Thứ tư, 20/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Liệu robot có thể may quần jean?

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Các công ty thời trang và công nghệ, bao gồm Siemens của Đức và Levi’s của Mỹ đang âm thầm phát triển một loại robot có thể thay thế con người để may quần jean. Thách thức lớn nhất đối với robot hiện nay là nó không thể xử lý các loại vải mềm khéo léo như bàn tay con người. Để khắc phục điều này, giải pháp được đưa ra là đưa hóa chất làm cứng vào vải denim, loại vải sử dụng may quần jean.

Một cánh tay robot của công ty khởi nghiệp Sewbo định vị các mảnh vải cứng để trình diễn kỹ thuật may tự động tại Trung tâm đổi mới và may công nghiệp ở Detroit, bang Michigan, Mỹ. Ảnh: Reuters

“Hàng may mặc là ngành công nghiệp trị giá nghìn tỉ đô la Mỹ cuối cùng vẫn chưa được tự động hóa. Ý tưởng sử dụng robot để đưa nhiều hoạt động sản xuất may mặc từ nước ngoài trở về Mỹ đã có thêm động lực trong thời kỳ đại dịch Covid-19 khi chuỗi cung ứng tắc nghẽn, làm nổi bật những rủi ro khi phụ thuộc vào các nhà máy ở xa”, Eugen Solowjow, người đứng đầu một dự án tại phòng thí nghiệm của Siemens ở TP. San Francisco (Mỹ), cho biết. Phòng thí nghiệm này đã nghiên cứu sản xuất áo quần tự động kể từ năm 2018.

Tìm cách loại bỏ hoạt động may thủ công ở những nơi như Trung Quốc và Bangladesh sẽ cho phép nhiều hoạt động sản xuất quần áo quay trở lại các thị trường tiêu dùng phương Tây, bao gồm cả Mỹ. Nhưng đây là một chủ đề nhạy cảm. Nhiều nhà sản xuất hàng may mặc không muốn đề cập nhiều đến nỗ lực tự động hóa, vì điều đó làm dấy lên lo ngại công nhân may mặc ở các nước đang phát triển sẽ phải chịu tổn thương.

Jonathan Zornow, người đã phát triển một kỹ thuật để tự động hóa một số bộ phận của các nhà máy sản xuất quần jean, cho biết ông đã nhận nhiều lời chỉ trích từ các mạng xã hội và thậm chí một lời đe dọa tính mạng.

Người phát ngôn của Levi’s xác nhận, Levi’s đã tham gia vào giai đoạn đầu của dự án nói trên nhưng từ chối bình luận thêm.

Hoạt động may áo quần đặt ra một thách thức đặc biệt đối với tự động hóa. Không giống như ốp cản ô tô hoặc chai nhựa, có thể giữ nguyên hình dạng của nó khi robot làm nhiệm vụ, vải thường mềm và có độ dày, kết cấu rất khác nhau. Robot không có khả năng chạm và điều khiển khéo léo như bàn tay con người.

Theo 5 nhà nghiên cứu được Reuters phỏng vấn, chắc chắn robot đang được cải thiện, nhưng sẽ mất nhiều năm để phát triển đầy đủ khả năng xử lý vải. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu máy móc có thể đảm nhận một phần hoạt động sản xuất quần ảo đủ để giúp thu hẹp phần nào chênh lệch chi phí giữa Mỹ và các nhà máy may ở nước ngoài có chi phí thấp? Đó là trọng tâm của các nỗ lực nghiên cứu hiện đang được tiến hành.

Solowjow cho biết Siemens đã phát triển các năng lực khác vượt ra ngoài các nỗ lực xây dựng phần mềm hướng dẫn robot có thể xử lý tất cả các loại vật liệu dẻo, chẳng hạn như dây cáp mỏng. Ông cho biết thêm Siemens sớm nhận ra một trong những mục tiêu chín muồi sắp tới là sản xuất quần áo tự động. Theo nền tảng dữ liệu độc lập Statista, thị trường may mặc toàn cầu ước tính có trị giá 1,52 nghìn tỉ đô la Mỹ mỗi năm.

Siemens đã làm việc với Viện Nghiên cứu robot tiên tiến cho hoạt động sản xuất (ARM) ở Pittsburgh (Mỹ), một tổ chức được thành lập năm 2017 và được Bộ Quốc phòng Mỹ tài trợ để giúp các nhà sản quần áo dựa vào dây chuyền cũ tìm cách chuyển sang sử dụng công nghệ mới.

Họ đã hợp tác với Sewbo, công ty khởi nghiệp (startup) ở San Francisco, bang California, và đã có cách tiếp cận đầy hứa hẹn đối với vấn đề vải mềm. Thay vì dạy robot cách xử lý vải, Sewbo sẽ làm cứng vải bằng hóa chất để nó có thể được xử lý giống như một ốp cản ô tô hơn trong quá trình sản xuất. Sau đó, quần áo thành phẩm được giặt sạch để loại bỏ chất làm cứng.

Zornow, nhà phát minh của Sewbo, nói: “Hầu hết mọi mảnh vải denim (được sử dụng để may quần jean) đều được giặt sạch sau khi nó được sản xuất, vì vậy điều này phù hợp với hệ thống sản xuất hiện có”.

Các nỗ lực nghiên cứu trên đã thu hút sự tham gia của một số công ty thời trang bao gồm cả Levi's và Bluewater Defense, một nhà sản xuất quân phục nhỏ có trụ sở tại Mỹ. Họ đã nhận được 1,5 triệu đô la Mỹ tài trợ từ ARM để thử nghiệm kỹ thuật nói trên.

Ngoài ra, có những nỗ lực khác để tự động hóa các nhà máy may. Chẳng hạn, Software Automation, một startup ở bang Georgia (Mỹ), đã phát triển một chiếc máy có thể may áo phông bằng cách kéo vải qua một chiếc bàn được trang bị đặc biệt.

Eric Spackey, Giám đốc điều hành Bluewater Defense, hoài nghi về cách tiếp cận của Sewbo. Spackey cho rằng việc đưa hóa chất làm cứng vào quần áo sẽ tạo ra thêm một quy trình khác, làm tăng chi phí. Dù vậy, ông cho rằng điều đó có thể hợp lý với các nhà sản xuất đã xem việc giặt quần áo sau khi may xong như một phần trong hoạt động bình thường của họ, chẳng hạn như các nhà sản xuất quần jean.

Sanjeev Bahl, người đã mở một nhà máy sản xuất quần jean nhỏ ở trung tâm thành phố Los Angeles cách đây hai năm có tên gọi Saitex, đã nghiên cứu máy may quần jean của Sewbo và đang chuẩn bị lắp đặt chiếc máy thử nghiệm đầu tiên.

Trong một chuyến giới thiệu hoạt động sản xuất cho khách tham quan hồi tháng 9, Sanjeev Bahl chỉ vào những công nhân còng lưng trên những chiếc máy kiểu cũ và cho biết nhiều nhiệm vụ trong số này đã sẵn sàng cho quy trình tự động mới.

“Nếu robot may quần jean của Sewbo có hiệu quả, tôi nghĩ không có lý do gì để không sản xuất quần jean quy mô lớn ở đây, tại Mỹ một lần nữa”, ông nói.

Theo Reuters

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới