(KTSG Online) – Gazprom, tập đoàn năng lượng thuộc sở hữu nhà nước của Nga, thông báo đóng cửa đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 kết nối Nga với Đức trong ba ngày bắt đầu từ cuối tháng 8 để bảo trì. Thông tin này khiến giá khí đốt trong các hợp đồng tương lai ở châu Âu tăng vọt thêm 9%.
- Châu Âu đạt thỏa thuận giảm tiêu thụ khí đốt 15% trong mùa đông
- Châu Á tranh mua khí đốt với châu Âu
Động thái bất ngờ này có thể làm phức tạp thêm nỗ lực của Đức và phần lớn châu Âu nhằm lấp đầy các cơ sở dự trữ khí đốt và ngăn chặn nguy cơ hạn chế sử dụng năng lượng trên diện rộng để giữ ấm người dân trong suốt mùa đông sắp tới.
Hôm 19-8, Gazprom thông báo sẽ dừng cung cấp khí đốt cho châu Âu thông qua đường ống Nord Stream 1 kết nối Nga với Đức trong 3 ngày từ 31-8 đến ngày 2-9 để bảo trì tuốc-bin duy nhất còn lại, có chức năng bơm khí đốt vào đường ống này.
Gazprom xem đây là quy trình này là bình thường vì cứ sau 1.000 giờ hoạt động, tuốc-bin cần bảo trì một lần. Thông báo của Gazprom cho biết đợt bảo trì sắp tới sẽ được thực hiện với Siemens Energy (Đức), công ty đã cung cấp tuốc-bin cho Gazprom kèm theo các hợp đồng bảo trì.
Thông báo nói rằng sau khi công tác bảo trì hoàn thành và đảm bảo không còn vấn đề kỹ thuật nào nữa, lưu lượng khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 sẽ được phục hồi về mức 33 triệu mét khối/ngày, tức tương đương 20% công suất như hiện tại.
Trạm nén khí đốt Portovaya ở Nga, điểm bắt đầu của đường ống Nord Stream 1, sử dụng 6 tuốc-bin lớn và 2 tuốc-bin nhỏ. Tuy nhiên, hiện tại chỉ còn một tuốc-bin lớn hoạt động. Một tuốc-bin khác của trạm nén Portovaya đang nằm kẹt tại Đức sau khi bảo trì ở Canada.
Thủ tướng Đức, Olaf Scholz cho biết Nga đã từ chối nhận lại tuốc-bin này.
Trong khi đó Điện Kremlin nói rằng Nga cần chắc chắn rằng tuốc-bin đó không nằm trong diện bị trừng phạt và sẽ không bị kích hoạt dừng hoạt động từ xa với cớ bị trừng phạt. Các tuốc-bin còn lại của trạm nén Portovaya cần phải sửa chữa ở Canada hoặc ngay tại hiện trường.
Thông tin trên khiến các hợp đồng khí đốt tương lai ở châu Âu lập tức tăng vọt đến 9% để thiết lập mức cao kỷ lục mới. Hồi giữa tháng 7, Gazprom cũng đã dừng vận hành đường ống Nord Stream 1 để bảo trì định kỳ trong 10 ngày và sau khi nối lại hoạt động, lưu lượng khí đốt qua đường ống này giảm còn 40%, rồi tiếp tục giảm xuống 20%.
Lúc đó, Gazprom cũng viện dẫn các vấn đề liên quan đến tuốc-bin để giải thích cho quyết định hạn chế dòng chảy khí đốt nhưng các quan chức châu Âu cho rằng hành động của Gazprom có động cơ chính trị khi Nga tìm cách trả đũa các lệnh trừng phạt của châu Âu liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine.
Động thái bóp nghẹt dòng chảy khí đốt cung cấp cho đường ống Nord Stream 1 cũng ảnh hưởng đến các khách hàng châu Âu khác vì Đức xuất khẩu một phần khí đốt nhận từ Nga. Đợt bảo trì đường ống Nord Stream 1 lần này nằm ngoài kế hoạch và diễn ra khi Đức đang chạy đua với thời gian để lấp đầy ít nhất 95% công suất chứa ở các kho dự trữ khí đốt trong nước.
Bundesnetzagentur, cơ quan quản lý năng lượng của Đức, mục tiêu đó vẫn chưa thể bảo đảm Đức có đủ khí đốt dùng cho mùa đông nếu Nga cắt đứt hẳn nguồn cung năng lượng này. Hiện tại, các kho trữ khí đốt ở Liên minh châu Âu (EU) đã lấp đầy 76%, riêng tại Đức, mức lấp đầy là 78%.
Tom Marzec-Manser, Giám đốc bộ phận phân tích khí tại Công ty tư vấn thị trường năng lượng và hóa chất ICIS ở London, cho rằng thông báo bảo trì đường ống Nord Stream 1 trong 3 ngày của Gazprom sẽ khiến thị trường hoài nghi vì có nhiều lo ngại cho rằng đường ống này sẽ không hoạt động trở lại đúng thời hạn cam kết hoặc có thể dừng hoạt động hoàn toàn. Manser nói: “Thông báo của Gazprom, được đưa ra cuối ngày thứ Sáu, có thể sẽ đẩy giá khí đốt tăng cao hơn nữa khi thị trường mở cửa trở lại vào thứ Hai”.
Giá khí đốt Hà Lan giao cho tháng sau, giá chuẩn ở khu vực châu Âu, chốt ở mức cao kỷ lục 244,55 euro/ MWh vào cuối phiên giao dịch hôm 19-8, đánh dấu tuần tăng giá thứ 5 liên tiếp. Giá khí đốt đắt đỏ gây tổn thương cho các ngành công nghiệp và hộ gia đình ở châu Âu, đe dọa đẩy nhiều nền kinh tế trong khu vực vào cơn suy thoái
Các lãnh đạo châu Âu dự báo Nga sẽ tiếp tục duy trì dòng chảy khí đốt sang châu Âu ở mức thấp để gây bất ổn. Kịch bản Nga dừng hẳn cung cấp khí đốt sang khu vực này vẫn có thể xảy ra nhưng điều đó cũng sẽ gây tổn thương cho nền kinh tế vốn phụ thuộc vào xuất khẩu năng lượng của Nga và đang chịu sức ép do các lệnh trừng phát của phương Tây.
Simone Tagliapietra, học giả cao cấp của Bruegel, một tổ chức tư vấn kinh tế có trụ sở ở Brussels (Bỉ), nhận định Nga sẽ tiếp tục có các động thái gián đoạn nguồn cung khí đốt cho châu Âu trong những tháng tới để duy trì sức ép và đẩy giá khí đốt lên cao hơn trước khi dừng cung cấp hoàn toàn. Ông nói: “Các nước EU nên tăng cường hành động để tiết kiệm khí đốt và chuẩn bị cho những thời điểm khó khăn sắp tới. Mùa đông đang đến, và chúng ta không thể không chuẩn bị”.
Đối với Nga, việc cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt sang châu Âu cũng là một canh bạc. Khi các kho trữ khí đốt trong nước của Nga đầy nhanh chóng, nhiều giếng khí đốt của nước này có thể cần phải đóng cửa. Sau khi đóng cửa, một số giếng ở địa hình băng giá của vùng Siberia sẽ mất áp suất và rất tốn kém để khởi động lại hoặc không thể vận hành trở lại.
Theo Bloomberg, WSJ