Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Mua trước, trả sau có thể đưa giới trẻ Mỹ vào bẫy nợ

Lạc Diệp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – “Mua trước, trả sau” – hình thức mua trả góp không lãi suất trong ngắn hạn hiện đang bùng nổ tại Mỹ và đặc biệt được nhóm khách hàng trẻ tuổi ưa chuộng. Tuy nhiên, không ít chuyên gia kinh tế lo ngại hình thức cho vay này có thể mang lại những rủi ro nghiêm trọng cho người tiêu dùng, đặc biệt là nhóm khách hàng trẻ tuổi.

BNPL bùng nổ tại Mỹ

Nợ nần đã không còn là chuyện gì quá xa lạ với người Mỹ do vốn đã quá quen với việc mua sắm bằng thẻ tín dụng. Cục Bảo vệ tài chính người tiêu dùng Mỹ (CFPB) mới đây thậm chí đã phải lên tiếng cảnh báo về việc số dư thẻ tín dụng của nhiều người ngày càng tăng, giữa lúc lạm phát cao đang ảnh hưởng lớn đến thu nhập.

Trong bối cảnh đó, một ngành dịch vụ mới nhưng đang phát triển rất nhanh chóng, và thu hút được nhiều sự chú ý là “mua trước, trả sau” (BNPL). Theo các số liệu thống kê của Bloomberg, số người Mỹ sử dụng mô hình cho vay này đã tăng 300% mỗi năm kể từ năm 2018. Các công ty BNPL như Afterpay, Klarna và Affirm đều tuyên bố rằng mô hình này phù hợp về mặt tài chính cho những người không thể tiếp cận các hình thức tín dụng truyền thống.

Mặc dù mỗi công ty trong lĩnh vực này có thể cung cấp những mức độ ưu đãi khác nhau, nhưng nhìn chung, các dịch vụ BNPL đều cho phép người tiêu dùng chia số tiền phải thanh toán cho một mặt hàng hoặc dịch vụ thành bốn lần, không bị tính lãi suất trong một khoảng thời gian nhất định, thường là hai tuần. Với những ưu điểm này, BNPL không chỉ được ưa chuộng trong các giao dịch trực tuyến, mà hiện cũng đã bắt đầu được giới thiệu tại các cửa hàng bán lẻ.

BNPL đã bùng nổ mạnh mẽ khi đại dịch khiến người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn vào hàng hóa và tăng cường sử dụng thương mại điện tử. Theo một nghiên cứu của Công ty tư vấn và dịch vụ công nghệ thông tin Accenture theo ủy quyền từ Afterpay, lượng mua hàng hóa, dịch vụ bằng phương thức BNPL đã tăng 230% kể từ đầu năm 2020.

Một số công ty dịch vụ tài chính và công nghệ cũng đang nhảy vào cuộc đua BNPL. Hồi tháng 6 vừa qua, hãng công nghệ Apple đã trở thành công ty lớn mới nhất công bố dịch vụ BNPL của riêng mình.

Mua trước nhiều, nhưng không thể trả sau

Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác lại cho rằng mô hình này hiện không được kiểm soát chặt chẽ và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người tiêu dùng. Elyse Hicks, cố vấn chính sách người tiêu dùng tại American for Financial Reform cảnh báo: “Trên thực tế, mô hình này sẽ khiến người tiêu dùng phải gánh khoản nợ lớn hơn trong một thời gian ngắn mà không hề nhận thức được mức độ nghiêm trọng”.

Theo DW, các công ty BNPL như Klarna và Affirm thường quảng cáo với người tiêu dùng rằng, các dịch vụ cho vay trả góp không lãi suất của họ giống như một sự giải thoát khỏi ngành thẻ tín dụng và các công ty cho vay lấy lãi cao khác.

Tuy nhiên, trên thực tế, mọi chuyện vẫn không khác biệt là mấy. Những người dùng dịch vụ BNPL, đặc biệt là nhóm khách hàng trẻ tuổi, vẫn rơi vào cảnh nợ nần chồng chất.

