Thứ bảy, 9/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Lẽ đâu hiền ít dữ nhiều

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lẽ đâu hiền ít dữ nhiều

Lưu Thị Lương

(minh họa: Khều)

(TBKTSG) - Người ta hễ bước ra khỏi căn nhà êm ấm của mình là phải đụng chạm, va vấp, chống đỡ với vô vàn hiểm nguy. Những tình huống, hoàn cảnh bất ngờ đôi lúc vượt quá giới hạn lường trước của bộ óc con người đã được tự nhiên tạo cho sự thông minh, nhạy bén. Nếu bi quan mà than thở thì phải nói là ngày nào cũng phải tới, phải vào những nơi gặp toàn thứ dữ.

Toàn thứ dữ có thể tạm chia ra hai thứ.

Một là dữ lộ thiên.

Dữ lộ thiên đương nhiên lồ lộ ở ngoài đường. Vì đường sá không phải là của riêng ai nên ai cũng cho mình cái quyền nhận nó là của mình, và mặc sức hành xử theo ý muốn của mình. Không thích dừng đèn đỏ (ở những chỗ vắng bóng nhân viên công lực) thì cứ tỉnh bơ mà rồ ga chạy tới. Muốn tiện đường, mình sẽ sẵn sàng lấn trái và quát nạt, lườm nguýt những người đi bên phải đang luýnh quýnh trước đầu xe của mình. Ai cần băng qua đường, mình cũng chẳng muốn cho. Mình nhấn còi gắt gỏng, mình tăng tốc phóng nhanh. Đường người ta đang đi, bày đặt băng qua lộn xộn. Mình cũng rất có ý tứ khi chọn các đối tượng luôn được đối xử ưu tiên là người già, phụ nữ bản chất yếu đuối hiền lành để chèn ép. Chứ không thôi gặp thứ dữ thiệt, thì mất công chửi lộn đánh nhau phiền phức lắm.

Mình có thể là những cặp nam thanh nữ tú cao ráo, đầy đặn, khỏe mạnh, ăn mặc láng lẩy, có thể là cặp vợ chồng chưa già có kèm con nhỏ con lớn ngồi trước, ngồi sau, có thể là những chàng thanh niên ăn mặc lam lũ chở thuê, chở mướn, có thể là các em học sinh đang mặc đồng phục, đeo phù hiệu thêu tên trường, lớp rõ rành rành.

Nói bằng ngôn ngữ thời thượng là “cứ vô tư đi”. Ở ngoài đường thì mười người chạy xe hết chín người đeo khẩu trang che kín mặt mũi, chỉ chừa ra đôi mắt khoác cặp kính râm tối màu bản bự. Hình ảnh chống nắng, chống ô nhiễm môi trường này lại càng thêm thấy dữ. Rất dễ có cảm giác nhìn ai cũng thấy như họ đang gườm gườm với người đối diện. Bởi một sự nhịn sẽ đem tới chín sự lành nên thôi cho qua, đừng chấp nhất mà thiệt thân. Cứ nhớ câu tránh voi chả xấu mặt nào là được. Có điều, những suy nghĩ kiểu này chỉ những kẻ hiền mới dụng thôi.

Lại nói tiếp về loại dữ thứ hai là dữ ngầm.

Dữ ngầm, nẩy mầm ở nơi làm việc, kiếm ăn, kiếm sống. Coi phim truyền hình nhiều tập thấy bác sĩ, kỹ sư cũng nung nấu âm mưu, ý đồ rất là ghê gớm, hễ có dịp là ra tay làm hại đồng nghiệp chẳng chần chừ. Chưa thấy làm phim về nghề thầy giáo chắc vì thiên hạ nghĩ thầy cô là những người hiền, cuộc sống bình lặng, an phận, gương mẫu, chắc tại thiên hạ quên một điều người thầy cũng là con người, cũng phải sống, cũng phải đấu tranh như ai.

Trời ơi, dữ nhiều như vậy thì hiền đâu còn chỗ nữa! Hiền lấp ló đâu đó trong hai thứ dữ kể trên chứ ở đâu. Ví dụ, người kiên trì dừng xe ở cột đèn đỏ mà đếm tới khi nó bật lên màu xanh mới chạy tiếp. Ví dụ, kẻ làm việc ăn lương từ khi trẻ măng tới già háp mà vẫn chưa thấy lần nào đột ngột thăng quan, tiến chức để khiến lắm kẻ nghiến răng ngỡ ngàng, lắc đầu ngán ngẩm.

Hèn chi, người ta thường dùng tiếng về hưu thay cho tiếng nghỉ hưu để gọi cái lúc chấm dứt thời gian đi làm, kiếm sống của một đời người. Nghỉ được hiểu là không còn làm nữa, nhưng về là đến được một nơi an toàn, yên ổn, dễ chịu. Không phải đối mặt, ham muốn thèm thuồng hay chối bỏ những danh lợi, quyền hành, chức tước ngon lành, hấp dẫn.

Làm sao phân biệt dữ hiền đây? Trong từ điển tiếng Việt, dữ có nghĩa là làm việc hung ác. Ác tức là làm cho người ta khiếp sợ, là làm nguy hại cho tánh mạng, nhân phẩm con người. Biết vậy nhưng vẫn làm vì dữ càng nhiều, lợi càng cao. Như rút ruột công trình, buôn bán ma túy, đụng xe chết người, không chu toàn trách nhiệm được xã hội giao phó, lấy cắp giờ giấc nơi công sở, bon chen chức vụ, lạm dụng quyền hành, lười biếng học tập, thi cử dối gian, làm hàng giả, bất chấp vệ sinh an toàn thực phẩm...

Hiền ít, dữ nhiều, lẽ đâu như vậy?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới