(KTSG Online) – Mảng thủy sản chế biến chiếm hơn nửa doanh thu hợp nhất cho tập đoàn PAN, nhưng mảng nông nghiệp mới mang đến lợi nhuận nhiều nhất với tỷ lệ chiếm đến 41%, theo số liệu ước tính cập nhật mới đây.
- Có 92-95% kim ngạch xuất khẩu ngành thuỷ sản do doanh nghiệp Việt Nam tạo ra
- Đến năm 2030, kỳ vọng xuất khẩu thuỷ sản đạt 12 tỉ đô la Mỹ mỗi năm
Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư ngày 9-9, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc tài chính Tập đoàn PAN (mã cổ phiếu PAN), cho biết ước tính doanh thu quí 3-2022 tăng 43%, còn lợi nhuận sau thuế tăng đến 92% so với cùng kỳ.
Lũy kế 3 quí đầu năm, doanh thu hợp nhất ước đạt khoảng 9.815 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế là 537 tỉ đồng, lần lượt hoàn thành 69% và 71% kế hoạch năm.
Đóng góp đáng kể vào tăng trưởng của PAN là hai mảng kinh doanh thủy sản và nông nghiệp. Trong đó mảng thủy sản chế biến đóng góp đến 51% doanh thu và 35% lợi nhuận, còn mảng nông nghiệp chiếm 35% doanh thu nhưng mang lại 41% lợi nhuận sau thuế.
Ông Hồ Quốc Lực, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta (mã cổ phiếu FMC), cho biết với hoạt động chủ lực là xuất khẩu tôm, Sao Ta hiện đang mở rộng vùng nuôi tôm và công suất sản xuất chế biến sâu.
Theo đó, nhà máy thủy sản Sao Ta (công suất 15.000 tấn/năm) sẽ hoạt động trong năm 2022, dự kiến hoạt động hết công suất vào cuối năm 2026. Còn nhà máy Tam An đi vào hoạt động từ tháng 4, đạt mức 20% công suất, dự kiến sẽ hoạt động hết công suất trong 3 năm tới.
Ông Lực cho biết kết quả kinh doanh của mảng xuất khẩu tôm vượt kế hoạch cơ bản, nhưng thị trường ngày càng cạnh tranh gay gắt. Hiện ba thị trường chủ lực của Sao Ta là Nhật, Mỹ và các nước Tây Âu, nhưng tùy thuộc điều kiện thị trường mà công ty sẽ có ứng phó tương ứng. “FMC sẽ không chạy đua theo doanh số mà chọn các thị trường hiệu quả”, ông Lực chia sẻ quan điểm.
Một mảng quan trọng khác của PAN là Công ty khử trùng Việt Nam (VFC), ông Trương Công Cứ, Tổng giám đốc cho biết hiện tăng trưởng rất khó khi thị phần công ty tại khu vực phía Nam đã ở mức cao. Công ty có kế hoạch mở rộng các sản phẩm dịch vụ mới và cả thị trường miền Trung và miền Bắc.
Ngoài ra, trong năm nay VFC đặt mục tiêu đẩy doanh số tăng cao, nhờ thương vụ chuyển giao phân phối sản phẩm chiến lược với tập đoàn đa quốc gia Syngenta, hiện đang là nhà cung cấp thuốc bảo vệ thực vật với hơn 50% thị phần.
Trái với hai mảng kinh doanh trên là động lực chủ yếu cho PAN trong gần 9 tháng đầu năm, mảng bánh kẹo mà đại diện là Bibica lại khiêm tốn hơn vì yếu tố mùa vụ.
Theo ông Nguyễn Quốc Hoàng, Tổng giám đốc Bibica, ước tính trong 8 tháng đầu năm lợi nhuận thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh tăng khoảng 36%. Công ty còn vụ tết là vụ quan trọng nhất trong năm, theo đó kế hoạch dự kiến cuối năm có thể đạt doanh số 1.600 tỉ đồng, tăng đến 140% so với cùng kỳ, mặc dù ngành bánh kẹo hiện đối diện với thách thức lớn là lạm phát.
Theo ông Tuấn, khả năng hoàn thành kế hoạch kinh doanh của tập đoàn khá lớn trong khoảng thời gian còn lại của năm. Đặc biệt là vì mảng nông nghiệp và bánh kẹo thường có kết quả kinh doanh quí 4 cao nhất cả năm, do đó lãnh đạo PAN tỏ ra tự tin vào khả năng hoàn thành kế hoạch kinh doanh của tập đoàn.
PAN là tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và sản xuất thực phẩm, lớn lên dưới các hoạt động mua bán sáp nhập nhiều công ty trong thời gian qua. Các thương hiệu mà PAN đã thâu tóm bao gồm Bánh kẹo Bibica, Thực phẩm Sao Ta, Giống cây trồng Vinaseed, Khử trùng Việt Nam VFC, Chế biến hàng xuất khẩu Long An (Lafooco), Nước mắm 584, Shin Cà phê,..
Bà Nguyễn Thị Trà My, Tổng giám đốc của PAN, chia sẻ tại hội nghị, hiện tập đoàn đã xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp tương đối đầy đủ. Tuy nhiên hậu M&A thì không chỉ dừng lại ở danh mục đầu tư đơn thuần hay mở rộng theo chiều ngang, PAN hiện đang tập trung đầu tư vào chiều sâu, đẩy mạnh nghiên cứu sản phẩm và lĩnh vực chế biến sâu ở nhiều lĩnh vực kinh doanh của tập đoàn.