pháp lý dành cho công nghệ tài chính, các nhà cung cấp BNPL buộc phải “luồn lách”, linh hoạt trong việc thiết kế mô hình kinh doanh để hợp pháp hóa giao dịch. Những hợp đồng BNPL được soạn thảo với nhiều loại khác nhau để ký kết với người tiêu dùng nhưng không thể hiện được đúng bản chất của giao dịch, các điều khoản được soạn thảo một cách tùy nghi, thiếu thốn thông tin và mang tính tạm bợ.

Vai trò của các đơn vị tham gia vào hoạt động BNPL cũng chưa được thể hiện một cách tường minh và cung cấp thông tin đầy đủ đến khách hàng. Người tiêu dùng có thể không biết được chủ thể cho vay thực chất là ai, khách hàng thực chất trả tiền cho ai, cơ sở nào để khởi kiện hay khiếu nại… Đặc biệt là vấn đề bảo vệ dữ liệu người dùng có thể sẽ không được thông báo đầy đủ để bảo vệ người tiêu dùng.

Đơn cử tại Việt Nam, hợp đồng dùng trong dịch vụ BNPL là hợp đồng bán phiếu mua hàng trả chậm được ký kết giữa nhà cung cấp BNPL và người tiêu dùng nhưng thực chất bên cho vay lại là một công ty tài chính.

Thứ hai, nguy cơ đến từ đòn bẩy tiêu dùng – người tiêu dùng có thể lâm vào tình trạng chi tiêu quá mức do những cám dỗ từ việc tài trợ dễ dàng các khoản mua hàng qua BNPL. Nguy cơ vỡ nợ tiêu dùng có thể xảy ra và ít nhiều sẽ tác động tính an toàn, ổn định của thị trường tín dụng truyền thống.

Thứ ba, những tác động đến quyền lợi của người tiêu dùng – sự phát triển nhanh chóng của các mô hình kinh doanh BNPL và sự mở rộng nhanh chóng của thị trường có thể tiềm ẩn thêm rủi ro cho người tiêu dùng. Chẳng hạn như sử dụng sai dữ liệu khách hàng và thiếu cơ chế hỗ trợ cho khách hàng dễ bị tổn thương hoặc khách hàng gặp khó khăn về tài chính.

Ứng phó với những thách thức này, cơ quan quản lý của nhiều nước đã bắt đầu đưa BNPL như là một vấn đề trên bàn nghị sự để tìm ra phương án quản lý trước mắt cũng như lâu dài.

Tại Việt Nam, BNPL cũng đã có những bước phát triển sơ khai với một số nhà cung cấp dịch vụ như Litnow, Fundiin, Wowmelo, Movi, Kredivo. Trong bối cảnh đang định hình chính sách và không gian pháp lý thử nghiệm dành cho công nghệ tài chính nói chung, các nhà quản lý cần đưa BNPL trở thành một vấn đề trên bàn nghị sự để tạo tiền đề cho dịch vụ này được phát triển đúng hướng và bảo vệ được người tiêu dùng trong nước.

(*) Trường Đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG TPHCM
(**) LS, Đoàn Luật sư TPHCM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới