(KTSG Online) - Khi các vụ án liên quan đến thao túng chứng khoán, lừa đảo trái phiếu như FLC, SCB - Vạn Thinh Phát sắp đưa ra xét xử, có một luồng ý kiến cho rằng lỗi chính do các nạn nhân ham lãi cao, bất chấp cảnh báo khi lao vào mua. Tuy nhiên phải phân định rạch ròi, dù nạn nhân có lỗi thì việc sửa hệ thống quản lý mới là việc phải làm tận gốc.
- Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị điều tra lừa đảo chiếm đoạt tài sản
- Bắt tạm giam Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan
Trong vụ thao túng chứng khoán FLC hay phát hành trái phiếu Tập đoàn Vạn Thịnh Phát của Ngân hàng SCB để chiếm đoạt tiền, trong suốt một thời gian dài đến 5-7 năm những dấu hiệu sai phạm đều bị “thông chốt”, bỏ qua ở nhiều cấp quản lý nhà nước có vai trò kiểm soát, chốt chặn.
Điều này có thể ví như trong trận đấu bóng đá mà cả trọng tài biên, trọng tài chính lẫn tổ trọng tài video (VAR) đều nhắm mắt làm ngơ cho tất cả lỗi vi phạm lớn nhỏ của “đội” FLC, SCB thì “đội” nhà đầu tư làm sao thi đấu?
Tất nhiên, những nhà đầu tư lao vào mua cổ phiếu thuộc họ FLC, trái phiếu thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát bất chấp những dấu hiệu bất thường thì phải trả giá, thậm chí giá đắt tới mức tán gia bại sản. Nhưng nếu cho rằng lỗi chính thuộc về họ vì lam tham thì chưa thỏa đáng.
Cần nhìn thêm ở chiều ngược lại, phần đáng quan tâm nhất vẫn là vai trò của Nhà nước tạo ra một sân chơi công bằng, minh bạch cho các nhà đầu tư. Đây là vai trò cực kỳ quan trọng vì không phải nhà đầu tư nào cũng đủ kiến thức, sự nhạy bén để nhận ra các dấu hiệu lừa đảo.
Mặt khác, khi các dấu hiệu được cho là lừa đảo hay thao túng xuất hiện nhiều năm mà không thấy trọng tài “thổi còi” thì nhà đầu tư sẽ cho rằng đó chỉ là những tin đồn không có căn cứ và yên tâm mua tiếp.
Vụ thao túng chứng khoán liên quan Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết khởi nguồn từ việc Công ty cổ phần xây dựng FLC Faros được niêm yết trên sàn chứng khoán Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) hồi năm 2016.
Tính đến khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt hồi đầu năm 2022 thì quá trình thao túng, "lùa gà" nhà đầu tư kéo dài hơn 5 năm với sự tiếp tay hoặc làm ngơ của những cán bộ có trách nhiệm tại HOSE và Ủy ban Chứng khoán nhà nước ở thời điểm đó.
Theo kết luận điều tra của Bộ Công an, dù chưa đủ điều kiện nhưng việc niêm yết cổ phiếu của FLC Faros trên HOSE năm 2016 vẫn trót lọt với sự giúp sức của bốn lãnh đạo của HOSE gồm Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc và Giám đốc Phòng quản lý thẩm định niêm yết.
Không chỉ lọt qua chốt kiểm soát HOSE, việc niêm yết của FLC Faros còn lọt qua chốt chặn cao hơn là Ủy ban Chứng khoán nhà nước với trách nhiệm thuộc về ba cán bộ là Vụ trưởng Vụ Giám sát công ty đại chúng, Tổng giám đốc Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam và Trưởng phòng đăng ký chứng khoán thuộc Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam(1).
Tương tự, vụ chiếm đoạt tiền tại Ngân hàng SCB - trái phiếu Vạn Thịnh Phát khởi nguồn từ giai đoạn 2015-2016 đến cuối năm 2022 khi bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị bắt.
Trong vụ án này có nhiều người bị khởi tố là cán bộ Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM(2).
Theo cáo trạng vụ án, liên quan đến quá trình hai lần thanh tra SCB vào năm 2017 và 2018 của Ngân hàng Nhà nước, nhiều cán bộ phụ trách thời điểm đó gồm Trưởng đoàn thanh tra, Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II (Cục II) thuộc Ngân hàng Nhà nước; Phó trưởng đoàn thanh tra, Cục phó Cục II; Phó chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo không trung thực, giảm nhẹ sai phạm, vi phạm của Ngân hàng SCB.
Còn tại cơ quan có trách nhiệm quản lý địa bàn là Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM và Cục Thanh tra giám sát ngân hàng TPHCM cũng có các cán bộ liên quan đến bỏ qua sai phạm cho SCB gồm Phó giám đốc, Phó chánh thanh tra, Phó trưởng phòng thanh tra.
Tác hại lớn nhất là tại phần kiến nghị, đoàn thanh tra đã đề xuất Chính phủ tiếp tục tạo điều kiện cho Ngân hàng SCB thực hiện tái cơ cấu, cho phép nhà băng này xây dựng đề án tái cơ cấu.
Khi nói nhà đầu tư tham lam thì phải lãnh hậu quả, dù vô tình hay cố ý, người lập luận đã rơi vào kiểu ngụy biện đổ lỗi nạn nhân (victim blaming) hết sức tai hại(3).
Đổ lỗi cho nạn nhân là một trong mười kiểu ngụy biện được sử dụng phổ biến nhất. Đây là điều cần tránh trong một xã hội văn minh vì ngụy biện đổ lỗi sẽ khiến cho nguyên nhân gốc lại bị lập lờ đánh lận con đen thành lỗi nhỏ, dễ dàng bị bỏ qua.
Nguyên nhân gốc không được được sửa triệt để sẽ trở thành những trái bom nổ chậm có thể gây tai họa lớn hơn khi lặp lại trong tương lai. Vì vậy, dù lỗi của nạn nhân như thế nào thì việc cốt yếu nhất vẫn là sửa lỗi của hệ thống quản lý để những vụ án tương tự không tiếp tục xảy ra.
-----------------------------------------
(2) https://thanhnien.vn/vu-an-van-thinh-phat-da-co-23-cuu-can-bo-bi-khoi-to-185231217174614531.htm
(3) Nhà tâm lý học William Ryan đã đặt ra cụm từ "đổ lỗi cho nạn nhân" (victim blaming) trong cuốn sách cùng tên năm 1971 của ông. “Đổ lỗi cho nạn nhân” có thể định nghĩa là lời nói, hành động, cách đối xử của một người với nạn nhân, nhằm trực tiếp thể hiện hoặc ngụ ý các hành động làm hại hay ảnh hưởng tiêu cực đến nạn nhân. Thay vì quy trách nhiệm cho thủ phạm, kiểu ngụy biện đổ lỗi cho nạn nhân lại quy vào chính nạn nhân và cho rằng họ đáng phải chịu như vậy.
Lỗi từ người quản lý + Lỗi từ cơ chế quản lý. Lỗi từ cơ chế quản lý + Lỗi từ người quản lý. Hai trật tự này khác nhau về mặt bản chất. Sắp xếp lại cho đúng, thì nên đảo lại trật tự quy trình. Con người lúc nào cũng là nhân tố quyết định, sau đó mới đến cơ chế, chính sách. Tuy nhiên, mọi thứ luôn không hoàn hảo, cần đến giải pháp thử – sai, để từ đó biết chấp nhận sai – đúng. Không biết chấp nhận sai, không đối diện với thất bại, thì không có sự đúng đắn nào cả. Biết vậy, nhưng hiểu và làm được, rất khó ?
Đời luôn thay đổi. Người phải thích ứng. Thế giới có quá nhiều bài học, mô hình phát triển, hay lẫn dở. Tham khảo, học hỏi, cũng là cách nghiên cứu, sáng tạo có hiệu quả, lại ít tốn kém. Vấn đề then chốt vẫn là, làm sao chọn đúng người để giao việc, chọn đúng việc để tìm người phù hợp.