(TBKTSG) - Người Việt thông minh, người Việt ưa chuộng sự học, người Việt thành công trong các cuộc thi Olympic các môn khoa học, các cuộc tranh tài trí tuệ trên trường quốc tế. Người Việt cạnh tranh không thua kém với vài sắc dân châu Á nổi bật khác vào các trường danh tiếng ở các nước phát triển. Có không ít ví dụ minh chứng cho những nhận định như vậy. Nói chung, ta thường cho rằng dân tộc ta thông minh và ta cũng dễ chấp nhận khi có ai nhận xét như thế. Thế nhưng tại sao người Việt, nước Việt vẫn nghèo!
Đã có nhiều cách trả lời từ nhiều góc nhìn khác nhau, tuy chưa bao giờ thỏa đáng cho câu hỏi “tại sao... mà vẫn...” này. Nhìn chung các lý do đưa ra là từ đặc điểm văn hóa, tính cách của người Việt. Những đặc điểm thường được đề cập là nghĩ “ngắn”, vụn vặt “mì ăn liền”, thiếu tính chiến lược; thiếu đoàn kết (chỉ đoàn kết khi chẳng còn gì để mất, khi chống ngoại xâm), ưa kiềm chế nhau; an phận, chấp nhận, chẳng dám mạo hiểm,...
Thế nhưng, tại sao những tính cách đó không thể hiện hay chí ít là không cản trở người Việt thành công ở nước ngoài, ở các nước phát triển? Có lẽ vì thế lại có quan điểm cho rằng không hẳn do văn hóa mà là do thể chế, đặc điểm kinh tế. Cụ thể là, các yếu tố minh bạch, công bằng, công khai của môi trường sẽ tạo điều kiện phát triển cho các đặc điểm tích cực như thông minh, cần cù, thật thà... và hạn chế những tính cách tiêu cực như cạnh tranh không lành mạnh, kìm hãm nhau, suy nghĩ ngắn hạn, đánh quả (mì ăn liền) bất chấp sĩ diện...
Những yếu tố mang tính thể chế nêu trên có thể là nền tảng cho sự vươn lên, thành công của người Việt ở những nước phát triển.
Người viết cho rằng rất có thể cả hai yếu tố văn hóa và thể chế cùng là nguyên nhân của cái mối liên hệ “thông minh nhưng vẫn nghèo”. Tác giả xin lạm bàn về tâm lý lo lắng để góp một góc nhìn trả lời cho mối liên hệ “lạ đời” nêu trên. Trước hết có thể nhận thấy rằng tâm lý này là thuộc tính văn hóa, nhưng chịu tác động của thể chế, môi trường xã hội.
Lo lắng khắp mọi nơi, mọi lúc. Ở các nơi công cộng như bến xe, chợ búa, đặc biệt các nơi công quyền... Đôi khi, thử tách mình ra một chút, để ý những người xung quanh, bạn có thể nhận thấy sự ưu tư lo lắng, có thể đến mức khắc khổ trên gương mặt của họ, những đồng bào của mình (và có thể của cả mình). Nếu có dịp ra nước ngoài, chúng ta có thể có cái nhìn khách quan và mang tính so sánh hơn.
Qua nhiều sân bay quốc tế, gương mặt của người ngoại quốc bạn gặp thường thư giãn, họ đứng ngồi khoan thai, không giành hàng, giành chỗ. Họ có thể phải gấp, đi nhanh khi bị trễ chuyến nhưng đó không phải là những tình huống thông thường. Trong những tình huống thông thường, bạn vẫn có thể nhận ra nét ưu tư lo lắng nhiều khi đến tội nghiệp của đồng bào mình, thường nhốn nháo, tranh chỗ, lăng xăng không một chút thong thả, thong dong như người các nước (trừ những người Việt đã ở lâu ở nước ngoài!). Về đến sân bay ở quê nhà, nét lo lắng, không khí có phần chụp giựt (xin lỗi) thật sự hiện rõ, những gương mặt, dù có thể sắp vỡ òa niềm vui gặp lại người thân đi chăng nữa, vẫn hối hả, đầy âu lo. Tại sao?
Không cần nói đến những lo lắng chung về vệ sinh thực phẩm, về ô nhiễm môi trường... là nỗi lo chung của số đông chúng ta (vốn hẳn đã nặng nề và thường trực hơn so với dân các nước phát triển!), chỉ cần bàn đến những lo lắng của riêng từng người, các bạn có thể hình dung tại sao gương mặt chúng ta đầy khắc khổ.
Biết bao nhiêu người lao động phổ thông còn có cái gì trong đầu mỗi ngày ngoài nỗi lo làm sao thu nhập hôm nay đủ vài ký gạo, vài bó rau và có chút cá thịt cho gia đình. Bao nhiêu công nhân còn có thể suy nghĩ gì hơn, xa hơn ngoài nỗi lo thu nhập tháng có đủ tiền thuê nhà, đủ tiền ăn, đủ tiền đóng học phí cho con, trong tâm trạng lo toan thường trực cho sự an nguy của con mình. Đó là chưa kể tiền hụi, trả tiền vay cắt cổ. Người thân có bệnh mà vào bệnh viện thì lo lắng không biết phải quen biết bác sĩ này, gửi gắm y tá kia để có thể được quan tâm chăm sóc mà đó vốn cũng chỉ là trách nhiệm của y bác sĩ, nhưng vẫn cứ lo. Công chức nhà nước cũng chia sẻ những nỗi lo tương tự nhưng có thể ít khắc nghiệt hơn.
Lo lắng ngập tràn trong đầu khi không biết xin học cho con có được không, con có được đối xử công bằng, có bị căng thẳng thần kinh vô ích ở trường hay không. Lo lắng đến căng thẳng với mọi gia đình khi con trẻ tới tuổi đến trường, đến năm thi cử. Đến cửa quyền chứng vài giấy tờ, làm vài thủ tục thì đã lo từ sáng sớm liệu phải ăn nói sao cho phải phép, liệu có bị hoạnh họe nạt nộ gì không. Ra đường nhiều khi nơm nớp lo sợ bị thổi phạt vì những lỗi không đâu, bị sập hố ga, va dây điện... Có việc phải tiếp xúc cơ quan công quyền, thì năm ba ngày trước đã tràn ngập lo toan. Đó là chuyện dân với muôn vàn nỗi lo!
Còn quan chức, liệu có thời gian để suy nghĩ gì cao xa cho tổ chức chứ chưa nói đến quốc gia dân tộc khi mất hết thời gian để lo giải quyết sự vụ, mà những sự vụ này liên tục xảy ra và là hậu quả của việc thiếu những hoạch định mang tính chiến lược lâu dài.
Giới doanh nhân cũng chẳng khá gì hơn. Làm sao đầu tư phát triển dài hạn khi hàng ngày phải đối phó với tình trạng kiểm tra, vòi vĩnh. Làm ăn quy mô lớn được một chút thì thời gian chỉ dành lo nghĩ sao lấy lòng được ông này, giữ quan hệ với ông kia để tồn tại. Trí thức thì lo toan đời sống, luẩn quẩn trong kiếm chác tích lũy, ngày càng lẫn lộn trong các thang đo vật chất và tinh thần, lo toan cho thăng tiến mà quên mất uy tín của tri thức là tiếng nói nhằm cải tạo xã hội, phản biện cái xấu.
Một xã hội có quá nhiều nỗi lo, bao trùm từ dân đen cho đến quan chức nhà nước, từ doanh nhân cho đến trí thức... lấn át cả nỗi lo đáng có của chuyện phải hoàn thành công việc, bổn phận, thì tự hỏi sẽ còn bao nhiêu phần trăm đầu óc cho tư duy, cho mơ ước, cho viễn kiến xa rộng để đưa gia đình tốt hơn gia đình cha ông mình, để đưa đất nước sánh vai với lân bang, thế giới.