Đầu tiên, nhiều người tiêu dùng tỏ ra khá bối rối trước BNPL. Một cuộc khảo sát cho thấy khoảng một phần ba người dùng BNPL không hiểu rõ về dịch vụ này. Một số chuyên gia cho biết, nhiều người tiêu dùng có xu hướng tin tưởng rằng việc chia số tiền phải trả thành các đợt thanh toán nhỏ là một sự lựa chọn hợp lý, và do đó, có xu hướng mua hàng hóa nhiều hơn và thường xuyên hơn, thậm chí là nhiều hơn mức họ có thể chi trả.

Hệ quả là sau đó nhiều người đã phải cảm thấy hối tiếc sau khi đã trót vung tay quá trán. Theo nghiên cứu của Credit Karma, gần 40% người dùng BNPL cho biết họ đã bị chậm thanh toán ít nhất một lần.

Một điều đáng lưu ý là dịch vụ BNPL thường không tính lãi suất như thẻ tín dụng, nhưng lại tính phí hoặc các khoản phạt khác khi người dùng bị chậm một khoản thanh toán. Việc thanh toán chậm thậm chí có thể kích hoạt phí thấu chi trong tài khoản ngân hàng của người mua.

Bên cạnh đó, không giống như thẻ tín dụng, dịch vụ BNPL có thể khiến người dùng khó theo dõi chính xác số tiền nợ. Nếu người dùng thực hiện nhiều khoản vay BNPL cùng một lúc, họ có thể nhanh chóng rơi vào tình trạng rắc rối.

Các khách hàng trẻ tuổi – nhóm đối tượng dễ bị ảnh hưởng

Công ty tư vấn đầu tư và tài chính tư nhân Motley Fool nhận thấy rằng, gần 50% số người Mỹ ở độ tuổi thanh niên sử dụng BNPL đã thanh toán muộn hoặc phải trả phí trễ hạn – mức cao nhất trong mọi lứa tuổi. Nhiều chuyên gia về tiêu dùng lo ngại nếu tiếp tục phát triển như hiện nay, BNPL có thể đẩy cả một thế hệ người trẻ tại Mỹ rơi vào bẫy nợ.

Vấn đề được đặt ra với những người trẻ là rào cản quá thấp từ các công ty BNPL khiến cho mọi thứ dường như trở nên rất dễ dàng. Quảng cáo của hình thức BNPL gần như khiến cho họ cảm thấy việc chi tiêu giống như một trò chơi vậy.

Một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh Philadelphia cho thấy, sự thuận tiện, dễ dàng là lý do chính khiến mọi người có xu hướng chọn BNPL làm phương thức thanh toán. Điều này càng đặc biệt đúng với nhóm người trẻ tuổi, vốn chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc quản lý chi tiêu.

Ông Sebastian Siemiatkowski – nhà đồng sáng lập và giám đốc điều hành công ty tài chính Klarna đã phải đặt ra câu hỏi rằng, liệu BNPL có khiến cho việc vay tiền trở nên quá dễ dàng hay không. Chia sẻ quan điểm trên, Alistair Newton, một chuyên gia phân tích ngân hàng tại Công ty tài chính Gartner ở London cho biết “khi đề cập đến vấn đề tiền bạc, những bất đồng giữa người cho vay và đi vay cũng không phải là điều xấu. Đôi khi một số bất đồng trong việc thanh toán sẽ đảm bảo an toàn hơn”.

Những khó khăn trong quản lý

Một lý do khác dẫn tới nguy cơ người tiêu dùng rơi vào bẫy nợ chính là việc các dịch vụ BNPL hầu như không được kiểm soát bởi các quy định của chính phủ.

Tại Mỹ, khi sử dụng các hình thức cho vay truyền thống như thẻ tín dụng, người tiêu dùng có thể nhận được nhiều sự bảo vệ từ chính phủ với Đạo luật Chân lý trong hoạt động cho vay (TILA). Tuy nhiên, các công ty BNPL lại có thể né được các quy định của TILA, bởi đạo luật này chỉ ảnh hưởng tới các khoản cho vay được chia làm 5 lần thanh toán trở lên, trong khi BNPL thường dừng lại ở mức chia làm 4 lần thanh toán.

Việc né tránh được các quy định trong TILA đồng nghĩa với việc các công ty BNPL sẽ phải ít chịu trách nhiệm pháp lý hơn trước những rủi ro của người tiêu dùng. Một số dịch vụ có thể thực hiện việc kiểm tra ở mức độ nhất định đối với các mặt hàng có giá trị lớn, nhưng nhìn chung, sẽ không có câu hỏi nào được đặt ra đối với hầu hết các khoản vay.

Mặc dù các công ty BNPL cụ thể có thể cấm người dùng tiếp tục sử dụng dịch vụ cho đến khi khoản nợ của họ được thanh toán, nhưng những người tiêu dùng này lại không hề bị ngăn cản trong việc vay tiền tại các công ty BNPL khác. Chính sự dễ dãi này cũng góp phần khiến người tiêu dùng bị thu hút bởi các dịch vụ BNPL, đặc biệt là với những người không thể tiếp cận các nguồn tín dụng truyền thống, do đã vay nợ quá nhiều.

BNPL cần được quản lý như thẻ tín dụng

Theo một nghiên cứu từ cơ quan báo cáo tín dụng tiêu dùng Mỹ TransUnion, phần lớn người dùng dịch vụ BNPL thường có nhiều thẻ tín dụng, thẻ bán lẻ, khoản vay trả góp hoặc các sản phẩm tín dụng khác hơn là những nhóm người tiêu dùng thông thường. Một nghiên cứu khác cũng cho thấy gần một phần năm số khách hàng BNPL chỉ sử dụng dịch vụ sau khi đã tiêu hết hạn mức thẻ tín dụng.

Ông Taylor Roberson, cố vấn chính sách liên bang tại nhóm vận động người tiêu dùng thuộc Trung tâm cho vay có trách nhiệm, cho biết: “Một trong những khía cạnh tích cực nhất của BNPL là khả năng người tiêu dùng thanh toán đúng hạn để lịch sử thanh toán được ghi nhận tích cực vào báo cáo tín dụng. Nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức đó”.

Ông Roberson giải thích rằng hiện tại, người tiêu dùng không được các tổ chức xếp hạng tín dụng khen thưởng vì đã thanh toán các khoản vay BNPL đúng hạn, một phần vì những công ty cung cấp dịch vụ này không bị yêu cầu báo cáo dữ liệu như các tổ chức cho vay truyền thống khác. Đây cũng chính là điểm khiến BNPL được nhiều người tiêu dùng ưa thích, bởi điểm tín dụng của họ sẽ không bị ảnh hưởng, nếu trả chậm một khoản thanh toán. Tuy nhiên, điều này được cho là sẽ khiến người tiêu dùng trở nên dễ mất kiểm soát hơn trong việc chi tiêu, dẫn tới những rủi ro lớn về nợ nần.

Ông Roberson và nhiều chuyên gia khác tin rằng, giải pháp phòng ngừa rủi ro sẽ là việc điều chỉnh các quy định để BNPL sẽ nằm trong khuôn khổ của TILA và chịu sự giám sát từ Cục Bảo vệ tài chính người tiêu dùng (CFPB).

“Về cơ bản, theo các quy chế và quy định, BNPL cũng không khác biệt nhiều so với thẻ tín dụng. Vì thế, chúng tôi tin rằng, BNPL cũng nên chịu những quy định giảm sát tương tự”, chuyên gia Roberson kết luận.

Nguồn: DW, Bloomberg, Vox

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới