Thứ Năm, 15/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

M&A ngành tài chính – nóng từ đầu năm

Triệu Minh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Không chỉ sôi động ở các công ty tài chính, các hoạt động thâu tóm và sáp nhập (M&A) với giá trị “khủng” hơn trong năm nay dự kiến sẽ tiếp tục diễn ra trong lĩnh vực ngân hàng. Đâu là động lực dẫn dắt xu hướng này?

VPBank thu hút sự chú ý cách đây hơn hai năm khi chuyển nhượng 49% vốn điều lệ FE Credit cho công ty con thuộc SMBC Group của Nhật Bản, với định giá dành cho FE Credit thời điểm đó lên đến 28 tỉ đô la Mỹ. Ảnh: LÊ VŨ

Chờ những thương vụ khủng

Trong những ngày qua, thị trường tài chính trong nước xôn xao trước thương vụ Tập đoàn Home Credit ký thỏa thuận chuyển nhượng 100% phần vốn góp trong Công ty Tài chính TNHH MTV Home Credit Việt Nam cho The Siam Commercial Bank Public Company Limited (SCB), với giá trị khoảng 800 triệu euro, tương đương 22.000 tỉ đồng. Trong khi Home Credit Việt Nam hiện chiếm thị phần lớn thứ hai trong mảng tài chính tiêu dùng tại nước ta với hơn 15 triệu khách hàng, SCB là ngân hàng lâu đời nhất ở Thái Lan với tổng tài sản đứng thứ tư tại nước này.

Những màn đổi chủ liên tiếp tại các công ty tài chính trong thời gian qua cho thấy hoạt động M&A trong lĩnh vực tài chính vẫn rất sôi động, bất chấp những khó khăn mà ngành này đang phải đối mặt trong thời gian gần đây, từ nợ xấu tiêu dùng gia tăng đến sự cạnh tranh của các hình thức cho vay ngang hàng và xu hướng lấn sân sang hoạt động tín dụng của các công ty công nghệ tài chính.

Như cuối năm 2023, SeABank ký hợp đồng bán toàn bộ vốn góp tại Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu Điện (PTF) cho AEON Financial Service Co., Ltd. – thành viên của AEON Group – tập đoàn bán lẻ lớn nhất Nhật Bản, với giá trị 4.300 tỉ đồng. Trước đó, Ngân hàng SHB chuyển nhượng 50% vốn điều lệ của SHB Finance cho Ngân hàng Krungsri của Thái Lan. Hay như thương vụ thu hút sự chú ý cách đây hơn hai năm là VPBank chuyển nhượng 49% vốn điều lệ FE Credit cho công ty con thuộc SMBC Group của Nhật Bản, với định giá dành cho FE Credit thời điểm đó lên đến 28 tỉ đô la Mỹ.

Lựa chọn bán cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài luôn là giải pháp hiệu quả để tăng vốn nhanh nhất, trong bối cảnh nguồn lực tài chính của các nhà đầu tư trong nước phần nào bị hạn chế, trong khi nhu cầu tăng vốn của các ngân hàng mang tính thường trực và ngày càng cao hơn, để cạnh tranh mở rộng quy mô phát triển kinh doanh mà vẫn đảm bảo cải thiện hệ số an toàn vốn theo các chuẩn mực quốc tế.

Đáng chú ý, không chỉ sôi động ở các công ty tài chính, năm nay, các hoạt động M&A với giá trị “khủng” hơn dự kiến sẽ tiếp tục diễn ra trong lĩnh vực ngân hàng, gồm các thương vụ tại Vietcombank, BIDV và LPBank, mà theo ước tính của Công ty cổ phần Chứng khoán Vietcap (VCSC) có thể mang về nguồn vốn mới lên tới 64.900 tỉ đồng.

Cụ thể, theo kế hoạch từng đưa ra, Vietcombank sẽ thực hiện phát hành riêng lẻ 6,5% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài trong giai đoạn 2023-2024, với 46,1 triệu cổ phiếu dành cho cổ đông chiến lược hiện tại là Mizuho Bank và 261,4 triệu cổ phiếu dành cho các nhà đầu tư khác. Năm 2023 chưa thể triển khai vì điều kiện không thuận lợi, các cổ đông của ngân hàng này đang trông chờ thương vụ sẽ sớm diễn ra trong năm 2024 này.

Tương tự, BIDV từ lâu cũng có kế hoạch phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng chưa thể thực hiện, kể từ sau thương vụ bán 15% vốn cho KEB Hana Bank Hàn Quốc vào năm 2019. Theo phương án tăng vốn năm 2023, BIDV dự kiến chào bán riêng lẻ hoặc chào bán ra công chúng hơn 455 triệu cổ phiếu, nhưng ngân hàng này đã lùi thời gian thực hiện phương án tăng vốn sang năm 2024. Do đó, không loại trừ khả năng BIDV sẽ tiến hành tăng vốn trong năm nay với lựa chọn bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài.

Ngoài Vietcombank và BIDV, được biết LPBank cũng đang triển khai các bước trong kế hoạch phát hành riêng lẻ 300 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, hồi tháng 7-2023, Reuters dẫn nguồn tin thân cận cho biết, SHB đang trong quá trình đàm phán bán 20% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài. Một số nhà đầu tư từ Hàn Quốc và Nhật Bản đã tiếp cận SHB trong thương vụ này, với định giá ngân hàng có thể đạt mức 2-2,2 tỉ đô la Mỹ. Thỏa thuận này dự kiến được hoàn tất trong năm 2024 và cần được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước.

Triển vọng thị trường và nhu cầu cấp thiết

Dư địa phát triển thị trường tài chính ngân hàng của Việt Nam còn rất lớn, khi Việt Nam trong những năm qua không ngừng hội nhập sâu rộng vào hoạt động thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu, thông qua ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA), cũng như thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, quy mô dân số Việt Nam đang tiến gần đến mốc 100 triệu người, dân số trẻ vẫn chiếm tỷ trọng lớn, là điều kiện quan trọng thúc đẩy thị trường tài chính ngân hàng Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ.

Đặc biệt, theo dự báo của Công ty Tình báo thông tin về sự giàu có toàn cầu New World Wealth (Nam Phi) và hãng cố vấn di cư đầu tư Henley & Partners (Thụy Sỹ), Việt Nam sẽ chứng kiến mức tăng trưởng tài sản đột biến nhất thế giới, đến 125% trong 10 năm tới. Theo New World Wealth, Việt Nam hiện có 19.400 triệu phú đô la Mỹ và 58 người có từ 100 triệu đô la Mỹ trở lên sau khi trừ các khoản nợ. Với triển vọng hấp dẫn như thế, miếng bánh tài chính tiêu dùng của Việt Nam sẽ còn nhiều cơ hội tiếp tục “phình to”.

Đối với các ngân hàng, lựa chọn bán cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài vẫn luôn là giải pháp hiệu quả để tăng vốn nhanh nhất, trong bối cảnh nguồn lực tài chính của các nhà đầu tư trong nước phần nào bị hạn chế, trong khi nhu cầu tăng vốn của các ngân hàng mang tính thường trực và ngày càng cao hơn, để cạnh tranh mở rộng quy mô phát triển kinh doanh mà vẫn đảm bảo cải thiện hệ số an toàn vốn theo các chuẩn mực quốc tế.

Thời gian qua, nhiều ngân hàng trong nước đã chủ động triển khai Basel III, dù chưa có quy định nào bắt buộc các ngân hàng Việt phải áp dụng toàn bộ tiêu chuẩn này. Do Basel III là một chuẩn mực trong lĩnh vực được nhiều ngân hàng thế giới áp dụng nên một khi ngân hàng trong nước đáp ứng được các điều kiện của chuẩn mực này, sẽ giúp họ cải thiện xếp hạng tín nhiệm, nâng cao sức cạnh tranh, dễ dàng tiếp cận thị trường vốn quốc tế. Đặc biệt, trước rủi ro nợ xấu tăng nhanh trở lại từ năm ngoái đến nay, cũng yêu cầu bộ đệm dự phòng của các ngân hàng phải lớn hơn thông qua việc tăng vốn nhanh.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024 diễn ra hôm 28-2, Ngân hàng Nhà nước cho rằng trong bối cảnh nhu cầu vốn trung, dài hạn của nền kinh tế lớn và chủ yếu dựa vào hệ thống ngân hàng, tín dụng trung, dài hạn chiếm tỷ trọng khá lớn đã và đang tạo sức ép và rủi ro cho hệ thống tổ chức tín dụng khi nguồn vốn chủ yếu là ngắn hạn, cần có các cơ chế, giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng phát hành cổ phiếu, trái phiếu trên thị trường.

Về phía các nhà đầu tư, việc các ngân hàng trung ương đang có xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ và giảm lãi suất trở lại sẽ giúp chi phí cho các thương vụ M&A rẻ hơn, khi các tổ chức, định chế tài chính quốc tế có thể tăng cường vay tiền với lãi suất thấp tại các nền kinh tế phát triển và tìm kiếm cơ hội thâu tóm tại các doanh nghiệp đang bị định giá rẻ tại các quốc gia khác.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới